Báo chí tiếp lửa cho Mặt trận
“Cám ơn các nhà báo đã tiếp lửa cho Mặt trận trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và nhất định công tác này sẽ được tổ chức với chất lượng, hiệu quả cao hơn để gìn giữ tương lai tươi đẹp của đất nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Sáng 28/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, báo Nhân dân phối hợp tổ chức Hội thảo Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cùng đại diện nhiều cơ quan báo chí tham dự.
Củng cố mối quan hệ của Mặt trận với báo chí
Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà báo Thuận Hữu, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhận định: Đây là Hội thảo có ý nghĩa quan trọng theo gợi ý của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, trong việc triển khai Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, có ý nghĩa chính trị lớn, nhằm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mục đích Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức vai trò của báo chí đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ý kiến của đại biểu hôm nay sẽ góp phần củng cố mối quan hệ của Mặt trận với báo chí tốt hơn nữa và từ đó phát huy vai trò của nhà báo vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc nói chung và lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nói riêng.
“Ngày 4/1, tại Cần Thơ, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo phát động giải Báo chí Toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Hội thảo nhằm khái quát thực tiễn đang diễn ra trong xã hội từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể thúc đẩy vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, 3 năm qua, MTTQ triển khai các chương trình giám sát, phản biện. Mặt trận đã giám sát nhiều vấn đề nhân dân quan tâm nhưng cái khó của Mặt trận là giám sát nhưng không chế tài vì chế tài sẽ thuộc về cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan Đảng. “Vậy giám sát nhưng không chế tài có làm được không?”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trăn trở.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thực tiễn cho thấy giám sát vẫn có thể chế tài được nếu kiến nghị của Mặt trận chuyển thành quyết tâm chính trị của Đảng, của chính quyền ở những nơi, những cấp mà Mặt trận thấy cần phải có biện pháp cụ thể.
Tại phiên họp thứ 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội. Từ Nghị quyết liên tịch này, vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận sẽ được thể chế hoá.
Báo chí có vai trò quan trọng trong việc phát hiện các điển hình, tấm gương tốt, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nhưng những phát hiện của báo chí vẫn chưa thực sự có chế tài.
Chính vì vậy Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Mặt trận cùng phối hợp với báo chí để những vấn đề báo chí nêu phải chuyển thành hành động của Đảng, chính quyền để chế tài những sai phạm này.
“Mặt trận sẽ cùng với báo chí chọn ra một vấn đề cụ thể để đi đến cùng của vụ việc. Hiện nay Mặt trận Trung ương đã chọn ra 1 vấn đề để xử lý nhưng xử lý vụ việc đó phải mất hàng tháng. Chính vì vậy, để những vụ việc báo chí nêu được giải quyết cần có sự tham gia của cả hệ thống Mặt trận”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã nêu ra được rất nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Từ những vụ việc này, phóng viên giữ vai trò vừa là người quan sát, phản ánh ý kiến của nhân dân nhưng liệu phóng viên có đảm nhiệm vai trò của điều tra viên hay không và nếu như vậy thì phóng viên phải được hỗ trợ về nghiệp vụ và phải hiểu sâu, nghiên cứu sâu về nghiệp vụ thu thập thông tin.
Nhà báo phải biết sử dụng công cụ pháp luật
Hội thảo đã tập trung thảo luận những vấn đề: Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, mối quan hệ giữa các nhân tố tác động tới vai trò này.
Những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn của báo chí tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí như: Tính khách quan chuyên nghiệp, tính chính xác trong xử lý thông tin về lĩnh vực này; những khó khăn bất cập, những sai phạm đối mặt trong tác nghiệp báo chí khi thông tin sai.
Trao đổi kiến thức pháp luật của hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí cho người làm báo, bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp…
PGS.TS Trần Văn Độ chia sẻ ý kiến tại hội thảo.
Đề cập tới vai trò của báo chí trong hoạt động tư pháp, PGS.TS Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án TAQS Trung ương) đánh giá, báo chí đã hỗ trợ rất nhiều cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm.
Nhiều vụ án, nhất là những vụ án kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố từ nguồn tin của báo chí; nhiều vụ án oan sai được báo chí đề cập, nhiều vụ án được báo chí phát hiện có bất cập trong xử lý… đã giúp cơ quan có thẩm quyền có biện pháp sửa chữa kịp thời. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy báo chí cũng tạo áp lực không cần thiết cho hoạt động tố tụng, nhất là phán quyết của Tòa án.
PGS.TS Trần Văn Độ cũng lưu ý hiện tượng câu view, câu tira… bằng các thông tin giật gân, miêu tả các sự việc rùng rợn, khiêu dâm gây tò mò của các vụ án.
