Chuyện ở ngã ba Khánh Thượng
Nói đến ngã ba xã Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội) ai cũng nghĩ xa xôi lắm, vì cách trung tâm thành phố tới hơn 80 km. Hướng đi từ Sơn Tây qua Đá Chông rẽ trái dọc sông Đà, đường núi quanh co, nhưng bóng áo cọn của những cô gái Mường thấp thoáng đó đây, làm con đường bỗng ngắn lại, với những du khách đã từng qua đây. Phía trước là núi Chẹ, đứng giữa ngã ba đường về phía Hòa Bình hay rẽ sang Phú Thọ.
Mây trắng Ba Vì.
Lão chơi chim kể chuyện
Lão tên Sương, người bán chim Sáo bên con đường 475 men theo núi Chẹ (thuộc xã Khánh Thượng) đi về mạn Kỳ Sơn, đi Hòa Bình. Lão bị tật trong những ngày phá đá nổ mìn trên núi Chẹ.
Giờ lão chuyên nghề luyện chim sáo nói tiếng người. Hơn 60 tuổi lão bắt đầu cùng luyện với chim sáo từ những tiếng chào và cảm ơn lòng tốt của con người. Hỏi về chim sáo, lão chỉ lên những triền núi Chẹ nói, đó là nơi từng đàn chim sáo hay về.
Dân ở đây thường gọi chúng là Sáo đá. Nó nhỏ hơn những chú chim sáo khác. Dạy nói tiếng người cũng khó hơn. Nhưng qua tay lão, chỉ độ 4 tháng đến 6 tháng là chúng nói ngon.
Chào hỏi đúng vị lịch sự. Lão còn nói riêng chuyện giữ nhà thì loại sáo đá này chẳng cần phải dậy. Chúng thương chủ nhà và giữ làm chân gác cổng vào loại cự phách. Người lạ đến là chúng réo gọi chủ nhà ra mới thôi. Vậy nên chúng phát hiện kẻ gian nhanh lắm. Về đêm thì thôi rồi. Đúng là còn thính hơn cả chó. Nghe lão nói ai cũng thấy lạ xúm lại.
Chú chim sáo.
Mấy đứa trẻ đi qua đòi lão kể lại chuyện Sơn Tinh ném hòn núi Chẹ này xuống chặn dòng lũ của Thủy Tinh, bảo vệ Công chúa Ngọc Hoa như thế nào.
Thế là lão lim dim mắt, hắng giọng ngâm ngợi câu chuyện cổ tích cho chúng nghe, nhất là đến đoạn những năm nước sông Đà lên cao, thì bọn trẻ thích lắm. Khi ấy sóng dữ dằn đổ vào Khánh Thượng ngập sâu hàng mét, nhưng mỗi lần xoáy nước điên cuồng như con khủng long định xộc vào làng đều gặp núi Chẹ là chùn lại.
Xoáy nước va đá núi vỡ tan từng mảnh rồi cắp đít bỏ chạy. Thế là bọn trẻ cười tít mắt. Lão Sương ngừng thở, chưa kịp kể tiếp thì một đứa trẻ láu táu nói nốt đoạn cuối rằng, sau đó núi Chẹ còn sinh ra một chiếc hàm Rồng để dọa cơn lũ của Thủy Tinh chứ gì.
Lão Sương vỗ má nó khen giỏi. Nghe đi nghe lại mãi mà không chán. Thế rồi lão rưng rưng nhớ lại những ngày nổ mìn làm những đàn chim sáo bay tới tấp, tản mát đi khắp các vùng. Mãi cho đến khi chuyện phá núi giảm đi những đàn chim Sáo mới mon men trở lại. Lão chép miệng tự trách mình đã một thời phá núi.
Nên cái chuyện lão bị gãy chân cũng đáng. Mấy đứa trẻ líu ríu đòi lão bắt chim sáo chào khách cho nghe. Bất ngờ con chim Sáo mắng một câu rất to: “Về ngay!...Về ngay!...Về…”. Cả lũ trẻ cười rũ rượi đau cả bụng rồi cùng chạy về nhà với mẹ.
Lão Sương là người Mường nên thuộc nhiều câu hát, hay những câu thơ kể chuyện tình cổ trong các bản trường ca Mường như Út Lót- Hồ Liêu.
Núi Chẹ.
Lắm khi lão cứ ê a nói những câu không đâu, rồi sách lồng chim sáo đi dọc con đường về chợ Chẹ. Một con chợ theo chữ của lão vì nó được sinh ra từ khi con lão đi bộ đội về và bắt lão ở nhà không được theo bọn xấu nổ mìn phá núi.
Trong tâm tưởng lão giờ đây vẫn còn vang lên những tiếng mìn nổ trên núi Chẹ làm chấn động cả núi rừng và làm đàn chim hoảng loạn bỏ đi. Vậy nên lão lấy việc nuôi sáo dậy tiếng người để như muốn hồi tâm tu tính.
Lão và chúng đều phải học lại tiếng người là vì thế. Vừa đi lão vừa lẩm nhẩm những câu tục ngữ, đại loại như: “Ăn cây đào-rào cây đào” hay “Hỏi đường hỏi người già. Xin cơm xin gái trẻ”…Cùng phụ họa với lão, những con sáo đua nhau cất tiếng mỗi khi gặp người đi qua. Bao giờ cũng bắt đầu từ câu nói vui vẻ, báo hiệu niềm vui cho chủ nhà rằng: “Có khách!... Có khách!... Có khách!”.
