Số phận một bài thơ
Nhà thơ Trần Anh Thái thuộc thế hệ những lính gần như cuối cùng của cuộc chiến tranh. Đối với những người lính cả đời ăn gió nằm sương như ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu giành hoà bình độc lập cho Tổ quốc, thì kỉ niệm về những ngày được sống trong không khí hoà bình độc lập đầu tiên năm 1975 là một niềm hạnh phúc không gì có thể nói bằng lời...
Nhà thơ Trần Anh Thái.
Sau ngày 30/4/1975, trung đoàn của ông rời Sài Gòn về Phú Yên, vừa nghỉ ngơi vừa xốc lại đội hình. Mấy tháng sau đó, ông lại được lệnh trở lại Tây Nguyên tiếp tục làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Phun-rô.
Sống trong điều kiện đất nước vừa được thống nhất, những người lính như ông ban ngày truy lùng tàn quân địch, ban đêm về, cơm nước xong xuôi, mỗi đứa một góc lán tạm bợ, theo đuổi những dự định riêng tư với nhiều trăn trở, băn khoăn khi tuổi hai mười đang còn dang dở…
Với ông khi đó, được sống lành lặn qua ngày 30-4 đã là một kì tích. Đôi lúc ngồi một mình nhớ lại những gì đã qua, ông bảo, không thể nào có thể lí giải nổi tại sao mình không thể chết.
Những chiến dịch kéo dài ngày này qua ngày khác; những trận đánh mù mịt đất trời từ sáng đến tận đêm; những ngày tháng bám chốt chìm trong lửa đạn đến không còn một gốc cây ngọn cỏ; những đêm tập kích cả đại đội kẹt trong thế bao vây gọng kìm đối phương mà không còn nghĩ đến sống sót. Biết bao đồng đội của ông đã ngã xuống. Chính vào những ngày như thế, ông lao vào viết nhật kí, rồi viết báo, tản văn, làm thơ…
Ngày nào ông cũng viết, đêm nào cũng viết, viết đủ mọi thứ có thể viết trong cuộc đời. Ông viết để cho thỏa, để quên đi những ám ảnh về cái chết mà ông vừa đi qua.
Hồi ấy, ông có một người tiểu đoàn trưởng là anh hùng. Ông từng 3 lần dũng sĩ diệt Mỹ. Tên tuổi ông lừng lẫy chiến trường miền Trung. Có trận đánh, ông trực tiếp chỉ huy một đại đội 40 người chống chọi với cả tiểu đoàn địch có xe tăng, pháo binh hỗ trợ ròng rã suốt gần tháng trời giữ chốt. Cuối cùng ông đã quyết định mở đường máu dẫn 7 người lính còn sống sót, thương tật đầy mình, thoát khỏi vòng vây quân địch.
Sau này, khi chiến tranh kết thúc, vì lòng tự trọng của người lính trận chính trực, can trường, ông đã từ chối mọi đặc ân lẽ ra ông là người hơn ai hết phải được hưởng, để đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Với ông Thái, vị tiểu đoàn trưởng vừa là ân nhân cứu mạng vừa là cấp trên. Trong một đêm mùa đông lạnh giá trên cao nguyên, nhớ lại giây phút sống sót kì lạ giữa bốn bề lửa đạn bủa vây, ông đã viết bài thơ về vị chỉ huy ấy. Bài thơ ông đặt tên là “Sau chiến tranh”.
Cũng trong thời gian này, ông có quen một người bạn làm cho báo Quân khu 5 về đơn vị công tác. Ngồi trò chuyện với nhau, ông đưa bài thơ vừa viết. Đọc xong, người bạn trầm ngâm không nói gì, lặng lẽ cất bài thơ vào cặp tài liệu. Ông hỏi anh lấy bài thơ làm gì? Anh ấy bảo để về Đà Nẵng gửi cho báo Quân đội nhân dân.
“Thú thực khi ấy thơ tôi viết nhiều, viết bằng tay, thi thoảng rảnh rỗi lấy ra đọc cho bạn bè nghe. Ai thích xin tôi cho luôn, sau đó không nhớ đến nữa. Phần vì không nghĩ thơ mình được in báo, nhất lại là báo Quân đội nhân dân, tờ báo uy tín cả nước hồi bấy giờ. Phần nữa, tôi cũng nghĩ đơn giản nên quên đi” - ông Thái chia sẻ.
