Mái nhà chung đoàn kết

Lê Na 02/05/2017 15:43

42 năm ngày đất nước thống nhất có thể được xem là dấu mốc để thêm một lần nữa bồi đắp cho mái nhà chung Mặt trận 87 năm qua ngày càng ấm áp, hòa hợp và rộng mở. Trong đó, việc lắng nghe nhân dân nói và đi thẳng vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống là một cách để Mặt trận tiếp tục hoàn thành sứ mệnh đại đoàn kết.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi các vị hòa thượng trong
Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Quốc Trung).

1. Vì người nghèo không chỉ đơn thuần là một cuộc vận động kêu gọi nhân dân ủng hộ người nghèo mà Mặt trận đã thực hiện trong suốt 16 năm qua mà đang là đích đến để Mặt trận góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ lo cho người nghèo với mục đích tạo điều kiện để người nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững.

Từ lâu, hộ nghèo, cận nghèo và người nghèo luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm nhưng xã hội càng phát triển, khoảng cách giàu nghèo càng rộng hơn, rõ hơn và vì thế việc thoát nghèo lại trở nên khó khăn hơn.

Còn nhớ trong những ngày đầu năm 2017, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi đến các tỉnh thành trên cả nước với mong muốn mang đến một cái tết ấm áp hơn đối với những gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nhất là người nghèo.

Mỗi một hộ nghèo là một số phận éo le. Lắng nghe và chia sẻ với người nghèo từ Hòa Bình, Sơn La cho đến Vĩnh Long, Trà Vinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân luôn động viên các hộ nghèo lạc quan sống để vượt qua khó khăn và nhắn nhủ nếu có bất cứ khó khăn gì hãy tìm đến Mặt trận.

Mặt trận đang thực sự hướng về cuộc sống chứ không chỉ là ý chí chính trị đoàn kết. Bởi bên cạnh trách nhiệm vận động nhân dân ở tầm vĩ mô, ở những phong trào có tính chất chính trị xã hội thì Mặt trận đã và đang đi thẳng vào những vấn đề của con người.

Trong đó Mặt trận đã biết chọn ra những điểm nóng trong cuộc sống như giám sát về chế độ chính sách đối với người có công- lần đầu tiên sau 40 năm chúng ta mới làm được. Hay như việc kêu gọi, hỗ trợ và giám sát hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng cá chết do ô nhiễm từ Công ty Formosa ở Hà Tĩnh, đồng bào bị hạn hán ở Nam bộ và Tây Nguyên cho đến việc tham gia giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm- tuyên chiến với “quốc nạn” thực phẩm bẩn, giám sát việc khai thác cát, sỏi trái phép cho đến việc vận động nhân dân tham gia các mô hình liên kết hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân…

Điều này là cơ sở để Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thêm khẳng định quyết tâm của Mặt trận trong công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh: không để một hộ nghèo, hộ gia đình chính sách nào mà không có một tổ chức đoàn thể đứng ra nhận hỗ trợ, không để người dân nào rơi vào hoàn cảnh cùng cực mà Mặt trận không biết. Mặt trận sẽ không bỏ lại bất cứ người nghèo nào ở lại phía sau.

2. Linh mục Đỗ Hiệu, Quản hạt vùng Kon Tum là người rất kiệm lời khi nói về bản thân mình và nhiều việc mà ông đã làm được trong suốt những năm tháng qua nhưng chỉ khi nói về sứ mệnh yêu thương của một người công giáo, ông mới thực sự mở lòng bởi ông cho rằng, sứ mệnh này tương trùng với sứ mệnh của người Mặt trận.

Đối với người Công giáo, lòng thương xót là một điều hết sức quan trọng. Đức Giáo hoàng đã kêu gọi tất cả những người Công giáo hướng về trái tim chúa Giê su hãy sống nhân hậu và thương xót những người sống xung quanh mình. Không chỉ trong tư tưởng mà trong cả hành động là chia sẻ cơm áo với người nghèo khó.

Theo Linh mục Đỗ Hiệu, lời mời gọi đó có sự đồng điệu với thông điệp của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi đến Kon Tum và nói rằng “chúng ta đoàn kết yêu thương để có mục đích chung làm sao để sống phồn vinh cả nước trong đó có đồng bào công giáo ngày càng ấm no, đáng sống hơn”.