Chiêng ngân Khánh Chúc tình ca
Khánh Chúc Bãi thuộc xã Khánh Thượng. Muốn vào thôn phải đi qua chợ Chẹ. Con chợ theo như lão Sương gọi được sinh thành ở ngã ba, trên các ngả đường Ba Vì đi Hòa Bình và giáp ranh tỉnh Phú Thọ. Chính vì thế người ta gọi Khánh Chúc Bãi là thôn ba nhà hay kẻ chợ đầu mối của một vùng sơn cước mênh mông, bên sông Đà suốt ngày đêm cuộn chảy.
Người ta thường nghe: “Về Khánh Chúc Bãi cùng tôi/ Vòng qua chợ Chẹ nghe hồi chiêng rung/ Rằng đi cho đến tận cùng/ Nghe chàng Hai Mối hát cùng Nàng Nga…”. Thì ra câu chuyện Hai Mối và Nàng Nga cũng là một câu chuyện bi tình cổ, bên cạnh trường ca tình yêu Út Lót - Hồ Liêu, trong dòng văn học Mường.
Câu chuyện tình bắt đầu từ ngày mở chợ của chín mười làng quanh vùng. Và, ở Khánh Chúc Bãi là nơi duy nhất của xã Khánh Thượng có tới hai đội cồng chiêng luôn hoạt động và ca hát phục vụ khắp vùng chung quanh.
Đội cồng chiêng Khánh Chúc Bãi.
Nhất là vào lễ hội và chuẩn bị đón ngày xuân mới. Năm nào cũng vậy đội cồng chiêng của vùng đất bãi này luôn luôn bận rộn với lời ca tiếng hát.
Cho dù dẻo đất Khánh Chúc Bãi chỉ có khoảng 700 người, gần như nằm gọn trong vòng ôm của sông Đà, nhưng không bao giờ lui bước trước sự đe dọa của thiên tai và luôn luôn ca hát. Hai đội cồng chiêng nữ cùng hàng chục thôn nữ Mường ở đây vừa hát hay múa dẻo, vừa thuộc nhiều làn điệu dân ca truyền thống. Chương trình đi biểu diễn của họ quanh năm lúc nào cũng nhộn nhịp như vào hội.
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Sứng- Trưởng thôn Khánh Chúc Bãi hồ hởi nói hai điều, trước hết về căn bản đã xóa đói giảm nghèo thực sự. Trong thôn chỉ còn vài ba hộ diện nghèo. Hơn nữa thôn đã hoàn thành dồn điền đổi thửa toàn bộ diện tích nông nghiệp.
Bên cạnh đó còn có 5 chiếc máy bừa, giảm hẳn sức lao động nặng nhọc, năng xuất nâng cao ai ai cũng phấn khởi đón cái tết với sự no đủ chưa từng có.
Ông nhấn mạnh thường người Mường có tới 20 lễ hội trong năm. Từ lễ tết, Sắc bùa, hội làng đến mừng nhà mới, xuống đồng, khai hạ; rồi lễ mừng thọ đến lễ thành hôn… tất cả đều dùng đến bộ cồng chiêng để tấu lên những bản nhạc thân quen, chứa đựng hồn cốt ngàn năm của các vùng Mường ở khắp nơi trên toàn quốc.
Đội cồng chiêng xứ Mường.
Khánh Chúc Bãi cũng vậy. Người dân nơi đây coi tiếng cồng chiêng là những âm thanh đem lại sự may mắn và no đủ. Những âm thanh vang vọng hồn thiêng dân tộc ngàn năm. Nói rồi ông giới thiệu cho chúng tôi gặp những thành viên trong đội cồng chiêng.
Khi biểu diễn, phụ nữ Mường ở Ba Vì thường mặc trang phục truyền thống như áo Pắn, váy đen, khăn trắng và đeo vòng bạc. Về điểm này bà Đinh Thị Hoa - thành viên đội cồng chiêng Khánh Chúc Bãi còn cho biết, riêng thắt lưng phải có nhiều họa tiết, tạo điểm nhấn ở vòng eo, thể hiện đường cong hoàn mỹ của cơ thể.
Nghe bà nói về những bản nhạc của cồng chiêng Mường mới hay, những chiếc dùi đánh chiêng kia sao kỳ ảo tấu lên những âm thanh làm xáo động tâm hồn người nghe.
Mỗi bản là một tiết tấu. Từng bài là một giai điệu cụ thể cho một chủ đề. Khi nào chiêng Bồng cất tiếng, rồi chiêng Tlé rung lên cùng tiếng hát trong trẻo của các cô gái Mường.
Phía ngoài kia tốp ca nữ đang tập bài hát “Mời trầu” cùng với dàn chiêng được treo ngay ngắn trên chiếc giá tre đung đưa theo chiều gió sông Đà ngân nga khắp thôn bản. Những lời hát ngọt ngào vang bên tai tôi dễ thương làm sao. Những cô gái Mường như say trong điệu nhạc.
Trái tim họ đang trào dâng cảm xúc trong khúc nhạc đồng quê. Những cánh tay nghiêng tạo hình những cánh chim lượn trên đồi cao. Phía trước họ là đỉnh núi Ba Vì bồng bềnh mây trắng…