Gỡ nút thắt cơ chế để tích tụ ruộng đất

Hoài Vũ 28/04/2017 08:05

Ngày 27/4, Tạp chí Cộng sản tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Tích tụ, tập trung ruộng đất ở Việt Nam trong điều kiện mới: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Nhiều đại biểu đã chỉ ra nút thắt về cơ chế khiến tích tụ, tập trung ruộng đất đang là lực cản lớn.

Cần quan tâm đến lợi ích lâu dài của người nông dân.

Bờ xôi ruộng mật không còn giá trị là vấn đề cần suy nghĩ

PGS.TS Trần Quốc Toản- nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại và bền vững phải xây dựng thể chế đồng bộ gắn kết hữu cơ với kinh tế hộ nông dân, các loại hình hợp tác xã, hệ thống các doanh nghiệp và áp dụng khoa học công nghệ với thị trường. Trong đó quan trọng nhất chính là lợi ích của người nông dân ở đâu trong chuỗi sản xuất hàng hóa.

Do đó phải xem kinh tế hộ nông dân là nền tảng cơ bản góp phần chuyển sang sản xuất hàng hóa mới gắn với nền tảng như đất đai, vốn, lao động, công cụ lao động và khoa học công nghệ. Theo ông Toản, quy mô chuyển đổi phải gắn với các loại đất vì đất trồng lúa khác với đất nuôi tôm hay trồng hoa màu.

“Cho nên phải gắn với mô hình sản xuất, tăng quy mô nhưng phải áp dụng theo chiều sâu, áp dụng hoa học công nghệ, tức là chiều cao không gian chứ không phải cứ nhiều đất đai. Việt Nam cần kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu để phù hợp, chứ chỉ tích hợp rộng đất phát triển theo chiều rộng là không hiệu quả”- ông Toản nói, đồng thời đưa ra phân tích: Dân số tăng lên rất nhanh ở khu vực nông thôn, lực lượng lao động chiếm 70% nên sức ép đè lên nông nghiệp là rất lớn.

Số liệu thống kê cho thấy quy mô ruộng đất nông nghiệp với số hộ có dưới 0,5ha chiếm 70%, còn tại ĐBSCL số hộ có 2ha đất trở lên chỉ chiếm 13%.

Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng tích tụ ruộng đất nhưng phải gắn với trình độ sản xuất, giá trị đất đi vào sản xuất hàng hóa như thế nào mới quyết định từng loại đất và từng vùng.

Vẫn theo ông Toản, hiện còn trở ngại vì nhiều vùng manh mún, không thuận tiện cho sản xuất mà cải tạo cũng tốn công lớn. Tại đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ tình trạng bỏ ruộng vì các quy định liên quan đến đất đai đang kẹt; bởi công nghiệp và dịch vụ chưa thu hút tạo sự lan tỏa, tạo việc làm cho họ nên họ phải giữ lại đất.

Cho nên vấn đề bờ xôi ruộng mật không còn giá trị là vấn đề rất cần suy nghĩ. Hộ nông dân làm ruộng theo kiểu đi thuê vì mỗi hộ chỉ có mấy sào, giờ đi cày thuê, làm cỏ, chứ không chuyên canh nữa cho nên đây là vấn đề cần tháo gỡ. Trong khi hợp tác xã thiếu liên kết với hộ nông dân để tích tụ ruộng đất do nông dân và DN không tin nhau, nhiều nơi chính quyền phải đứng ra thuê đất của nông dân rồi cho DN thuê lại.

Còn PGS.TS Trần Kim Chung- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tất cả là do nhận thức chưa thống nhất, quy hoạch lắt nhắt.

Chưa có cơ chế ưu đãi DN và hộ nông dân trong tích tụ ruộng đất, quá trình điều hành còn bất cập, chưa có sức mạnh tổng hợp thúc đẩy quá trình từ nhận thức cho đến hành vi. Do đó quyết tâm thể chế phải đi liền với chế tài, nếu không trả lời được câu hỏi này thì khó có thể giải quyết được các bấp cập hiện nay.

Cần khung chính sách chung phù hợp với từng thời kỳ

Đề cập đến giải pháp tháo gỡ, PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Nông nghiệp công nghệ cao phải phát triển trang trại hiện đại cho nên phải đào tạo được một đội ngũ giỏi vốn kiến thức đa dạng chứ không phải sản xuất theo kiểu truyền thống nữa.

Sản xuất hàng hóa phải theo thị trường từ nuôi lợn đến trồng lúa, bởi hiện nay đang thiếu bàn tay quản lý nhà nước trong vấn đề quy hoạch. Rồi hoàn thiện chính sách ruộng đất để sản xuất công nghệ cao.

“Cần quy hoạch lại để hộ nông dân liên kết với hợp tác xã thành vùng sản xuất, hộ nông dân phát triển theo mô hình trang trại, hội nông dân kếthợp với DN, tích tụ ruộng đất cho DN sản xuất lớn chất lượng cao gắn với áp dụng khoa học công nghệ. Đảng, Chính phủ cần có khung chính sách chung về tích tụ ruộng đất, nhưng phù hợp với từng khu vực địa phương, trong từng thời kỳ để đảm bảo lợi ích các hợp tác, hộ nông dân, DN”- ông Toản kiến nghị.

Ông Phạm Hữu Văn- Phó trưởng ban Kinh tế Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, vấn đề là chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ hiện đại giúp cho nông dân. Ông Văn cho rằng, cần quy mô sản xuất phải phù hợp với trình độ, lực lượng sản xuất và trình độ quản lý của chủ trang trại, DN.

Đồng thời quan tâm đến lợi ích lâu dài của người nông dân, tránh bần cùng hóa với nông dân, bởi đây là lực lượng có thu nhập thấp nên dễ bị tổn thương, nghèo đói cho nên cần sự phối hợp nhịp nhàng với các ngành khác như dịch vụ, công nghiệp để đảm bảo người nông dân có việc làm.

“Vì thế không nên coi trọng quy mô mà phải áp dụng khoa học công nghệ hiện đại đi vào sản xuất, tăng giá trị như thế mới đảm bảo đời sống cho người nông dân, phải đặt hiệu quả lên trên hết. Đặc biệt quan tâm quy hoạch lại vùng sản xuất, sản xuất đồng bộ, đồng nhất trong giống vật nuôi, cây trồng, duy trì đất lúa nhưng không tập trung sản xuất quá nhiều lúa vì lúa có trị thấp mà cho phép chuyển đổi sang cây, con khác có giá trị cao hơn. Rồi đào tạo dạy nghề cho nông dân, xây dựng các kho bảo quản, chợ đầu mối, chính sách tín dụng bảo đảm vốn với ưu đãi cho nông dân với thủ tục đơn giản nhất”- ông Văn lưu ý.

Hoài Vũ