Vì quyền lợi của người lao động

Lê Minh Long 29/04/2017 08:25

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, đối thoại với hơn 2.000 công nhân lao động các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mới đây tại thành phố Đà Nẵng.

Trong những năm gần đây cuộc sống của người lao động đã được cải thiện rõ rệt.

Nâng cao chất lượng bữa ăn ca

Trước thực trạng bữa ăn ca của người lao động (NLĐ) mỗi nơi thực hiện một kiểu, không đáp ứng và đảm bảo cho sức khỏe NLĐ, Tổng LĐLĐVN đã có một bước đi mạnh mẽ là ban hành riêng một Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, chủ động tham gia với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn ca đối với công nhân (CN).

Đặc biệt Công đoàn (CĐ) có thể khởi kiện giám đốc doanh nghiệp (DN) khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ.

Để chấm dứt tình trạng ngộ độc tập thể tại các DN có đông CN, các cấp, các ngành cũng phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức CĐ để giám sát chất lượng thực phẩm cũng như giám sát định mức kinh phí DN dành cho bữa ăn ca của NLĐ.

Thực hiện nghị quyết trên, báo cáo của Tổng LĐLĐVN cho biết, từ tháng 2-2016 đến cuối năm 2016 khoảng 25.545 DN có CĐ cơ sở đã tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ.

Trong đó, 1.085 CĐ cơ sở đã chủ động đứng ra đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động nâng giá trị bữa ăn ca của NLĐ từ 15.000 đồng trở lên. Ở những đơn vị còn khó khăn, CĐ tham gia với chủ doanh nghiệp cố gắng cải thiện, hỗ trợ một phần chi phí cho NLĐ. Nỗ lực này của các cấp CĐ đã góp phần cải thiện sức khỏe NLĐ, giúp họ an tâm làm việc lâu dài.

Đánh giá sau 1 năm triển khai nghị quyết, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN ông Mai Đức Chính cho biết, hiện nay có rất nhiều DN xây dựng được mô hình bếp ăn tập thể tốt.

Điển hình như tại TP HCM, trong 1 năm qua, cũng đã có nhiều DN, đặc biệt là trong các KCX - KCN đã triển khai xây dựng bếp ăn tập thể và nâng cao giá trị suất ăn từ bằng đến cao hơn mức mà Nghị quyết Tổng Liên đoàn đưa ra. Và cũng xuất hiện nhiều DN tổ chức thêm bữa ăn ngon ngày cuối tuần, kèm trái cây tráng miệng, rồi cũng có DN nâng giá trị suất ăn lên tới 32.000 - 40.000 đồng/suất…

Điều đáng mừng là chính người sử dụng lao động, người quản lý đã cùng ăn bữa ăn giữa ca với công nhân, điều đó thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp, đồng thời cũng chính là sự kiểm tra giám sát.

Mặc dù hiện nay vẫn còn xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm liên quan đến bữa ăn của NLĐ, song có thể thấy những nỗ lực của CĐ các cấp đã góp phần mang lại cho NLĐ có được bữa ăn giữa ca chất lượng và an toàn hơn. Và để đảm bảo quyền lợi cho về bữa ăn ca trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cho biết, hiện Tổng LĐLĐVN đã hướng dẫn các cấp công đoàn đưa nội dung chất lượng bữa ăn ca vào nội dung thương lượng tập thể đặc biệt là đối với các DN có hỗ trợ bữa ăn ca nhưng còn ở mức dưới 15.000 đồng, riêng ở những nơi có giá trị suất ăn cao hơn thì cần phải duy trì thực hiện thường xuyên để đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho NLĐ, đồng thời, tăng cường phối hợp cùng thanh tra y tế, các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các DN có giá trị bữa ăn ca thấp.

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Cùng với vấn đề về bữa ăn thì vấn đề nhà ở cho công nhân cũng là một những nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm trong thời gian gần đây.

Đứng trước thực tế cả nước có 344 KCN, KCX, trong đó 46 KCN, KCX có tổ chức CĐ, tuy nhiên chưa có đầy đủ trụ sở làm việc (có nơi đã được bố trí nhưng ở xa KCN, KCX).

Tại KCN, KCX có khoảng 2,7 triệu lao động, với hơn 1,6 triệu đoàn viên, đa số là người ngoại tỉnh, chiếm 70%; khoảng 1,1 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở và 1,4 triệu lao động có nhu cầu mua sắm tại các siêu thị CĐ. Hiện tại các KCN, KCX mới chỉ đáp ứng được 7-10%, trên 90% lao động còn lại hiện vẫn phải thuê chỗ ở của các hộ dân. Nhà trẻ mẫu giáo phục vụ cho CNLĐ có con nhỏ chỉ chiếm 1- 2% số lượng công nhân.

Tổng LĐLĐVN đã xây dựng Đề án về xây dựng các thiết chế công đoàn. Ngay khi Đề án này được trình Thủ tướng Chính phủ đã lập tức xem xét, phê duyệt.

Theo đó, Tổng LĐLĐVN sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan chung tay xây dựng các khu thiết chế phục vụ công nhân lao động và đoàn viên công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất gồm: Thiết chế về nhà ở, nhà văn hóa, thư viện, nhà trẻ, trung tâm hỗ trợ pháp lý cho công nhân nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân.

Theo Tổng LĐLĐVN bước đầu đã có sự đồng thuận của các cơ quan liên quan trong việc xác định các giải pháp cụ thể về nguồn vốn, đất sạch, cơ chế chính sách, khả năng vận hành cũng như những lợi ích thiết thực có được sau khi dự án hoàn thành nhằm cải thiện từng bước đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ ở các KCN, KCX.

Để đề án trên được triển khai hiệu quả và nhanh chóng hoàn thiện, phát biểu tại buổi đối thoại với hơn 2.000 NLĐ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp cao nhất với CĐ trong việc cấp đất, hỗ trợ hạ tầng để xây dựng nhà ở và thiết chế CĐ dành cho công nhân, Thủ tướng cũng kêu gọi cộng đồng DN cùng quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”, đời sống công nhân được tốt hơn với mong muốn công nhân được lao động lâu dài tại doanh nghiệp, chung tay xây dựng đất nước.

“Hãy quan tâm đến người lao động bằng giải pháp việc làm, lo bữa ăn với an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, đặc biệt là lo xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân, nhất là hỗ trợ nhà ở, siêu thị CĐ, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý... - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Có thể khẳng định rằng vấn đề đảm bảo quyền lợi cho NLĐ luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và dành nhiều nguồn lực. Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của nước ta cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính sách, pháp luật về lao động cũng được đổi mới, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Việc tạo ra hành lang pháp lý đã tạo điều kiện quan trọng cho việc hình thành và phát triển thị trường lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, nhất là chuyển đổi lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp - nơi có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; vấn đề an sinh xã hội.

Năm 2017 đã được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lựa chọn là “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, một lần nữa khẳng định chăm lo cho đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức Công đoàn.

Lê Minh Long