Ông Độ cho rằng, đó là sự định hướng dư luận thiếu vô tư, khách quan, không phù hợp với quan điểm, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. “Báo chí cần định hướng dư luận xã hội một cách nhân văn”, ông Độ nhấn mạnh.
TS, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, bên cạnh kỹ năng, đạo đức, nhà báo cần phải có kiến thức pháp luật.
Tại Hội thảo, TS, luật sư Phan Trung Hoài chia sẻ: Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhà báo đứng trước những thách thức rất lớn. Nhà báo phải biết sử dụng công cụ pháp luật. Bên cạnh kỹ năng đạo đức, nhà báo phải có kiến thức pháp luật. Cần xây dựng cơ chế phối hợp bồi dưỡng kiến thức cho nhà báo.
Tới đây, Hội Nhà báo cần phối hợp với Mặt trận, Liên đoàn Luật sự Việt Nam cùng Hội nhà báo cùng tham gia bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho nhà báo.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững chia sẻ ý kiến tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề cập đến vai trò của MTTQ Việt Nam và Hội nhà báo: Để phát huy hiệu quả báo chí chống tham nhũng và bảo vệ nhà báo tác nghiệp trong đấu tranh chống tham nhũng, không thể không nói đến vai trò của giới luật sư, vai trò kết nối rất quan trọng của MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
Ông Dững lấy dẫn chứng vụ Đồng Tâm mới đây, cũng như những năm gần đây, sự phối hợp của báo giới và giới luật sư ngày càng gia tăng và chứng minh hiệu quả.
Thế nhưng sự kết hợp này, có phần chủ yếu thông qua mạng xã hội, tức là chưa có sự kết nối tự giác, chặt chẽ trên phạm vi lớn hơn, hệ thống hơn.
Vai trò kết nối này đã xuất hiện ngày càng rõ nét và được sự ngưỡng mộ cả hai giới, đó là MTTQ Việt Nam. Mặt trận có thể tổ chức, kết nối lực lượng, khơi dậy ý chí và thúc đẩy thái độ trách nhiệm của báo giới và giới luật sư trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Giải báo chí đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm cụ thể, thiết thực.
Nhà báo Phùng Sưởng, Phó TBT Báo Tiền Phong cho rằng một bộ phận người làm báo vẫn còn tâm lý dè dặt, e ngại khi tiến hành điều tra, viết bài phản ánh về tham nhũng, tiêu cực.
Tại Hội thảo, Đề cập tới cơ chế bảo vệ nhà báo: Nhà báo Phùng Sưởng, Phó TBT Báo Tiền Phong cho rằng: Thời gian qua, chúng ta đạt được nhiều kết quả, nhưng nếu có phương pháp tốt hơn thì hiệu quả còn cao hơn nữa.
Bởi vẫn còn những rào cản, trở ngại, nhất là hành lang pháp lý bảo vệ chưa vững chắc nên một bộ phận người làm báo vẫn còn tâm lý dè dặt, e ngại khi tiến hành điều tra, viết bài phản ánh về tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều nhà báo, cơ quan báo chí chỉ vì tiên phong, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã bị “làm khó”… Nhiều nhà báo cũng chỉ vì mạnh mẽ trong chống tham nhũng, tiêu cực mà bị “trù dập”, bị cô lập, “cô đơn”…
Theo nhà báo Phùng Sưởng, những người làm báo khi đi điều tra vụ việc tham nhũng, tiêu cực do cơ quan, đơn vị giao không được coi là người thi hành công vụ nên cơ chế bảo vệ vừa thiếu, lại vừa yếu. Nhiều vụ việc nhà báo đi điều tra, tác nghiệp đã bị các đối tượng dọa nạt, cản trở, thậm chí hành hung.
Tuy nhiên do không phải là người thi hành công vụ nên những vụ việc trên chỉ bị xử lý hành chính. Trong khi các lực lượng chức năng như thanh tra, công an,… khi đi làm nhiệm vụ chỉ cần người dân có lời nói lăng mạ, hành vi cản trở là sẽ bị khép vào tội chống người thi hành công vụ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhà báo Phùng Sưởng cũng đề xuất, khi xảy ra các vụ việc hành hung báo chí, đề nghị các cơ quan, tổ chức đơn vị như MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo, cơ quan chủ quản báo chí, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương… cần chủ động vào cuộc để bảo vệ nhà báo và đề nghị các cơ quan chức năng xử lỳ nghiêm đối tượng vi phạm.
Thậm chí ở mỗi cấp Hội nhà báo, cơ quan báo chí nghiên cứu xây dựng quỹ phòng ngừa rủi ro bảo vệ, hỗ trợ các nhà báo gặp rủi ro trong tác nghiệp.
Nhà báo Duy Thanh, Phó TBT Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ ý kiến tại hội thảo.
