Nền đất yếu là nguyên nhân gây sụt lún đất ở Đà Lạt
Các chuyên gia địa chất và cơ quan chức năng địa phương cho biết nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún đất ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt gây nứt toác nhà các hộ dân là do mưa nhiều, nền đất trong khu vực này yếu, dẫn đến đất bị trượt.
Các hộ dân quanh khu vực sụt lún đang lo lắng.
Trước đó, theo phản ánh của người dân vào đêm 25/4, tại các tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Trương Công Định và Phan Đình Phùng, thuộc khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt bắt đầu xảy ra hiện tượng sụt lún đất.
Đến tối 27/4, theo thống kê của cơ quan chức năng có tất cả 47 căn nhà nằm trong vùng bị ảnh hưởng, trong đó có 14 ngôi nhà đã xuất hiện vết nứt và 4 căn nhà bị sụt lún nghiêm trọng.
Chính quyền địa phương thành phố Đà Lạt đã khẩn trương vận động các hộ dân di dời đến nơi ở an toàn, các khách sạn trong khu vực ngưng đón khách trong dịp lễ 30-4 và 1-5; đồng thời cắm biển cấm các tất cả ô tô lưu thông trên đường Nguyễn Văn Trỗi.
Sau khi xảy ra hiện tượng sụt lún, Đoàn chuyên gia của Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản), Khoa địa chất của Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành có liên quan của tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra thực tế hiện trường để tìm nguyên nhân gây sự cố nứt đất.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân bước đầu xác định do nền đất trong khu vực này yếu, gặp thời tiết mưa nhiều dẫn đến bị sụt đất.
Cụ thể, trước đây trong khu vực này có những dòng chảy tự nhiên từ quả đồi kéo xuống đường Phan Đình Phùng, và trong quá trình phát triển dân cư người dân tiến hành san lấp khu vực này nên nền đất rất yếu, giờ gặp mưa lớn thì tạo dòng chảy ngầm trong lòng đất.
Nguyên nhân thứ hai, là giữa đường Nguyễn Văn trỗi và Phan Đình Phùng, khoảng 50 năm về trước thì nơi đây là chỗ đổ các bãi rác nên đất ở đây rất yếu, rồi trở thành vùng đất trũng, khi mưa lớn lại tạo ra dòng chảy tự nhiên dẫn đến hiện tượng sụt lún đất.
Tại cuộc họp tổ chức vào tối 27/4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Công ty cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản) hỗ trợ và lắp thiết bị cảnh báo trong khu vực. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục quan trắc để phát hiện kịp thời nếu có rò rỉ nước, khẩn trương trám vết nứt, tránh nguồn nước mưa tự nhiên ngấm xuống lòng đất và duy trì lực lượng thường xuyên theo dõi độ nứt, sụt lún trong khu vực.
Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ sắp tới đề nghị thành phố Đà Lạt và các đơn vị sở, ngành của tỉnh bố trí lực lượng túc trực 24/24 để kịp thời ứng phó nếu có sự cố xảy ra.