Fukushima - Những đứa trẻ trở về sau thảm họa

Khánh Duy 30/04/2017 09:00

Những đứa trẻ đã bắt đầu trở về Nahara trong mùa xuân năm nay. Trong suốt 4 năm liền, người dân rời bỏ thị trấn nhỏ ở Fukushima này sau thảm họa kép động đất-sóng thần. Khi chính phủ Nhật Bản gỡ bỏ lệnh sơ tán trong năm 2015, phần lớn những người trở về đây chỉ là người già, những người muốn trở về quê hương bất chấp rủi ro phóng xạ.

Nhưng trong tháng này, tức 6 năm sau thảm họa, 105 học sinh đã trở về nhập học tại trường tiểu học và trung học cơ sở Nahra để bắt đầu năm học mới của Nhật Bản.

Lớp học tiểu học ở Nahara thường chỉ có 6 học sinh, dù được thiết kế để chứa 30 học sinh.

Mỗi buổi sáng hàng ngày, nhân viên tại các quán ăn đo đạc mức phóng xạ trên các nguyên liệu nấu ăn mà họ sẽ sử dụng cho bữa trưa. Ở một số cấp học, chỉ có khoảng 6 học sinh tham gia các lớp học trong khi đáng lẽ ra phải 30 học sinh mới đủ lấp đầy các lớp này. Thậm chí toàn bộ số học sinh nhập học cũng chưa đủ để lấp đầy sân bóng chày mới được xây gần trường học Nahara.

Nhưng sự trở về của những đứa trẻ, trẻ nhất trong số đó là sinh đúng năm xảy ra thảm họa kép, là một tín hiệu đầy sức sống đối với thị trấn từng nằm trong vùng cách ly xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

“Mở cửa lại trường học là điều hết sức có ý nghĩa”- bà Sachiko Araki, Hiệu trưởng trường trung học Nahara, cho hay. “Một thị trấn mà không có trường học thì không thực sự là một thị trấn”.

Ngôi trường 2 tầng mới xây với mức chi phí 18 triệu USD này được lát sàn gỗ, các lớp học rộng rãi, 2 phòng thí nghiệm khoa học, 1 thư viện đầy sách mới cùng một sân bóng chày lớn. Một khu ban công ở sau tòa nhà có tầm nhìn thẳng ra biển.

Có rất nhiều cảm xúc đã khiến các gia đình nơi đây đưa ra quyết định trở về Nahara. Đây là một thị trấn nhỏ với dân số chỉ khoảng 8.000 người trước khi thảm họa xảy ra, và đến nay mới chỉ có khoảng 1/5 trong số này đã trở về nhà của họ. Chính quyền cũng đã mở cửa một ngân hàng, bưu điện và trạm xá mới, nhưng khu siêu thị thì vẫn đang được xây dựng. Do các khu dân cư đã bỏ không quá lâu nên lợn rừng đôi lúc vẫn chạy rong các tuyến đường.

Rủi ro thường trực

Ngày nay, phóng xạ vẫn thường xuyên được kiểm soát ngay tại nền của ngôi trường học Nahara cũng như các tuyến đường tới trường. Chính phủ Nhật, dựa trên các quy tắc của Ủy ban Bảo vệ phóng xạ quốc tế, đã đặt ra mức an toàn phóng xạ là không vượt quá 0,23 microsieverts/giờ.

Nhưng các nhà giáo tại đây nói rằng họ vẫn hết sức thận trọng. Aya Kitahara, một giáo viên lớp năm, nói rằng cô cùng các đồng nghiệp không cho phép học sinh lượm lặt quả thông để làm bài tập nghệ thuật, bởi lo ngại rằng chúng sẽ hấp thụ một lượng phóng xạ.

Gần đó, một nhà trẻ kiêm trung tâm chăm sóc được xây từ tiền của nhà vận hành lò phản ứng ở Fukushima, công ty điện lực Tokyo (TEPCO), năm 2007 đã mở cửa trở lại trong tháng này. Keiko Hayakawa, Hiệu trưởng trường nói rằng bà rất bất ngờ khi thành phố kêu gọi trẻ em trở về trong khi vẫn chưa di rời hết tất cả các túi nhựa chứa đất nhiễm xạ khỏi đây.

Sự tính toán mức phóng xạ ở dây vẫn chưa hoàn toàn chính xác bởi chúng có thể không phát hiện ra đất nhiễm xạ sau một trận mưa. Trong khi đó, rủi ro nhiễm xạ còn dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có tuổi tác, các hoạt động cá nhân và tình trạng sức khỏe của mỗi người.

“Tôi không muốn cáo buộc bất kỳ ai”- Kyle Cleveland, giáo sư ngành xã hội học tại ĐH Temple ở Tokyo, nói. “Nhưng các quan chức chính phủ có lý do để hạ thấp mức độ rủi ro và đưa ra tín hiệu tích cực hơn”.

Được biết, việc phục hồi sự sống ở Fukushima là một ưu tiên của chính phủ Nhật Bản. Trong lúc mà Thế vận hội 2020 sẽ được tổ chức ở Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe mong muốn đưa ra cam kết rằng các nỗ lực dọn sạch phóng xạ ở Fukushima đang “nằm trong tầm kiểm soát”.

“Vấn đề là chính những người dân sẽ quyết định xem họ có chấp nhận sống trong môi trường hiện tại hay không”- Kentaro Yanai, người giám sát khu vực trường học Nahara, cho hay. “Nhưng đối với chúng tôi, chúng tôi đã làm tốt nhất có thể để giảm mức độ phóng xạ ở đây”.

