Bình Phước: Kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi và giết mổ
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, sở đang triển khai chiến dịch thanh tra đồng loạt các cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh để kiếm soát về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đồng thời kiểm soát chất cấm ngay tại các lò giết mổ.
Kiểm soát tốt chất cấm trong chăn nuôi để lấy lại niềm tin ở người tiêu dùng.
Tổng đàn lợn ở Bình Phước hiện đạt trên 310.000 con; trong đó, đàn lợn nuôi tập trung tại các cơ sở chiếm số lượng lớn. Nằm trong chiến dịch kiểm soát về chất cấm, vừa qua cơ quan chức năng đã kiểm tra 12 cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh. Qua lấy 53 mẫu nước tiểu lợn tại 12 cơ sở giết mổ để kiểm tra nhanh chất cấm sabutamol và kết quả là 100% mẫu đều âm tính với chất cấm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước Trần Văn Lộc cho biết, tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong chăn nuôi và giết mổ, đơn vị đã mở đợt cao điểm trong tháng 3 này về thanh kiểm tra; tập trung vào các lò giết mổ để kiểm soát nguồn thịt lợn đưa ra thị trường, đảm bảo sạch, an toàn vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, gần đây tỉnh đã hình thành mô hình chăn nuôi lợn sạch. Cụ thể, Công ty trách nhiệm hữu hạn De Heus Việt Nam vừa hợp tác với Công ty cổ phần Hùng Nhơn xây dựng dự án nuôi lợn sạch từ khâu sản xuất con giống đến cung cấp sản phẩm thịt lợn sạch ra thị trường.
Sản phẩm được kiểm soát khắt khe theo công nghệ nước ngoài, sau khi thịt lợn cho ra lò được dán nhãn nhận diện về an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự án đầu tư trên quy mô khoảng 10ha, đang tiến hành nuôi thí điểm khoảng 600 con lợn đẻ, khu thực nghiệm, khu đào tạo kỹ thuật chăn nuôi cho người dân...
Theo đánh giá của tỉnh, dự án chăn nuôi lợn sạch là mô hình tốt cần được triển khai, góp phần để người dân được hưởng lợi khi tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi sạch, sản phẩm cung cấp cho thị trường có nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, Bình Phước cũng đẩy mạnh mời gọi thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, ưu đãi dự án chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi - tiêu thụ được các doanh nghiệp đẩy mạnh tham gia là xu hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu quan trọng trong chương trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay. Trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang hình thành nhiều mô hình đầu tư chăn nuôi khép kín, phát triển 215 trang trại chăn nuôi thuộc hệ thống các công ty đa dạng.
Theo đó, nhiều mô hình liên kết giữa các công ty, từ công ty sản xuất giống - công ty sản xuất thức ăn; trại chăn nuôi đến công ty thu mua tiêu thụ sản phẩm, trong đó có sự san sẻ lợi ích cũng như khó khăn giữa các khâu để tạo bền vững của chuỗi giá trị; mô hình liên kết giữa các nông hộ hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang hình thành dưới các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ để tăng nguồn lực đầu tư, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm.
Số liệu thống kê của ngành chăn nuôi tỉnh Bình Phước cho thấy, trong những năm gần đây, mức đầu tư chăn nuôi trang trại công nghiệp tăng mạnh, chăn nuôi nhỏ lẻ giám dần và có sự chuyển đổi sang chăn nuôi an toàn, hợp tác, trang trại theo quy mô lớn. Trong năm 2016, tổng đàn gia súc đạt hơn 367.000 con, đàn gia cầm gần 5 triệu con, giá trị đạt 11,9% trong giá trị sản xuất nông nghiệp.