Tình trạng khai thác cát không kiểm soát: Đê điều, bãi bờ lâm nguy
Theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều thuộc Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), qua tổng kiểm tra toàn quốc vừa qua, cả nước có 93 khu vực lòng sông, bãi sông có tình trạng khai thác cát dưới dạng nạo, hút. Tương ứng với đó, cả nước có khoảng 737 điểm sạt lở đê điều, bãi bồi, với tổng chiều dài khoảng 1.257km. Nhiều đoạn đê sạt lở nghiêm trọng, thậm chí đã biến dạng, hoặc thay đổi kết cấu đê, mất an toàn cho vùng.
Ảnh minh họa.
“Nạo, hút cát tràn lan không kiểm soát khiến lòng sông bị hạ thấp. Lưu lượng chảy mạnh nhiều ngày siết vào các chân đê khiến sói mòn sạt lở. Sẽ khó lường khi lũ về. Ngập lụt là điều không thể tránh khỏi. Mùa màng hoa màu, tài sản và con người đang bị đe dọa”, ông Vũ Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình, từ đầu năm đến nay, tại bãi sông ngoài đê (đoạn K19+249 đến K19+367) tả sông Thái Bình đã bị sạt lở nghiêm trọng. Sạt lấn vào bãi từ 5m đến 8m, chiều dài 65m, khoảng cách gần nhất từ đỉnh cung sạt đến chân đê phía sông 27m, điểm sâu nhất gần bờ có cao độ xấp xỉ -9,5m.
Nếu như trước đây khu vực bãi soi kéo dài từ chân đê ra đến sông dài khoảng từ 50m đến 250m, thì nay đã sạt lở chỉ còn khoảng 20m đến 100m. Theo phản ánh của người dân, tàu hút cát hoạt động ngang nhiên tại đây từ đêm đến sáng. Chính quyền “biết nhưng không có biện pháp hóa giải”.
Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tình trạng bờ xôi ruộng mật của người dân dọc hai bờ sông Lô, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, liên tục sạt lở đã diễn ra hơn 1 năm nay. Nghiêm trọng nhất là cung đoạn qua các xã Phương Khoan, Hải Lựu, Đôn Nhân, có nhiều đoạn sạt lở tới hàng trăm mét. Qua rà soát, khu vực này có khoảng 4,8 km chiều dài bờ sông song có tới 6 đơn vị được cấp phép khai thác cát, với số lượng thuyền, bè lên cả trăm.
“Không chỉ các sông thuộc đồng bằng sông Hồng, tại các con sông ở Khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đang diễn ra thực trạng sạt lở tương tự. Số liệu chưa đầy đủ cho thấy đã có khoảng hơn 300km đê, bãi sông sạt lở. Nguyên nhân là do tổng lượng phù sa sông Mê Kông giảm, song kẻ thù chính vẫn là khai thác cát tràn lan trên các sông hiện nay”, ông Vũ Xuân Thành cho biết thêm.
Các bờ đê, bãi bồi lâm nguy. Hệ lụy hơn là đời sống người dân bị đảo lộn. PGS.TS Vũ Thanh Ca - Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ TNMT cho biết, lòng sông bị hạ thấp dẫn đến mực nước ngầm hai bên bờ sông bị hạ, gia tăng tác động xấu của hạn hán.
Hệ thống hoa màu mùa màng ở bờ bãi hai bờ sông có thể bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái trên sông và dưới lòng sông. Hạ thấp mực nước ngầm còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của vùng dân cư.
Sự nguy hiểm khó thể đong đếm chính xác bằng tiền. “Các địa phương, quốc gia mỗi năm mất nhiều tỷ đồng để sửa chữa và nâng cấp đê điều. Nhưng số thiệt hại về mùa màng, tài sản, con người sao có thể đong đếm khi lũ về, tràn đê, ngập lụt. Khai thác cát mất kiểm soát đang khiến nhiều tuyến đê trong tình trạng báo động đỏ. Sự vào cuộc của Chính phủ mới đây là cấp thiết và cần mạnh mẽ thêm. Hàng ngày vẫn còn nhiều tàu cát trái phép bị bắt giữ cho thấy tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa giảm nhiệt”, PGS. TS Vũ Thanh Ca nhận xét.