Ổn định cuộc sống

Đối với các gia đình trẻ, nhiều nhân tố khác ngoài rủi ro phóng xạ đã ảnh hưởng tới quyết định trở về của họ. Một số mong chờ được trở lại Nahara vì tình yêu đối với nơi mà họ đã sinh sống qua nhiều thế hệ, trong khi số khác cho rằng khả năng tài chính của họ cho phép họ đủ tiền mua nhà rộng rãi ở Nahara.

Trong bối cảnh các khoản chi phí bồi thường đối với người sơ tán dự kiến sẽ chấm dứt trong năm tới, một số người dân tìm cách ổn định công việc, họ tìm kiếm các công việc trong chính quyền thị trấn, hoặc làm nhà thầu cho các dự án tái xây dựng trong vùng. Một số chọn làm việc cho TEPCO, công ty hiện đang điều hành việc rửa phóng xạ xung quanh khu vực nhà máy điện Fukushima Daiichi.

Ở Nahara, phía trường học đã nỗ lực hết sức có thể để tiếp nhận các gia đình trẻ trở về. Tòa nhà này, ban đầu vốn được thiết kế cho một trường trung học cơ sở, giờ còn có thêm 2 khu trường tiểu học. Nhà trường cử thêm nhiều cố vấn tới nói chuyện với học sinh, mỗi cấp học lớp 5 và lớp 6 đều có 2 giáo viên. Tất cả học sinh sẽ nhận được một máy tính bảng, một bữa trưa và đồng phục miễn phí.

Bà Yuka Kusano, 37 tuổi, nói rằng con cái bà vốn đã quen với các lớp học lớn trong khi họ sơ tán tới Iwaki. Nhưng sau khi nhập học ở Nahara trong tháng này, họ đã nhận được những quyền lợi mà hiếm thấy trong các trường học trên khắp Nhật Bản. Cô con gái 12 tuổi của bà, Miyu, hiện đang học lớp 7 cùng với khoảng 5 bạn học khác, trong khi con trai 9 tuổi của bà, Ryuya, đang học lớp 4 cùng 13 bạn học.

“Chính sách ưu đãi của trường học thực sự đáng kinh ngạc”- bà Kusano nói, dù vậy do quá có quá ít học sinh nên bà thường phải lái xe chở con trai tới Iwaki mỗi cuối tuần để tham gia một đội bóng mềm.

Ám ảnh chưa nguôi

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều vấn đề đã trỗi dậy liên quan tới sự rối loạn mà học sinh phải gánh chịu trong 6 năm kể từ thảm họa kép. Trong một kỳ họp lớn ở trường Nahara, một nữ sinh đã nói về sự vất vả của mình khi phải di chuyển quá nhiều sau đợt sơ tán. “Cháu đang cảm thấy khá tốt”- cô bé nói. “Nhưng điều cháu muốn là có một cuộc sống ổn định”.

Chính sự ổn định cần thiết ấy là một lý do mà rất nhiều gia đinh có trẻ em lựa chọn không quay trở lại Nahara.

Tsutomu Sato, một người đàn ông có 3 con gái và đang làm quản lý một nhà trẻ, nói rằng gia đình ông đã phải di chuyển khoảng 7-8 lần sau khi được sơ tán khỏi Nahara. “Tôi chỉ muốn có một chỗ ở ổn định cho gia đình sớm nhất có thể”- ông Sato nói.

Được biết, ông Sato đã mua một ngôi nhà ở khu Yumoto, Iwaki khi sơ tán đến đây. Ông nói rằng cô con gái lớn nhất của mình thường khóc lóc mỗi khi ông nói về khả năng sẽ trở về Nahara, nơi mà cha mẹ của ông đang cố gắng phục hồi lại ngôi nhà cũ và có kế hoạch chuyển tới sống ổn định trong năm tới.

Ông Sato cho hay ông cũng rất mong muốn trở lại thị trấn quê hương mình nên đã thành lập một nhóm tình nguyện có tên Naranoha, thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa để mang trở lại những người dân từng sinh sống ở đây. Ông cho hay cha mẹ ông đã quá già để có thể tự chăm sóc bản thân, nên ông sẽ trở lại thị trấn này. “Dù có hay không có thảm họa, chúng tôi vẫn phải đưa ra các quyết định trong cuộc sống dựa trên tình hình hiện tại”- ông Sato nói.

Tại Nahara, Thị trưởng Yukiei Matsumoto cho hay các bản thăm dò mới đây cho thấy chỉ khoảng ¾ người dân từng sinh sống ở đây mong muốn trở về quê hương. “Để xóa sạch ký tức tồi tệ mà người dân hứng chịu”- ông Matsumoto nói. “Chúng tôi đã trở về đây để cho toàn đất nước và phần còn lại của thế giới biết được rằng chúng tôi vẫn đang sống tốt”.

Nhưng ông cũng thừa nhận rằng nếu những người trẻ tuổi không trở về Nahara, tương lai của thị trấn này sẽ rất ảm đạm.

Ông Kazushige Watanabe, 73 tuổi, cho hay ông vẫn trở về Nahara dù cho trận sóng thần năm đó đã phá hủy hoàn toàn ngôi nhà và cướp đi những người con trai của ông. Ông đã phải chuyển tới một căn nhà gỗ đơn mà chính quyền thành phố dựng nên, nơi mà ông đã sống một mình kể từ sau khi vợ quá đời vào tháng 1 vừa qua.

Ông Watanabe chỉ vào một ngôi nhà ở hướng đối diện, nơi có một gia đình trẻ gồm 3 con nhỏ mới dọn tới sống và nói rằng: “Tôi có thể nghe thấy tiếng trẻ con. Điều đó thật tuyệt vời”.

Khánh Duy