Người nuôi lợn vẫn gặp khó
Tại thời điểm này, khảo sát tại một số chợ ở trung tâm TP Hà Tĩnh cho thấy, giá thịt lợn giao động từ 60 - 80 nghìn đồng/kg. Song, so sánh với giá lợn hơi cùng thời điểm dao động 22 - 25 nghìn đồng/kg thì mức chênh lệch giá vẫn rất lớn. Thực tế này tồn tại đến nay đã 6 tháng nhưng ngành công thương hiện mới bắt đầu yêu cầu các địa phương khảo sát giá cả.
Nghịch lý giá lợn khiến cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều thiệt.
Doanh nghiệp điêu đứng
Một tiểu thương tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: Giá thịt lợn giảm khoảng 1 tháng nay, trung bình giảm 10 nghìn đồng/kg, mặc dù giá giảm nhưng lượng tiêu thụ không tăng.
Theo bài toán giá thành, chênh lệch giữa giá lợn hơi khi xuất chuồng với chi phí sản xuất, mỗi con lợn gánh lỗ từ 1-1,5 triệu đồng. Trong khi nông dân và doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lợn điêu đứng vì lỗ tiền tỷ mỗi lứa lợn thì thương lái dắt túi mỗi con trên 2 triệu đồng đối với lợn có trọng lượng khoảng 100kg (100kg hơi thu khoảng 75% thịt).
Để giải quyết tình thế hiện nay, người nông dân và DN chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh phải loại bỏ đàn. Ông Lê Văn Nhị- Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco xót xa nói: “Lợn nái đẻ ra chúng tôi phải giết một nửa còn một nửa để nuôi.
Mỗi ngày lượng thức ăn bỏ ra cho lợn hết 1 tỷ đồng, kế hoạch của Mitraco là 1 tháng xuất bán khoảng 6.000 con lợn nhưng thực tế chỉ bán được 2.000 - 2.500 con, vì thế một tháng tổng công ty lỗ 7-8 tỷ đồng. Nếu không giết lợn con thì không có cách nào để duy trì DN”.
Trước những khó khăn chồng chất đang xảy ra đối với người nuôi lợn, có không ít doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại Hà Tĩnh muốn mở kiốt bán lẻ tại các chợ truyền thống để giải quyết việc tồn ứ lợn.
Vậy nhưng mong muốn đó chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép. Việc này, ông Hoàng Văn Quảng- Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh khẳng định: “Về phía DN liên kết, nếu có nhu cầu mở thị trường tại các chợ truyền thống trên địa bàn thì phải có chiến lược và đề xuất với cơ quan nhà nước thì cơ quan nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải phóng lợn ứ đọng. Tuy nhiên, DN cũng không được giảm giá quá sốc mà phải tuân thủ theo Luật Cạnh tranh”?
Ngành công thương chậm trễ
Khủng hoảng thừa về lợn đang trong giai đoạn gấp rút, Bộ NN&PTNT tìm mọi cách để cứu vãn tình thế, thậm chí là đề nghị Chính phủ cùng vào cuộc để cứu nông dân. Cuộc khủng hoảng này đã kéo dài 6 tháng nay và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vậy nhưng, theo thông tin PV nắm được, ngành công thương đến thời điểm này mới bắt đầu vào cuộc. Cụ thể, ngày 20/4/2017, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phát công văn số 3384/BCT-TTTN, về việc đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khảo sát giá cả thịt lợn trên thị trường hiện nay.
Công văn nêu: “Vụ Thị trường trong nước đề nghị quý Sở cung cấp một số thông tin về mặt hàng thịt lợn gồm: Giá thịt lợn xuất chuồng, giá thịt lợn thành phẩm tại chợ, siêu thị. Nguyên nhân của việc chênh lệch lớn giữa giá lợn hơi và giá thịt lợn thành phẩm bán lẻ trên thị trường (tại chợ và siêu thị). Tình hình cung cầu mặt hàng thịt lợn trên địa bàn… Báo cáo về Vụ Thị trường trong nước trước 12h ngày 21/4/2017”.
Ông Hoàng Văn Quảng- Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Ngày 24/4 Sở nhận được công văn của Bộ và hôm nay (25-4) đang huy động Chi cục QLTT, Phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công thương đi nắm bắt tình hình ở các chợ, hệ thống siêu thị để tìm hiểu, khảo sát, đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề này”. Qua đây có thể thấy, ngành công thương đã quá chậm trễ trong sự việc khủng hoảng chăn nuôi lợn.
Cũng theo ông Quảng, về giải pháp, sau khi khảo sát, ngành công thương sẽ tham mưu, thanh tra, kiểm tra, cùng với ban quản lý các chợ và hệ thống chính quyền huyện, xã có chỉ đạo điều chỉnh giá cho phù hợp.
Đề cập đến vai trò bình ổn giá cả thị trường, ông Quảng cho biết: Từ trước đến nay ngành công thương chỉ mới thực hiện đối với trường hợp mặt hàng khan hiếm khi nhu cầu mua tăng cao vào các dịp Tết, bằng cách hỗ trợ DN mua hàng dự trữ, thời điểm hàng khan hiếm thì đưa ra bán để bình ổn giá. Ngược lại, đối với hàng dư thừa thì Nhà nước mới chỉ có phương án hỗ trợ đối với mặt hàng gạo chứ chưa có cơ chế hỗ trợ đối với các mặt hàng tiêu dùng thường xuyên như lợn.
Sở dĩ giá thịt trên thị trường cao như vậy là do hệ thống phân phối tại Việt Nam hiện còn quá nhiều khâu trung gian, chính những chi phí này đã làm thịt lợn đội giá; người chăn nuôi, người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt thòi.
Hiện nay mỗi con lợn khi qua khâu kiểm dịch, giết mổ mất chi phí khoảng 300 nghìn đồng. Nếu doanh nghiệp thực hiện tất cả các khâu từ liên kết sản xuất đến giết mổ và bán ra thị trường sẽ giảm được chi phí trung gian này, hạ giá thành khi thực phẩm đến tay người tiêu dùng.