Đất nước trọn niềm vui

Lục Bình 30/04/2017 09:00

Những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi có may mắn được gặp nhân chứng đã đi qua hai cuộc chiến hào hùng của dân tộc. Bằng giọng trầm trầm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV đã kể lại quá khứ huy hoàng của dân tộc những ngày lịch sử ấy.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Ngày ấy chúng tôi chỉ ngủ ngồi

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bắt đầu câuchuyện với một lời nhận định: Đại thắng mùa xuân năm 1975 là kết quả tất yếu. Một đường lối đúng đắn, một nghệ thuật quân sự tài tình, đặc biệt có sự đoàn kết quân - dân thành một khối thống nhất. Chính những điều này đã đập tan ý chí xâm lược của kẻ thù cũng như dẫn đến thắng lợi tất yếu của dân tộc.

Nhưng có được chiến thắng ấy phải nhắc đến trận đánh mở màn, một “cú sốc” cho kẻ địch. Đó là chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 đến ngày 24/3/1975) đã tiêu diệt và đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của Mỹ, nguỵ ở Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược và điều kiện thuận lợi phát triển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Tướng Nguyễn Quốc Thước kể: Năm 1974, Bộ Chính trị quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược. Khi đó tôi là Tham mưu trưởng, trực tiếp ra Hà Nội nhận mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người phụ trách chính xây dựng các kế hoạch tấn công địch. Tây Nguyên là một địa bàn cực kì quan trọng. Quân Pháp đã từng nói: Chiếm được Tây Nguyên sẽ khống chế được cả 3 nước Đông Dương. Khi Mỹ đổ vào Đà Nẵng, 3 sư đoàn mạnh nhất của Mỹ đều lần lượt kéo lên Tây Nguyên. Mỹ cũng đánh giá rằng: Khống chế được Tây Nguyên thì khống chế được miền Nam. Với quân Mỹ, Tây Nguyên là sức ép với Lào, Campuchia, sức ép ra miền Bắc Việt Nam. Còn với quân đội ta, khống chế địch ở Tây Nguyên, ta sẽ làm chủ được toàn bộ miền Trung và gây sức ép vào Sài Gòn.

Vị tướng trên 40 năm xông pha trận mạc kể rất cặn kẽ về chiến thuật và cách đánh tài tình của quân dân ta. Quân ta nhử địch về hướng Bắc Tây Nguyên nhưng đánh vào hướng Nam Tây Nguyên với trọng tâm là Buôn Ma Thuột, làm địch hốt hoảng, không kịp trở tay. Chiến thắng đã giúp ta chia cắt chiến trường miền Nam thành hai cụm (một là Huế - Đà Nẵng, hai là Sài Gòn). Lực lượng của địch đã bị chặt đôi, như con rắn mất khúc giữa, bị cô lập hoàn toàn Bình Trị Thiên và Đà Nẵng tạo ra sức ép từ Tây Nguyên vào Nam Bộ. Chính từ thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, ta quyết định chuyển nhanh thời gian Tổng tiến công chiến lược trước mùa mưa năm 1975.

Ông nhớ lại, quân địch thương vong, quân ta cũng tổn thất không ít nhưng rồi khí thế chiến thắng hừng hực, với khát vọng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, quân dân ta thà hi sinh tính mạng đã đồng lòng tiến lên vì miền Nam ruột thịt. Ông kể: “Ngày ấy chúng tôi chỉ ngủ ngồi, vừa đi vừa đánh, chỉ mơ tới ngày chiến thắng”. Rồi ngày đó cũng đến, khi ấy ông là Tham mưu trưởng Quân đoàn 3, được lệnh đánh trực tiếp vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu của địch.

Chiến thắng của tình quân-dân

Giọng ông cao lên khi nhắc đến ngày 30-4 đầy ý nghĩa của dân tộc. Chiến trường trở thành một trận đánh hào hùng nhất từ trước tới nay của quân đội ta. Và một điều đặc biệt là 3 mũi tấn công chính: Dinh Độc lập, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu đều được kéo cờ chiến thắng đúng vào 11h30 . Một sự trùng hợp tạo lên lịch sử oai hùng.

Sáng ngày 30/4/1975 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 10 tiến vào Sài Gòn, giải phóng Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Đi đến đâu, tàn quân địch tháo chạy đến đó. Trước mắt ông là hình ảnh lính địch cởi trần, chạy loạn xạ để thoát thân. Quân giải phóng chỉ tước vũ khí của địch, không hề bắt bớ, giết bất kỳ ai. Ông Thước kể, suốt dọc đường từ ngoại ô vào khu vực trung tâm Sài Gòn cả một dãy người di chuyển như những sợi chỉ di động trên đường. Thật không thể tưởng tượng, một đội quân được cho là vô địch chỉ trong chớp mắt đã sụp đổ hoàn toàn.

Trong khi địch lầm lũi cúi đầu trước quân giải phóng thì trái ngược với hình ảnh này những người dân thường của ta toàn phụ nữ, người già và trẻ em bất chấp bom đạn lao ra đường reo hò, cổ vũ đoàn quân giải phóng.

