Nước mắt đã hóa thành niềm hạnh phúc...
Nhà văn Chu Lai, cuối cùng và trên hết vẫn là một người lính, người lính từng vào sinh ra tử ở chiến trường. Ông đã vinh dự làm nhiệm vụ quan trọng ở nơi cửa ngõ Sài Gòn trong thời khắc lịch sử của dân tộc: năm 1975. Trong niềm xúc cảm nhân kỷ niệm 42 năm ngày thống nhất đất nước, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
Nhà văn Chu Lai.
PV: Thưa ông, lúc bấy giờ, trong thời khắc lịch sử quan trọng nhất của đất nước năm 1975, ông đang ở đâu hoặc đang cầm súng chiến đấu ở mặt trận nào?
Nhà văn Chu Lai: Ở chiến trường Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương bây giờ, nơi tôi đã cùng đồng đội sát cánh bám trụ ở đó nhiều năm liền, thậm chí có những quãng thời gian chúng tôi còn nằm trong một vườn cây Lái Thiêu, chỉ cách cửa ngõ Sài Gòn chừng 15km.
Tựa vào dân, tựa vào dòng sông Sài Gòn và tựa vào con lộ 13 đẫm máu và nước mắt, như cách gọi của đối phương ngày ấy mà tồn tại và chiến đấu trong một đơn vị thuộc binh chủng đặc công, gọi là đặc công vùng ven, vùng sôi đỗ, vùng cài răng lược, vùng da beo… chỉ cách nơi địch chiếm đóng một hơi thở như cách gọi bây giờ.
Cuộc tiến công ác liệt nổ ra, đại đội của tôi, mà tôi trực tiếp là đại đội trưởng, cũng hoà theo đoàn quân chủ lực đánh xuống mặt trận Sài Gòn. Đó có thể là những giây phút kỳ lạ nhất, ngây ngất nhất, hạnh phúc nhất, như mơ cho một người lính suốt mười năm chỉ luẩn quẩn trong rừng.
Trong đời lính của ông, những dấu ấn chiến tranh nào cho đến tận bây giờ, mỗi lúc nhớ hoặc kể lại vẫn hiện về trong ông?
- Về dấu ấn chiến tranh tôi đã lác đác kể lại trong vài cuốn sách mà tôi biết sẽ không bao giờ là đủ. Đó là chưa có quân đội nào mà phải trải qua những năm tháng thăng trầm ghê gớm như Quân đội nhân dân Việt Nam khi 3 lần ra khỏi rừng (Mậu Thân năm 1968, Hiệp định Paris năm 1973 và Đại thắng Mùa xuân năm 1975).
Hai lần phải trở lại, tan hoang lòng dạ, hụt hẫng đầu óc đến tận cùng, phải mất một khoảng thời gian không ngắn mới lấy lại được sự cân bằng trong tâm trí để cầm súng tiếp tục chiến đấu và chấp nhận tiếp tục hi sinh vì ngày mai của Tổ quốc.
Đó là những năm tháng vùng ven. Có thể nói không có vùng ven với sắc thái chiến đấu đặc thù rất riêng, gần dân, gần địch, trong đội hình có cả các cô gái giao liên, pháo binh, y tá, đặc công…mà tất cả những điều này trên chủ lực hầu như không có, để nhờ có thế nên mới tạo được những trang văn nhiều màu sắc, đa dạng sau này.
Trong đó đặc biệt nổi lên hình tượng con gái đi qua các cánh rừng, hình ảnh các cô làm mềm đi chết chóc, làm nhẹ đi bom đạn và làm cuộc chiến đấu có ý nghĩa hơn, lãng mạn hơn. Và chính cái lãng mạn của lịch sử đem lại, chứ không hẳn vì mục tiêu lí tưởng, đã tạo nên khí phách và sự chịu đựng phi thường của người lính.
Trong ngày đầu tiên khi chiến tranh kết thúc, điều gì khiến ông nhớ nhất?
- Tất nhiên là nhớ đồng đội, nhớ đến quay quắt, nhớ đến da diết, nhớ đến héo hon. Những đồng đội thương mến đã ngã xuống không bao giờ còn thấy ngày thắng lợi huy hoàng và nắng gió thời bình chói chang, điều mà những ngày còn trở trong các cánh rừng thâm u, trèo lên cây gác, thấy cảnh đời xôn xao ngoài kia chỉ ước được một lần ra với nó, bước sải chân trên con xa lộ lớn hay húp một tô phở nóng bỏng rãy và thưởng thức một ly cà phê thơm ngon sủi bọt.
Mười năm trận mạc chôn biết bao đồng đội, nước mắt có thể không chảy ra nhưng đêm đầu tiên nằm giữa phố phường ầm ào tiếng xe cộ ấy, mà lòng day dứt không sao ngủ được, cứ để mặc cho nước mắt rịn ra. Nước mắt đã hoá thành niềm hạnh phúc, trong những phút giây hân hoan của ngày độc lập, ngày hoà bình, ngày mà sẽ không bao giờ và cả mãi mãi về sau chỉ muốn nhớ muốn quên.
Trân trọng cảm ơn ông!