Để đồng bào không tiếp tục di cư
Ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk), do di cư vào sau ít đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên trong 2 năm vừa qua một số hộ đồng bào dân tộc Mông ở các thôn Ea Uôl, Cư Tê, Ea Bar, Cư Rang lại tiếp tục di cư đến các huyện Ea Súp, Krông Pắc, M’Đrắc hay di cư đến các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai.
Gia đình chị Đào Thị Kia ở thôn Ea Uôl chuyển đồ về nơi ở mới.
Vợ chồng anh Ma Seo Vàng từ huyện Bắc Quang (Hà Giang) di cư vào thôn Ea Rớt năm 1995. Ở được hơn 1 năm do không có đất ruộng, gia đình anh lại di cư về thôn Ea Lang. 20 năm định cư ở đây nhưng đất sản xuất ít, cuộc sống của hai vợ chồng và 8 đứa con luôn trong tình trạng nghèo đói.
Năm 2015, vợ chồng anh Vàng lại tiếp tục theo một số hộ di cư sang xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Anh Vàng thừa nhận: “Cuộc sống nơi ở mới tuy đất đai nhiều nhưng lại gặp nhiều khó khăn như đường sá đi lại, chưa có điện, không có nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ cách xa nhà hơn chục km”.
Gia đình ông Hầu Seo Páo ở thôn Ea Bar cũng di cư sang xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông. Vào định cư tại thôn Cư Rang năm 1996. Năm 2011 nghe lời xúi giục của kẻ xấu, ông đã bán rẻ hơn 5 ha đất canh tác, nhà gỗ, trâu, bò để cùng vợ con đi Mường Nhé (Điện Biên). Khi biết bị lừa thì số tiền bán gia sản đã tiêu gần hết.
Ông quay trở vào Cư Pui, dùng số tiền còn lại mua được hơn 1 ha đất canh tác ở thôn Ea Bar. Vẫn chưa bằng lòng với cuộc sống hiện tại, đầu năm 2016 gia đình ông lại tiếp tục di cư sang xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Ông Páo cho biết: “Hiện nay xã này đã có gần 100 hộ người Mông ở các nơi về định cư. Nơi ở mới chưa có hộ khẩu, chưa có điện, xa chợ, đường đi lại rất khó khăn nhưng do gia đình đông con nên phải đi tìm đất để làm ăn”.
Gia đình chị Đào Thị Kia từ huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) di cư vào thôn Ea Uôl năm 2000. Sau khi lập gia đình riêng được cha mẹ cho khoảng 1 ha đất để canh tác. Nhờ siêng năng, vợ chồng chị đã mua được bò, xe máy, con cái được đến trường. Cuộc sống tạm đủ nhưng vợ chồng chị Kia và gia đình bố mẹ chồng vẫn di cư đến xã Ea Lê, huyện Ea Súp để có nhiều đất hơn.
Chị Kia tâm sự: “Trong thôn giờ đã có điện, đường bê tông, trường học nhưng vì ít đất sản xuất, cuộc sống vẫn còn khó khăn nên phải ra đi tìm nơi ở mới. Biết là mỗi lần di cư rất vất vả, tốn kém, con cái thất học nhưng cũng phải đi để làm kinh tế”…
Cơ sở hạ tầng trong các thôn đồng bào Mông ở xã Cư Pui mấy năm gần đây đã được Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng từ các dự án để làm đường, kéo điện, xây dựng trường học và nhiều công trình phúc lợi khác. Tuy nhiên một số người Mông ở đây vẫn tiếp tục di cư, đem lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ; gây áp lực cho những địa phương khác khi họ đến định cư.
Ông Sính Chứ Chơ, Trưởng thôn Ea Uôl cho biết: “Thôn Ea Uôl có 315 hộ nhưng có đến hơn 50% là hộ nghèo. Trong thôn năm nào cũng có mấy hộ chuyển đi nơi khác để sống vì thiếu đất ở, đất sản xuất”.
Hiện nay một số gia đình ở các thôn đồng bào Mông di cư của xã Cư Pui vẫn đang có ý định di cư đến nơi ở khác. Đa số những hộ này đều thuộc diện hộ nghèo, di cư đến sau, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Để bà con không còn tư tưởng di cư nữa, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân.
Đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao; giao đất, giao rừng, tăng quỹ đất sản xuất cho người dân, giúp xóa đói, giảm nghèo để họ ổn định cuộc sống, yên tâm định cư lâu dài.