“Lúc đó Sài Gòn chưa hề im tiếng súng. Quân địch vẫn chống trả quyết liệt nhưng nhân dân không sợ. Họ không sợ họng súng của kẻ thù. Lúc xe tăng của ta tiến vào Sài Gòn đạn pháo vẫn đùng đoàng khắp phố phường. Ở ngã tư Bảy Hiền tôi nghe thấy tiếng khóc, tiếng kêu thất thanh của người dân hô: -Hãy cứu lấy các chiến sĩ pháo binh! Thì ra 3 chiếc xe tăng của ta đã bị địch bắn cháy. 5 chiến sĩ lái xe tăng đã bị chết cháy trên xe.” Giọng tướng Thước lạc đi. “Nhân dân của ta là như vậy, không sợ bom đạn lao ra đường cổ vũ tiếp tế cho bộ đội. Họ không sợ chết bởi khát vọng hòa bình đã được họ chờ đợi hơn 30 năm rồi”.

Trung tướng Thước bảo, ông được sống và trở về thật không gì diễn tả được niềm hạnh phúc ấy. Nhưng có rất nhiều điều hối tiếc. Giá mà chiến tranh kết thúc trước 1 giờ đồng hồ thì ông đã không mất đi nhiều đồng đội đến thế. 10 năm chiến đấu, quân đoàn của ông hy sinh trên 3 vạn người. 1 giờ trước hòa bình binh đoàn ông mất đi 200 người. Thế là đã có 200 gia đình mất con, vợ mất chồng… họ đã ngã xuống để dành lại nền độc lập cho đất nước này.

Với ông, trong chiến tranh thì việc chứng kiến những cái chết là bình thường và ngay cả mạng sống của mình cũng coi “nhẹ tựa lông hồng”. Thế nhưng cái chết của đồng đội ông, những người hi sinh ở ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình đó luôn là nỗi ray rứt lớn nhất đối với người cầm quân, lãnh đạo.

Đoàn kết - chìa khóa của thành công

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, trên những rừng cà phê, cao su bạt ngàn xanh mướt; trên những công trình đồ sộ, nguy nga… đâu đó còn liệt sĩ nằm lại đó. Điều này nhắc nhở cho thế hệ hôm nay và mai sau rằng: Ta có thành quả như ngày nay là nhờ xương máu của biết bao người đã hy sinh. Bây giờ xương cốt họ vẫn nằm ở đó. Chúng ta không được phép quên. Lãng quên là có tội với liệt sĩ, là có lỗi với nhân dân. Trước đây chúng ta thắng được kẻ địch hùng mạnh là nhờ khối đoàn kết quân dân, cán bộ. Bài học tình quân dân mối quan hệ máu thịt cán bộ, đồng bào, quân đội càng phải bền chặt hơn bao giờ hết. Chúng ta không được quên bài học lịch sử tình quân dân. Bởi, đây là mạch nguồn của chiến thắng.

Với giai đoạn hiện nay cũng vậy, bài học đoàn kết quân dân vẫn còn nguyên giá trị. Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, thời cơ và thách thức đan xen. Chúng ta phải tranh thủ các nguồn lực để phát triển đất nước, đồng thời phải thấy được đâu là điểm hạn chế để khắc phục. Muốn làm được điều này chỉ có đoàn kết đồng lòng. Đoàn kết là sức mạnh, đánh tan mọi thế lực sừng sỏ. Đoàn kết là chìa khóa để đất nước vững bước trên con đường hội nhập để có một chỗ đứng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, muốn người dân đồng lòng, Đảng phải trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, trong công cuộc chỉnh đốn Đảng, phải làm mạnh mẽ hơn nữa, để “bộ phận không nhỏ” sẽ thành nhỏ, không còn tồn tại trong Đảng. Làm được như vậy, chắc chắn sẽ lấy lại niềm tin của dân với Đảng.

Sài Gòn ngày 30-4 lịch sử

Đại tá Khuất Duy Hoan- nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên, người đã từng có mặt tại Sài Gòn vào ngày 30-4 lịch sử đã kể lại cho chúng tôi nghe những giai điệu hào hùng của ngày này năm xưa.

Ông kể, sáng ngày 30/4/1975, từ huyện lỵ Hóc Môn, chúng tôi được lệnh cơ động truy quét quân địch ở khu vực xã Xuân Thới Đông để mở rộng hành lang tiến công cho chủ lực Quân đoàn tiến vào Sài Gòn. Đang hối hả hành quân thì thấy nhân dân hai bên đường ùa ra. Người thì cầm hoa, người thì cầm cờ Giải phóng, người bưng cả rổ trái cây chặn đường chúng tôi và reo hò sung sướng: “Các chú Giải phóng ơi, Dương Văn Minh đầu hàng rồi, hòa bình rồi…”. Có người cao hứng còn cầm cả chiếc radio mở cho chúng tôi nghe lại lời tuyên bố đầu hàng của chính quyền Sài Gòn do Dương Văn Minh đọc.

Ngay lập tức, chúng tôi nhận được lệnh lật cánh trở ra đường 22, tổ chức đội hình chiến đấu theo từng trung đội và được phép chặn bất kỳ phương tiện nào có thể chở quân vào tập trung tại Dinh Độc Lập. Xe chạy tới cầu Tham Lương thì nhận được lệnh chuyển hướng vào khu vực Bộ Tổng tham mưu địch. Gần đến ngã tư Bảy Hiền vẫn còn lác đác tiếng súng, chúng tôi được lệnh xuống xe hành quân chiến đấu theo hướng đẫn của bộ đội địa phương tiến về đại sứ quán Mỹ. Toà Đại sứ quán Mỹ vắng lặng, cổng chính mở toang như đón chờ, chúng tôi nhanh chóng chiếm giữ, kiểm soát và trấn an số nhân viên phục vụ. Nhiệm vụ vừa hoàn thành thì đơn vị nhận lệnh cơ động về đứng chân tại Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn trên đường Pasteur”.

Lục Bình