Nỗ lực phục hồi rừng dừa nước
Nằm cách đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) hơn 4km về phía Đông Nam, xã Cẩm Thanh được ví như một “Nam Bộ trong lòng phố Hội”. Với mục đích phục hồi và bảo vệ rừng rừa nước ở Cẩm Thanh, Dự án “Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng” giai đoạn 2015 - 2017 đang triển khai với tổng kinh phí 28 tỷ đồng.
1. Cụ thể, trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Sở NN&PTNT Quảng Nam triển khai dự án trồng mới 26ha dừa nước từ khu vực Gò Hí đến Cồn Sóng (thuộc 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Tây, xã Cẩm Thanh, TP Hội An) với mật độ trung bình 4.400 cây/ha, tạo hàng rào bảo vệ hệ sinh thái bên trong rừng dừa Bảy Mẫu.
Đây là hoạt động chính trong hợp phần 1 của Dự án “Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng”, Hợp phần thứ 2 khai thông dòng sông Đình, trả lại sự lưu thông dòng chảy, bảo đảm các điều kiện về thủy lực đáp ứng nhu cầu giao thông, nâng cấp đê bao hai bên bờ sông, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các dịch vụ du lịch sinh thái ven sông, phát triển kinh tế của TP Hội An.
Theo các chuyên gia môi trường, rừng dừa nước xã Cẩm Thanh (Hội An) có đầy đủ đặc trưng của kiểu rừng ngập mặn, là vùng đệm quan trọng của Khu sinh quyển Cù Lao Chàm nhưng đang đối mặt với sự biến động lớn. Việc trồng, phục hồi rừng dừa nước vì thế trở nên cấp bách.
2. Cẩm Thanh một xã vùng ven biển, có tổng diện tích tự nhiên 895,43ha, chia thành 8 thôn. Là vùng đất nằm giữa nơi hợp lưu của hạ nguồn sông Thu Bồn, Đế Võng, Trường Giang. Vùng nước này thường xuyên nhiễm mặn, đây là điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển. Đặc biệt, một loại cây dừa nước sinh sôi nảy nở thành những rừng dừa dọc khắp các bờ kênh rạch, tạo nên màu xanh mát đặt trưng nơi đây.
Dừa nước có tên khoa học là Nypa fruticans còn được gọi là Attap palm là loài duy nhất trong họ Cau (Are caceae) sinh sống trong đầm lầy. Cây dừa nước có hệ thống rễ chằng chịt nằm sâu dưới bùn nước, thân cây cũng ngầm xuống nước và đất, chỉ có phần lá và cuốn hoa mọc lên trên, lá dài từ 5 đến 9m gồm cuống lá tròn, dài phần trên bẹ lá phình to.
Hoa cái (hình cầu) nở thành chùm ở đầu cụm, hoa đực màu cam hoặc vàng dạng đuôi sóc. Khi hoa thu phấn, những trái nhỏ ép vào nhau lớn lên thành như hình cầu đường kính từ 25 đến 30cm. Mỗi buồng có từ 40 - 60 quả, trong quả có cơm màu trắng, mềm, khi quả già nhân cứng lại.
Bà con ở thôn Thanh Tâm Đông cho biết, cây dừa nước có nguồn gốc xuất xứ từ Nam Bộ, đã ở lại Cẩm Thanh từ vài thế kỷ trước. Thời gian chảy trôi, cây dừa nước đã sinh trưởng phát triển tốt thích nghi với môi trường nước lợ chua, mặn của vùng đất Cẩm Thanh. Hiện nay cây dừa nước được trồng phổ biến trên các con sông, lạch ở Cẩm Thanh, tập trung chủ yếu ở thôn Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, Thanh Nhứt, thôn Vạn Lăng mà người dân thường gọi là rừng dừa Bảy Mẫu.
3. Ngược dòng thời gian, vào những năm 1980, vùng rừng dừa nước trải rộng tới hàng trăm héc ta, nhiều nhất là thôn 1 và 2 của xã Cẩm Thanh. Tuy nhiên, những thập kỷ sau đó, rừng dừa nước liên tục biến động, diện tích bị thu hẹp dần. Đến năm 2000, một diện tích lớn rừng dừa bị chặt phá theo hoạt động cư trú, sản xuất của con người khiến cho diện tích chỉ còn hơn 50 héc-ta.
Năm 2009, xã Cẩm Thanh quy hoạch trồng mới vùng rừng dừa nước phục vụ phát triển du lịch, nghề thủ công mỹ nghệ, song diện tích trồng mới cũng chỉ 10 héc-ta. Gần đây, diện tích dừa nước cũng liên tục biến động bởi nhiều dự án phục vụ dân sinh. Bên cạnh đó, việc người dân lấn nền nhà ra vùng dừa đặc biệt là tình trạng khai thác triệt để phục vụ sản xuất thủ công mỹ nghệ cũng khiến hệ sinh thái dừa nước bị tác động.
Một nguyên nhân khác, trước đây, do không “tận thu” nên khi cây dừa nước khi cho trái già, tự rụng xuống nước cũng có thể mọc cây con, rừng dừa nước tự bổ sung cá thể tự nhiên. Hiện nay, dừa nước bị khai thác triệt để, khiến cơ hội rừng dừa tự tái sinh là rất khó. Bên cạnh đó, việc bà con khai thác lá dừa 2 - 3 đợt một năm cũng ảnh hưởng đến việc phát triển của rừng dừa.
Nhận ra nguy cơ mất rừng dừa nước đang hiện hữu, gây ảnh hưởng lớn tới sinh quyển, môi trường sống, thời gian gần đây, chính quyền và bà con nhân dân ở các thôn xóm thuộc xã Cẩm Thanh đã nỗ lực bảo vệ, cùng với các cấp chính quyền để phục hồi rừng dừa nước.
Nhiều kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng dừa đã được triển khai mà Dự án “Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng” là ví dụ. Theo đó, 26 héc-ta dừa nước được trồng mới, hơn 70 héc-ta dừa nước được trồng dặm…
Các chuyên gia cho rằng, rừng dừa nước đóng vai trò là vùng đệm của khu sinh quyển Cù lao Chàm, như một “máy lọc sinh học”, là “lá phổi xanh” cho không chỉ Cẩm Thanh mà cả đô thị cổ Hội An. Khu rừng dừa nước này còn là nơi trú ngụ, sinh trưởng của nhiều loài động vật dưới nước lẫn trên cạn, các loài thủy sinh vùng ven biển, cửa sông; là nơi chắn gió, chắn bão của ngư dân và tàu thuyền theo các mương lạch vào.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, bảo vệ và phát triển vùng rừng dừa nước Cẩm Thanh có ý nghĩa thiết thực cho hiện tại và mai sau.