Chính quyền Mỹ tạm ngừng sắc lệnh rút khỏi hiệp ước NAFTA

Khánh Duy 28/04/2017 08:20

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định với các lãnh đạo Canada và Mexico rằng ông sẽ không hủy bỏ hiệp ước NAFTA trong khoảng thời gian này, nhưng sẽ nhanh chóng khởi động các cuộc tái đàm phán về hiệp ước với hai nước láng giềng, Nhà Trắng hôm 27/4 cho hay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) cùng Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 13/2/2017. (Nguồn: NYTimes).

Tuyên bố trên xuất hiện sau khi giới chức Nhà Trắng hé lộ rằng Tổng thống Trump cùng các cố vấn của ông đang cân nhắc về việc đưa ra một chỉ thị mới nhằm rút Mỹ khỏi hiệp ước thương mại với Canada và Mexico, một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới.

Nhà Trắng cho biết ông Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, và rằng ông sẽ tạm lùi bước khỏi việc hủy bỏ NAFTA, trong một cuộc hội thoại được mô tả là “mang tính chất xây dựng”.

“Tổng thống Trump đã nhất trí không hủy bỏ NAFTA trong thời điểm này và các lãnh đạo cũng nhất trí rằng sẽ tiến tới tái đàm phán về thỏa thuận NAFTA để mang lại lợi ích cho cả 3 quốc gia” - Một tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.

“Nhiệm vụ của tôi là phải đổi mới lại NAFTA thông qua tái đàm phán. Việc đạt được sự nhất trí với Tổng thống Pena Nieto và Thủ tướng Trudeau là một vinh dự, và tôi tin rằng kết quả cuối cùng sẽ làm cho cả 3 quốc gia mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn” - Tổng thống Trump nói.

Trước đó thì Nhà Trắng đã khẳng định rằng sẽ đưa ra một chỉ thị rút Mỹ khỏi NAFTA ngay vào thời điểm tròn 100 ngày ông Trump làm Tổng thống, tuy nhiên việc đưa ra nước đi này vẫn gây tranh cãi ngay trong số các cố vấn hàng đầu của ông Trump. Từ lúc thực hiện chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng từng đe dọa tái đàm phán lại NAFTA, điều đã khiến đồng tiền của các nước Mexico và Canada giảm giá trị.

Rủi ro cho 3 bên

Bất cứ sự gián đoạn nào trong quan hệ thương mại giữa 3 đối tác thuộc NAFTA đều có thể dẫn tới bất ổn trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô và nhiều ngành khác, ảnh hưởng tới lợi nhuận của các công ty đang hưởng lợi từ chính sách phi hàng rào thuế quan và giá nhân công rẻ ở Mexico. Ngoài ra điều đó cũng gây cảnh hưởng tới hàng xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ.

“Hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận thương mại trên đồng nghĩa với việc các lợi ích trên sẽ biến mất” - ông Paul Ferley, một nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng Hoàng gia Canada, nhận định.

Tổng thống Trump từng liên tiếp tuyên bố sẽ rút khỏi khối thương mại tự do đã 23 năm tuổi này nếu như ông không thể đàm phán lại các điều khoản tốt hơn cho nước Mỹ. Ông từng cáo buộc Mexico đang hủy hoại cơ hội việc làm ở Mỹ. Được biết, Mỹ từ chỗ thặng dư thương mại so với Mexico trong những năm đầu 1990, đã chịu thâm hụt thương mại khoảng 63 tỷ USD trong năm 2016.

Các chi tiết liên quan tới sắc lệnh dự thảo của chính quyền Trump về NAFTA hiện vẫn chưa được tiết lộ. Ông Trump hiện đang phải đối mặt với nhiều phản ứng từ cộng đồng kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua, trong đó có một sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ 7 nước Hồi giáo lớn trên thế giới.

Việc rút khỏi NAFTA sẽ giúp ông Trump khẳng định lời hứa hẹn của ông trước đây đã từng là một trong những cột trụ trong chiến dịch tranh cử của ông, nhưng nó cũng có thể gây tổn hại tới ông tại một số bang đã giúp ông đắc cử.

“Thưa ngài Tổng thống, các nông dân trồng ngô từng giúp ông giành chiến thắng” - Hiệp hội Trồng ngô quốc gia Mỹ nói trong một tuyên bố - “Rút khỏi NAFTA sẽ là một thảm họa đối với ngành nông nghiệp của Mỹ”.

Ý kiến trái chiều

Hãng tin Reuters trong cùng ngày dẫn nguồn tin chính phủ Mỹ cho hay hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều ngay trong nội bộ chính phủ về khả năng Tổng thống Trump sẽ ký một sắc lệnh mới trước dịp 100 ngày ông làm Tổng thống, tức vào thứ Bảy tuần này. Nguồn tin trên nhấn mạnh rằng chính quyền muốn đưa ra quyết định một cách thận trọng.

“Có một cuộc thảo luận về các bước mà chúng tôi sẽ đưa ra nhằm khởi động tiến trình tái đàm phán hoặc rút khỏi NAFTA” - Reuters dẫn nguồn tin trên, cho hay.

Mexico đã dự tính sẽ khởi động tái đàm phán NAFTA trong tháng 8 tới nhưng một sắc lệnh được Mỹ đưa ra sẽ càng tăng thêm tính khẩn cấp của sự việc này. Chính phủ Mexico hiện chưa đưa ra bình luận nào về dự thảo sắc lệnh của ông Trump, Ngoại trưởng nước này chỉ cho biết họ sẽ rời khỏi bàn đàm phán còn hơn là chấp nhận một thỏa thuận tồi.

Mới đây, chính quyền Trump còn gia tăng luận điệu chỉ trích đối với Canada, và trong tuần này đã chỉ thị đánh thuế 20% đối với mặt hàng gỗ mềm nhập khẩu từ nước này, gây nên tình trạng căng thẳng trong lúc 3 nước NAFTA đang chuẩn bị tái đàm phán. Canada nói rằng họ đã sẵn sàng đàm phán lại các điều khoản về thỏa thuận NAFTA vào bất kỳ thời điểm nào.

Khánh Duy