Tuy nhiên, có những lý giải về vấn đề tại sao báo chí phát huy chưa tốt vai trò của mình. Ở một góc nhìn khác, nhà báo Duy Thanh, Phó TBT Báo Đại Đoàn Kết nhấn mạnh: Thứ nhất, tôi muốn đề cập tới minh bạch thông tin, chúng ta có một quy chế minh bạch thông tin phục vụ rất tốt cho báo chí, nhưng lại thực hiện chưa tốt.
Quy chế phát ngôn quy định về sự minh bạch nhưng không có chế tài. Quy chế người phát ngôn, quy chế thực hiện minh bạch đã luật hóa, đã minh định hóa.
Tuy nhiên, từ khi có quy định, có thể nói cánh cổng đó đã mở, nhưng chưa mở hết với báo chí. Rất nhiều vụ việc tiêu cực mà dư luận xã hội quan tâm mà báo chí không biết hỏi ai. Câu trả lời dành cho cơ quan báo chí là vụ việc đang điều tra. Như vậy, cánh cửa khép lại với báo chí.
Cũng theo nhà báo Duy Thanh, chống tham nhũng, lãng phí chính là chống lại sự tha hóa, biến chất của cán bộ đảng viên có chức có quyền trong bộ máy nhà nước, đây là một vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm.
Điều đó đòi hỏi người viết phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có cái tâm trong sáng, có động cơ xây dựng, đặt mình vào trong cuộc để tháo gỡ; phải hết sức thận trọng, tỉnh táo và nhạy cảm.
Đồng thời phải có năng lực nghề nghiệp; diễn đạt và trình bày vụ việc một cách rõ ràng, chính xác, phải biết xác định cái độ, cái ngưỡng của vấn đề.
Viết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi nhà báo phải nắm vững pháp luật, tuân thủ pháp luật, am tường nhiều vấn đề từ Hiến pháp, pháp luật, chế độ, chính sách đến các vấn đề quản lý, cách thức điều tra, xem xét… đặc biệt là khi thể hiện.
Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, các nhà báo, tòa soạn đối diện với nhiều cám dỗ. Để vượt qua sự cám dỗ này bên cạnh việc nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, các tòa soạn phải xây dựng được quy trình điều tra, tác nghiệp đảm bảo sự minh bạch và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Mặt trận sẽ giám sát quy chế phát ngôn
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: “Hội thảo lần này đưa ra những ý kiến cụ thể để làm rõ đặc thù của nhà báo trong việc khai thác thông tin, những khó khăn của nhà báo trong việc thực thi nhiệm vụ, những đặc thù của nhà báo trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí từ đó đưa ra giải pháp cần phải làm gì để nhà báo hoàn thành trách nhiệm và nhiệm vụ được giao”.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, từ những ý kiến tại Hội thảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo cần phối hợp để biên soạn cuốn sổ tay liên quan đến vấn đề tác nghiệp của nhà báo để từ đó báo chí thuận lợi hơn trong quá trình tác nghiệp.
“Hiện nay Mặt trận đang tiến hành làm việc với 5 Bộ và 5 tỉnh, thành phố về việc công khai kết luận thanh tra thông qua hình thức công bố trực tiếp lên Cổng thông tin của cơ quan tham gia giám sát, công bố thông qua phương tiện truyền thông - tuy nhiên thực tế chưa thấy cơ quan nào sử dụng phương thức này, đồng thời các cơ quan cần cung cấp kết luận thanh tra khi có yêu cầu. Trong thời gian tới, Mặt trận sẽ tiến hành giám sát việc công khai kết quả đấu thầu và giám sát việc thực hiện quy chế phát ngôn”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thông tin.
“Cám ơn các nhà báo đã tiếp lửa cho Mặt trận trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và nhất định công tác này sẽ được tổ chức với chất lượng, hiệu quả cao hơn để gìn giữ tương lai tươi đẹp của đất nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn.
Nhà báo Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân Dân phát biểu kết luận hội thảo.
Kết luận hội thảo, ông Thuận Hữu đánh giá: Chúng ta đã làm rõ hơn vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, cũng như mối quan hệ và nhân tố tác động tới vai trò này. Trong đó có mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam. Giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với các nhà báo, giữa nhà báo với các luật sư.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tham dự hội thảo.
Hội thảo đã đóng góp ý kiến bổ ích với các cơ quan báo chí, các nhà báo, các cấp hội nhà báo trong việc phòng ngừa, đấu tranh chống tiêu cực, biểu hiện lệch lạc của các nhà báo, giám sát quản lý hội viên nhà báo, nhất là quản lý báo điện tử, trang tin điện tử. Đồng thời đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên trong hành nghề, trong tác nghiệp phóng chống lãng phí, tiêu cực.