Giảm biên chế để tạo nguồn tăng lương
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2017/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2017 mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng/tháng (thay cho mức cũ là 1.210.000 đồng/tháng).
Nhiều ý kiến cho rằng, lương tăng thêm 90.000đ/hệ số chỉ mang tính động viên, là giải pháp tình thế. Giải pháp căn cơ để cải cách lương chính là đẩy mạnh tinh giản biên chế.
Nghị định 47/2017/NĐ-CP nêu rõ: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được giao, phấn đấu tăng nguồn thu sự nghiệp và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương chưa sử dụng hết năm 2016 chuyển sang (nếu có) để cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2017.
Trước nhiều ý kiến của cán bộ, công chức cho rằng, đây không phải lần đầu lương tăng nhỏ giọt không đúng lộ trình, không làm cho cuộc sống của người hưởng lương bớt khó, ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Đúng là do điều kiện ngân sách khó khăn, mấy năm gần đây lương chỉ tăng nhỏ giọt. Lương đúng nghĩa chỉ mang tính động viên nhưng trong điều kiện ngân sách eo hẹp, chi thường xuyên quá lớn, việc tăng lương như vậy đã là nỗ lực của Chính phủ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đề xuất tăng tiền lương cơ sở lên 7- 8% là do Chính phủ đã nhìn thấy đời sống cán bộ, công chức hiện rất khó khăn.
Việc này sẽ điều chỉnh được một phần đời sống của người làm công ăn lương, người về hưu, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi.
Tuy nhiên, đây không phải là cải cách chính sách tiền lương mà chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời có tác động đến đời sống xã hội, không mang tính chất căn bản. Tuy nhiên, trong điều kiện lạm phát được kiềm chế, lương tăng dù không nhiều cũng giúp người lao động bớt khó khăn phần nào.
Rõ ràng lương chỉ tăng 90.000đ/1 hệ số là mức tăng quá thấp, tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra với nhà quản lý đó là lấy nguồn đâu để tăng lương? Và câu trả lời nhắm đến việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ để giảm bớt người hưởng lương từ ngân sách.
Về vấn đề này ông Mai Đức Chính cho rằng, ai cũng biết muốn tăng lương thì phải tinh giản biên chế, nhưng quá trình này diễn ra rất chậm chạp. Vấn đề ở chỗ cần phải chuyển mạnh từ bao cấp sang tự chủ, vì hiện nay bộ phận sự nghiệp gánh quỹ lương chi thường xuyên rất lớn. Theo đó Y tế, giáo dục là những lĩnh vực có thể đi đầu trong công cuộc tự chủ, không dựa vào bầu sữa ngân sách.
Theo ông Đặng Như Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, hiện số lượng đối tượng áp dụng chế độ tiền lương theo qui định hiện hành (không tính lực lượng vũ trang) khoảng hơn 2,727 triệu người, trong đó: Cơ quan hành chính quản lí nhà nước từ cấp huyện trở lên: khoảng 310,1 ngàn người; Cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoản thể chính trị- xã hội từ cấp huyện trở lên: khoảng 86,4 ngàn người; Đơn vị sự nghiệp công lập: khoảng 2,074 triệu người; Cán bộ, công chức cấp xã: khoảng 256,6 ngàn người.
Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã hưởng phụ cấp hằng tháng là 302,648 ngàn người. Ông Đặng Như Lợi cho rằng, số lượng công chức viên chức làm việc hết mình chỉ khoảng 40%, 30% là chỉ đâu đánh đấy, 30% còn lại là “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Vậy với 2,7 triệu người đang hưởng lương ngân sách, thống kê sơ bộ thì có tới 700.000 người không làm được việc, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm.
Việc tinh giản biên chế nên nhắm tới các đối tượng này để lấy nguồn cho cải cách tiền lương, tăng lương cho những người làm việc thực sự. Lâu nay, chúng ta vẫn trả lương theo cách tư duy trả thấp, thông cảm, chia đều, có thế nào trả thế đấy, chờ đợi, phụ thuộc ngân sách nên phản tác dụng. Thế nên mới có chuyện, Nhà nước bỏ nhiều tiền nhưng không thu được kết quả.