Nơi thành phố nhiều nắng gió

Việt Quỳnh (ghi) 30/04/2017 08:30

Thuộc thế hệ sau giải phóng, Biên đạo múa Trần Ly Ly (39 tuổi) từ Hà Nội vào sống và gắn bó với Sài Gòn đầy nắng gió cùng sự cởi mở, nhiệt thành. Cũng tại mảnh đất này, chị không chỉ hấp thụ sức sống của thành phố đầy năng lượng mà còn có những đóng góp tận tâm cho thành phố nói riêng và văn hoá nghệ thuật nói chung qua công việc hàng ngày.

Biên đạo Trần Ly Ly.

Chị nói, những ngày mới đến thành phố này, đầu tiên tôi cảm nhận thấy cái nóng gay gắt của Sài Gòn. Nắng nóng làm cho mờ mắt, cái nóng sáng chói làm cho thị giác không có chỗ trốn. Nhưng khi vào bóng cây ngay lập tức lại mát mẻ, không ngột ngạt như mùa hè ở Hà Nội. Tôi thấy những dòng người hối hả tấp nập, cái hối hả tấp nập, hồn nhiên, bình dị và hào sảng.

Người đi nhưng không nghĩ ngợi, họ biết rõ mục tiêu của sự hối hả mà không phân vân. Tôi ở lại thành phố này vì lý do rất hi hữu, con trai tôi ốm và việc ở lại một thời gian là dĩ nhiên, như một cái cớ trời sắp xếp lí do để ở lại. Công việc của tôi cũng thuận lợi, Trường múa TP Hồ Chí Minh rất sẵn lòng đón chào tôi - cô gái Hà Nội đến với vùng đất mới.

Những ngày đầu dạy các lớp vào buổi tối (vì ở đây các lớp múa chuyên nghiệp học buổi tối), khi trở về nhà, tôi cảm nhận những làn gió và sự dễ chịu của thành phố vào ban đêm. Tôi thưởng thức nó. Dần dần nó thành thói quen từ lúc nào.

Giờ đây đã là 8 năm tôi vào với TP HCM. Mọi người cũng đã quen tôi, tôi cũng quen mọi người, quen sự tôn trọng riêng tư. Chỉ gặp nhau vì công việc tại công sở hay tại các quán café đẹp hay các art gallery để nói chuyện về công việc, hiếm khi nói về đời sống riêng. Thân thiết và chia sẻ chỉ ở mức độ nhất định. Sài Gòn mang lại cho tôi sự nổi tiếng.

Tôi được mời đến các game-show như “Bước nhảy hoàn vũ” trong nhiều năm, và “So you think you can dance”. Họ mời tôi đến để chấm thi để nói về nhảy múa, bàn luận về múa, nhảy. Mọi người biết đến tôi nhiều là qua truyền hình. Nhưng thực tế tôi hoạt động mạnh trong nghề, các tác phẩm tiếp tục ra đời, các lớp vẫn tốt nghiệp và thêm việc quản lý cho Trường Múa.

Khi vào đây tôi làm “Saigon- Saigon”, “Ở bên ngoài cánh cửa” là những tác phẩm nói về tốc độ sống của Sài Gòn, bao góc khuất của một thành phố quá đông dân, và nhiều dân ngụ cư. Đến với sự ngơ ngác, bắt nhịp của riêng mình.

Những góc khổ và cô đơn của nó, nhiều cánh cửa, và chuyện ở ngoài cánh cửa đó. Những đời sống gầm cầu, của người bán rong, trẻ bán vé số và đánh giày. Cánh cửa có thể mở ra cho tất cả.

Điều gì ở thành phố này làm tôi ưa thích nhất? Đó là nhịp sống công nghiệp. Vừa thích vừa muốn tránh xa. Thành phố không ngủ, không có thời gian cho sự trễ nải, không có thời gian thở. Một ngày đi ngang phố, tôi đã ghi lại một khung cảnh bình dị ở Saigon, tôi thấy ánh nắng chiều vàng hắt vào những khung cửa, đối với tôi cảm giác với nắng ở các khung độ khác nhau làm tôi không thể quên Sài gòn - Sài Gòn nắng. Một ngày của tôi ở Sài Gòn lúc này là làm việc suốt ngày, ít nghỉ trưa, đến tối vẫn thế. Thỉnh thoảng tôi trốn vào chính tôi, hoặc trốn thực sự - đi nơi khác.

Việt Quỳnh (ghi)