Tạo sức mạnh đại đoàn kết dân tộc bằng lòng yêu nước chân thành
Thấm thoát, trên nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những ký ức về một giai đoạn oanh liệt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) không bao giờ phai nhạt.
Sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại căn cứ địa bắc Tây Ninh diễn ra cuộc đối đầu lịch sử mang tính thời đại giữa MTDTGPMNVN với sức mạnh của cả dân tộc và nửa triệu quân Mỹ cùng hơn một triệu quân chế độ Sài Gòn. Cuộc chiến rất khốc liệt. Sứ mệnh của MTDTGPMNVN là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua 21 năm chiến đấu gian khổ, hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh. Cuối cùng, Đại thắng mùa Xuân 1975 làm nức lòng nhân dân cả nước và bè bạn khắp năm châu.
Ngọn cờ của MTDTGPMNVN được nhân dân và chiến sĩ miền Nam trân trọng trở thành biểu tượng của chính ngọn cờ Tổ quốc Việt Nam duy nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không thể khác được vì “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Lịch sử MTDTGPMNVN là lịch sử của một giai đoạn hợp thành của toàn bộ lịch sử dân tộc Việt Nam.
Khi nói đến MTDTGPMNVN thì không thể không nhắc đến vai trò cùa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ngay từ khi Mỹ lăm le can thiệp quân sự vào Việt Nam, ông đã biết tập hợp, đoàn kết, phát huy lòng yêu nước của hàng triệu đồng bào các giới Sài Gòn - Chợ Lớn, giương cao ngọn cờ chống Mỹ thành công- ngày 19-3-1950 trở thành “ngày toàn quốc chống Mỹ”. Tại sào huyệt của kẻ thù là Sài Gòn, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã liên tục đương đầu với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mặc dù nhiều lần kẻ thù bắt bớ, lưu đày, đánh đập, âm mưu giết hại ông trong gần 4000 ngày tù đày ở cả miền Nam, miền Trung, miền Bắc, nhưng tất cả không thể khụất phục được lòng yêu nước, ý chí sắt đá của ông.
Khi đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu xâm lược miền Nam, lịch sử đã chọn Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu MTDTGPMNVN. Trong suốt chặng đường 15 năm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, ông không ngừng tập hợp, mở rộng khối đoàn kết toàn dân tộc, kể cả đoàn kết quốc tế và đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quá trình đấu tranh cách mạng, ông đã rút ra những bài học bổ ích:
- MTDTGPMNVN chính là nơi tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh dân tộc để đưa cách mạng đi đến thắng lợi. Trong đó yếu tố lãnh đạo của Đảng đóng vai trò quyết định.
- Khi chủ quyền, độc lập của đất nước bị xâm phạm, dân tộc Việt Nam dù ở miền Nam, hay miền Bắc, triệu người như một nhất tề đứng lên để chống xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước.
- Trước họa ngoại xâm, nhân dân ta, cán bộ ta sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của Tổ quốc, đoàn kết một lòng, bến bỉ chịu đựng gian khổ, hy sinh mất mát.
Khi giang sơn thu về một mối, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ khẩn thiết lưu ý: “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, nhưng sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc vẫn phải tiếp tục”.
Những bài học kinh nghiệm lịch sử ấy đến nay vẫn luôn mang tính thời sự.
Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2017), chúng ta ôn lại chặng đường vẻ vang với truyền thống đại đoàn kết dân tộc là rất đúng. Nhưng chúng ta cũng phải ôn lại cả sai sót, nhất là sai sót về tư cách, phẩm chất để luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, tập trung trí lực cho “cái công” hạn chế tối đa “cái tư” thấp hèn, nhằm không chệch quỹ đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo đảm xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng giữa người và người, đối xử nhau bằng tình, bằng nghĩa. Bác Hồ từng nói: “Trước khi là người cộng sản, tôi là người yêu nước”.
Sau khi thống nhất nước nhà, sau mấy chục năm đổi mới, với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, từ một nước nghèo nàn Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong điều kiện hòa bình, bức tranh thực tiễn cuộc sống đang chứng tỏ những thử thách, cám dỗ về tiền tài, địa vị; giữa lợi ích chung của Tổ quốc và lợi ích riêng ích kỷ, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên kể cả cấp cao đã không còn biết tự trọng, phai nhạt lý tưởng, lòng yêu nước, tự coi là quan cách mạng, lạm dụng chức quyền, nhiễu bệnh thực dụng, tham nhũng, ăn cắp của công, kéo bè kéo cánh thành nhóm lợi ích, suy thoái vế đạo đức, lối sống, bóp nghẹt dân chủ, ức hiếp quần chúng. Một bộ phận cán bộ suy thoái hiện nay đáng bị lên án hơn ai hết trước những thách thức mà đất nước hôm nay đang phải đối mặt. Bởi vì họ - “một bộ phận không nhỏ” đã góp phần làm cho đất nước tụt hậu so với thế giới, làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, trái với bản chất chế độ XHCN. Tất cả đã uy hiếp sự ổn định vế chính trị, tốc độ tăng trưởng về kinh tế, sự lành mạnh xã hội. Thậm chí, những nguy cơ đó thực sự đe dọa nền độc lập, chủ quyền đất nước, gặm nhấm uy tín của Đảng và Nhà nước ta, làn giảm đáng kể lòng tin của nhân dân và làm rạn nứt sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Khi nói rằng “đoàn kết là sức mạnh” thì mỗi chúng ta cần suy nghĩ bản thân mình đã làm gì để tạo sự đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ngược lại, lối sống ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa không được ngăn chặn, các hiện tượng tiêu cực chậm bị đẩy lùi, những sai phạm được phát hiện không được xử lý kịp thời đúng mức, sẽ chỉ làm tổn thương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, làm chậm sự phát triển đất nước, làm cho dân ta tiếp tục nghèo khó. Và như vậy, chúng ta có tội với những người đã hy sinh xương máu để chúng ta có cuộc sống yên bình ngày hôm nay. Sức mạnh đại đoàn kết phải tiếp tục phát huy bằng tấm lòng yêu nước chân thành. Điều đó trước hết cần phải được chứng minh bằng sự hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước nhân dân của từng cán bộ, đảng viên từ cơ sở đến cấp cao nhất.