Chính bởi lẽ đó, trong vai trò là một Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum, Linh mục Đỗ Hiệu luôn bày tỏ quan điểm của mình, phải làm sao để đồng bào công giáo cũng như đồng bào tất cả các tôn giáo hợp tác chặt chẽ cùng với chính quyền và muốn vậy chính quyền phải tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động. Vì nếu không làm điều này chúng ta sẽ chỉ có đoàn kết trên giấy tờ chứ không có đoàn kết trong trái tim.

Và để làm được điều này, Linh mục Đỗ Hiệu cho rằng, chỉ có Mặt trận mới là cầu nối xứng đáng nhất. Mặt trận giúp đồng bào tôn giáo nói lên tiếng nói của mình và giúp chính quyền lắng nghe tiếng nói của đồng bào tôn giáo.

Bởi thế, trong mọi hoàn cảnh, thời điểm, Linh mục Đỗ Hiệu luôn khuyên bảo đồng bào công giáo, nếu có thể tham gia Mặt trận thì hãy tham gia. Bởi vì Mặt trận là nơi để tiếng nói của mình được đưa đến chính quyền những bức xúc, những điều mắt thấy tai nghe.

Trong chặng đường 87 năm hình thành và phát triển, Mặt trận cho phép không chỉ những cá nhân tiêu biểu, trí thức có điều kiện được nói lên tiếng nói của mình mà là một nơi mà bất cứ người dân nào cũng có điều kiện để tạo nên tiếng nói. Tiếng nói trong Mặt trận là tiếng lòng của dân.

Còn nhớ khi dẫn đầu đoàn đại biểu Phật giáo đến MTTQVN ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Hòa thượng Thích Chân Quang- Phó trưởng ban Kinh tế tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Phật Quang, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chân tình chia sẻ rằng, đến Mặt trận là trở về nhà.

Vì trong tâm tưởng của ông, Mặt trận chính là mái nhà chung của mọi tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước. Bất cứ ai mang trong mình dòng máu con dân đất Việt khi nghĩ về tình cảm dân tộc là nghĩ đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, thông qua Mặt trận, Hòa thượng Thích Chân Quang và phật tử chùa Phật Quang muốn bày tỏ tình yêu nước, yêu đồng bào của mình, gửi gắm tấm lòng của mình đến với đồng bào miền Trung đang gặp khốn khó.

3. 87 năm hình thành và phát triển, trong tiến trình đó, Mặt trận có sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc và trong các mục tiêu chung của dân tộc, trong những phong trào thi đua yêu nước. Do đó, Mặt trận gắn bó với Đảng một cách rất mật thiết. Nhưng bên cạnh sự gắn bó, đồng hành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chung của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì Mặt trận vẫn có vị trí riêng, đặc biệt và duy nhất trong tất cả những tiến trình đó.

Chính vì vậy, tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng, bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc. “Mặt trận Tổ quốc là hình ảnh sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận cần chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và lưu ý “Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch”.

Với nhận thức sâu sắc đó, Chương trình hành động của MTTQVN thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề cập cụ thể.

Từ quan điểm của Tổng Bí thư: nếu chỉ có Đảng, Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương 4 thì không thể thành công, Mặt trận và nhân dân, báo chí phải vào cuộc, Mặt trận phải sử dụng, phát huy thế mạnh của báo chí và Mặt trận phải làm cho sức mạnh đó tốt hơn nữa, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Sau khi phát động, báo chí đã quyết liệt vào cuộc với quy mô lớn, phản ánh sâu sắc và mức độ bài báo đăng về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí bình quân trên 100 bài/tuần. Người đứng đầu Mặt trận thẳng thắn nêu rõ quan điểm, không nên đặt câu hỏi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đang diễn ra ở đâu mà phải đặt câu hỏi những hiện tượng tham nhũng, lãng phí đang diễn ra được báo chí và nhân dân nêu nhưng Mặt trận có tích cực vào cuộc hay không? “Chúng ta không thể để tình trạng báo đăng mà Mặt trận địa phương không biết gì”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và cho rằng, nếu không thực hiện quyết liệt trong 10 năm nữa hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sẽ diễn ra tràn lan. Chính vì vậy không được phép không làm và chùn bước.

Tất cả những nỗ lực này để thấy, bên cạnh việc lắng nghe nhân dân nói thì việc chủ động đi thẳng vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống là một cách để Mặt trận tiếp tục hoàn thành sứ mệnh đại đoàn kết.

Lê Na