TP Hồ Chí Minh: Công tác Mặt trận hướng đến lợi ích nhân dân

Thành Luân 02/05/2017 09:05

Là thành phố đông dân nhất nước, Ủy ban MTTQ TP.HCM xác định công tác Mặt trận của thành phố phải được đổi mới thường xuyên, vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống của người dân thành phố, nhất là góp phần vào giải quyết những vấn đề cấp thiết mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang hướng tới.

Công tác “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”
được Mặt trận TP HCM đặc biệt quan tâm.

Nhìn từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Ngay khi được hiệp thương cử vào vị trí lãnh đạo vào tháng 2 năm nay, tân Chủ tịch UBMTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu đã bày tỏ mong muốn trong cương vị mới sẽ phát huy cao nhất vai trò của MTTQ TP HCM trong giai đoạn mới, nhất là các chức năng về tham vấn, phản biện.

Ngay khi nhận vai trò mới, bà Tô Thị Bích Châu đã chỉ đạo công tác Mặt trận đi thẳng vào những vấn đề dân sinh đang được đông đảo người dân bức xúc, quan tâm. Tại Hội nghị quán triệt, thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố do Thành ủy TP HCM tổ chức ngày 11/3, bà Châu khẳng định, chủ trương giành lại vỉa hè cho người đi bộ là gắn với lợi ích, quyền lợi và mong muốn của đa số người dân thành phố, trước ngưỡng cửa của một đô thị hiện đại, văn minh.

Theo bà Châu, quan sát của Mặt trận sau thời gian chính quyền các quận/huyện ra quân lập lại trật tự lòng lề đường thì đa số người dân đã bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của chính quyền, dù còn nhiều các ý kiến khác nhau. Bởi vì, vỉa hè từ lâu đã gắn với câu chuyện mưu sinh của nhiều gia đình thành phố. Ngay tại Hội nghị này, bà Châu đã đưa ra ý kiến của Mặt trận thành phố, rằng muốn chủ trương trên đạt được hiệu quả thực tiễn tốt nhất thì chính quyền cần có lộ trình cụ thể, có biện pháp chuyển đổi công ăn việc làm cho những người buôn bán hàng rong; có bãi giữ xe để người dân gửi, nhất là tại các khu vực trung tâm thành phố.

Đi vào góp ý giải pháp cụ thể, đại diện lãnh đạo MTTQ TP HCM đã đề xuất giải pháp 3 bước trong việc lập lại trật tự đô thị, bao gồm: sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị vào công tác vận động, tuyên truyền; Nhắc nhở, xử lý lập biên bản nếu vi phạm; sau cùng mới thực hiện đến giải pháp cưỡng chế, giải tỏa. “Đằng sau mỗi gánh hàng rong là cả một gia đình, vì thế nhiệm vụ của chính quyền là vừa phải lập lại trật tự đô thị vừa phải tổ chức lại cuộc sống an cư lạc nghiệp cho người dân”, quan điểm được lãnh đạo MTTQ TP HCM góp ý với lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền TP tại Hội nghị này.

Nhìn từ chương trình hành động của bà Tô Thị Bích Châu đề ra khi trúng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ thấy được một phần những chuyển biến mới. Đó là cam kết của bà Châu trong việc thường xuyên tiếp xúc với người dân, cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của họ, phản ánh kịp thời đến lãnh đạo chính quyền thành phố những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp chính đáng. Chương trình hành động cũng nhấn mạnh vào việc tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước có liên quan đến quyền lợi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trong đó có vấn đề người dân bức xúc về ùn tắc giao thông, kẹt xe kéo dài trên địa bàn thành phố.

Đây là vấn đề mà khi còn tham gia đại biểu HĐND TP HCM nhiệm kỳ trước, bà Tô Thị Bích Châu từng yêu cầu Sở Xây dựng TP phải làm rõ việc cấp phép xây nhà cao tầng, đặc biệt là trung tâm thương mại tại nội đô, bởi lo ngại các quy hoạch này chưa tính toán tới hệ quả kẹt xe, ùn tắc, vốn đã nhức nhối hàng chục năm qua. Ngay khi trúng cử vào đại biểu HĐND TP HCM nhiệm kỳ mới, bà Châu tiếp tục khẳng định sẽ tích cực giám sát việc đảm bảo an toàn giao thông của các cấp chính quyền, là vấn đề đang được cử tri, người dân quan tâm rất lớn.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố cũng quan tâm đến các vấn đề cải cách thủ tục hành chính; những vấn đề liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách; cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đây đang là những vấn đề cần được giải quyết thấu đáo, giúp cho người dân và doanh nghiệp giảm bớt thời gian đi lại và hạn chế những thủ tục rườm rà, qua đó góp phần xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh.