Bẵng một thời gian khoảng hai, ba tháng gì đó, trong một buổi chiều, ông cùng mấy anh em ở đơn vị vừa vào mấy bản người đồng bào Ê-đê làm công tác dân vận quần chúng trở về, thì cậu liên lạc đại đội mặt mày hớn hở tay cầm tờ báo, tay cầm lá thư chạy về, vừa gọi vừa nói rối rít: “Anh có thư và cả báo biếu ngoài Hà Nội gửi vào đây nè…” Ông Thái giật mình và thực không thể tin những gì hiện ra trước mắt. Ông bóc lá thư thấy đề ngày 20/7. Bên trong có phiếu lĩnh nhuận bút và một lá thư ngắn.
Ông Thái bảo, lúc đó thật khó diễn tả được cảm xúc trong lòng. Hồi ấy giao thông liên lạc, đi lại khó khăn, đơn vị lại đóng ở vùng Tây Nguyên xa xôi hẻo lánh, nên bình thường hàng tháng trời mới có vài ba chuyến thư báo.
Liên lạc đơn vị phải đi cả chục cây số đường rừng mới tới cơ quan trung đoàn. Chính vì thế, mỗi tuần liên lạc mời lên cơ quan trung đoàn một lần để nhận. Chính vì vậy, mỗi lần liên lạc đi lấy thư báo về, gương mặt ai vui như hội. Ai có thư bóc ra xem, ai không có thư thì đọc báo. Niềm vui nho nhỏ chia đều, lấp đi khoảng trống vắng, xa quê biền biệt...
Bài thơ “Sau chiến tranh” của ông khi đó được in trang trọng ở đầu trang Văn nghệ của báo. Mắt ông nhòe đi, vừa bần thần ngơ ngác, vừa vui sướng hoài nghi trước sự chứng kiến của những người đồng đội. Bài thơ đăng vào dịp 27-7 năm ấy. Đó là năm 1978- một năm không thể quên, một năm với ông là một dấu mốc trong suốt cuộc đời cầm bút sau này.
Bài thơ sau đó còn được in lại trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, báo Văn nghệ và một vài tờ báo khác vào các dịp 30-4. Cuối năm 1993, khi đó ông đã về công tác ở báo Quân đội nhân dân được hơn mười năm (đã in một cuốn tiểu thuyết và một tập thơ in chung với mấy nhà thơ quân đội), ông gom lại cùng với nhiều bài thơ khác mà ông đã viết vào những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước, để in trong tập thơ riêng “Độc thoại trắng”. Số phận của bài thơ “Sau chiến tranh” cũng thật kỳ lạ. Nó mặc nhiên có mặt ở nhiều tuyển tập thơ viết về chiến tranh.
Năm 2012, khi làm Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do của Việt Nam để an ủi linh hồn những người đã mất vì chiến tranh của các nhà thơ Việt Nam và Nhật Bản, bài thơ “Sau chiến tranh” lại được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tuyển chọn, dịch sang tiếng Anh và tiếng Nhật in ở Nhật Bản.
Từ đó đến nay, kể từ lần đầu được in trên báo chí Trung ương, đã gần bốn mươi năm trôi qua, nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ ấy, trong ông vẫn trào lên nhiều cảm xúc. Hình ảnh anh hùng Nguyễn Ngọc Chữ, người tiểu đoàn trưởng, vị ân nhân, người đã cứu mạng sống của ông trong trận chiến một mất một còn thời trận mạc hiện lên nguyên vẹn. “
Sau này, mỗi năm vào dịp 30-4, mấy người lính còn sống của Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 của tôi khi ngồi với nhau thường đọc lại bài thơ ấy. Bài thơ chưa phải đã là bài thơ hay, nhưng nó chân thực, là ký ức, là một phần đời của mỗi người lính trận chúng tôi”- nhà thơ Trần Anh Thái nhớ lại và thong thả đọc mấy câu trong bài thơ ấy: Sau chiến tranh/ Anh chỉ còn một mắt/ Mắt bên trái của anh giặc cướp đi rồi/ Trên khuôn mặt cỗi cằn gân guốc/ Chỉ còn đốm sáng nhỏ nhoi...