Chủ động - Kịp thời - Sáng tạo - Đi đầu - Hiệu quả

Thông tin với báo Đại Đoàn Kết, bà Đặng Thị Minh Phượng- Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng UBMTTQ TP HCM cho biết, kết thúc năm 2016 Mặt trận thành phố đã có những tổng kết, đánh giá thực tiễn công tác Mặt trận, trong đó chọn ra 12 sự kiện tiêu biểu, mà hầu hết đều gắn với các cuộc vận động (CVĐ), phong trào được người dân thành phố đồng tình, đánh giá cao. Đây là một trong những đổi mới trong đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Mặt trận nhằm rút ra những kinh nghiệm quý báu cho những năm công tác tiếp theo.

Trong 12 sự kiện công tác Mặt trận tiêu biểu của năm 2016, Ủy ban MTTQ TP HCM có đánh giá về CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại 24 quận/huyện của thành phố. CVĐ nhằm thực hiện Đề án số 04 và Thông tri số 10 của UBTƯ MTTQVN, trong đó có những hoạt động thiết thực như: thả cá xuống kênh Tàu Hũ - Bến Nghé (Q.1); tặng giỏ nhựa thay túi nylon (Q.3); lắp đặt camera an ninh (Q.4, Q.10); vận động xây nhà tình nghĩa, tặng bình chữa cháy cho hộ dân (Q.4); trao học bổng, tặng quà cho gia đình khó khăn, nạn nhân chất độc da cam (Q.5, Q.10, H.Nhà Bè); tuyên truyền phòng chống dịch bệnh và tiết kiệm điện (Q.3, 6, 8, 12)…

Công tác tuyên truyền về biên giới, biển đảo Tổ quốc và vận động quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” là một trong những điểm mạnh của UBMTTQ TP HCM trong nhiều năm qua. Mặt trận thành phố đã vận động được số tiền trên 40 tỷ đồng chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các tuyến đầu Tổ quốc. Hàng năm, Mặt trận thành phố đều tổ chức các đoàn đại biểu thăm huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, với tổng kinh phí quà tặng hơn 28 tỷ đồng, cũng như hỗ trợ trang thiết bị cho Hải quân Vùng 2, Vùng 4 và Cục Kiểm ngư VN.

Hoạt động chăm lo cho người nghèo, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” của Mặt trận thành phố đã vận động được gần 132 tỷ đồng để xây dựng mới 441 căn nhà, sửa chữa, chống dột cho 396 căn nhà, trao tặng hơn 16.127 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ và phương tiện đi học cho con em các gia đình khó khăn,… Song song với công tác này, Ủy ban MTTQ cũng đã vận động, quyên góp 43 tỷ đồng cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, hạn hán tại 30 tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài ra, công tác Mặt trận của thành phố cũng ghi dấu ấn trong thực hiện công trình 40.000 thẻ BHYT trao tặng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện cẩm nang về công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của hệ thống MTTQ TP.

Khi đánh giá về những thành tựu của công tác Mặt trận thành phố trong năm qua, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng dành 10 chữ khen tặng: Chủ động - Kịp thời - Sáng tạo - Đi đầu - Hiệu quả. Đi vào cụ thể, ông Thăng đã đánh giá cao nỗ lực vận động hỗ trợ các địa phương bị thiên tai của MTTQ TP HCM. Qua đó, đã kịp thời đề xuất với lãnh đạo thành phố, để ứng tiền gửi trực tiếp các tỉnh phía Bắc, ĐBSCL, miền Trung để khắc phục hậu quả của hạn mặn, lũ quét, mưa bão…

Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu MTTQ tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa nội dung các phong trào thi đua, các CVĐ trước yêu cầu phát triển và đòi hỏi của thực tế. Trong đó, người đứng đầu Đảng bộ TP gợi ý trong công tác vận động, tuyên truyền, MTTQ TP cần chủ động và khai thác lợi thế của các mạng xã hội để công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, hoạt động của MTTQ và qua đó đấu tranh phản bác lại các luận điệu xuyên tác, kích động, chống phá của các thế lực thù địch.

Theo ông Trần Tấn Ngời - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM, từ những yêu cầu, đỏi hỏi thực tiễn của thành phố, trong quý I/2017 vừa tổng kết thì Mặt trận thành phố cũng đã đẩy mạnh vào công tác tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy tiềm năng của các thành phần các giới trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào. Bên cạnh đó, công tác giám sát, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tiếp tục được MTTQ các cấp quan tâm thực hiện; tập trung tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề về những vấn đề bức xúc của người dân. Từ đó, chương trình công tác Mặt trận của thành phố trong quý II/2017 đã có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm, với 9 nhiệm vụ được đề ra sát với thực tiễn yêu cầu phát triển và đòi hỏi của thực tế.

Thành Luân