Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Bộ sẽ cầu thị, lắng nghe

Ngọc Anh 29/04/2017 15:10

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ với Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tại cuộc họp Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông vừa diễn ra.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo. Kết quả của sự nỗ lực đó đã được thể hiện qua những đánh giá tích cực từ dư luận xã hội về những điểm mới, điểm ưu việt của dự thảo chương trình tổng thể như: tính kế thừa và tính hội nhập; chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang giáo dục hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học và xây dựng nền giáo dục theo hướng mở; đưa ra được “chân dung” người học sinh mới; phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp; tăng cường tính tự chủ cho các địa phương, các cơ sở giáo dục, cho người dạy và người học...

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng thuận vẫn còn những ý kiến băn khoăn, thậm chí trái chiều về một số nội dung của dự thảo chương trình tổng thể. Trước những luồng ý kiến này, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, đổi mới chương trình sách giáo khoa là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi quá trình tiến hành công phu cũng như tinh thần cầu thị, lắng nghe một cách tích cực, do vậy những ý kiến phản biện trái chiều là bình thường và cần thiết trong quá trình hoàn thiện dự thảo.

Ông Nhạ đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến, trong đó những ý kiến đúng, phù hợp phải được bổ sung, hoàn thiện trong dự thảo, những nội dung xét thấy chưa phù hợp cũng cần được giải trình sao cho xã hội hiểu đúng và đồng thuận.

Cho đến thời điểm này, dự thảo chương trình tổng thể đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, các nhà quản lý đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các thầy giáo, cô giáo và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ý kiến của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục tại cơ sở, đội ngũ giáo viên - những người quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới chương trình giáo dục phổ thông vẫn còn thiếu và chưa đi sâu vào các nội dung cụ thể.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần chủ động xin ý kiến đóng góp của các thầy giáo, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục đang công tác tại các địa phương, các cơ sở giáo dục trong cả nước. Dự thảo đã đưa ra nhiều điểm mới, điểm tốt nhưng dù mới, dù tốt đến đâu cũng phải phù hợp với địa phương, vì vậy, ý kiến từ địa phương, từ cơ sở, từ những người trực tiếp triển khai thực hiện là vô cùng quan trọng. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng cần có kênh tiếp thu ý kiến của học sinh, phụ huynh học sinh và các đối tượng có liên quan. Với tính chất quan trọng của chương trình, tôi đề nghị Ban soạn thảo lùi thời gian xin ý kiến để giáo viên, học sinh và người dân có thêm thời gian tham gia góp ý cho dự thảo” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để việc góp ý cho dự thảo chương trình tổng thể đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo xây dựng đề cương góp ý, trong đó tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến sâu như mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; phẩm chất, năng lực cần hình thành và phát triển cho học sinh; tính kế thừa từ chương trình hiện hành; định hướng hội nhập; thời lượng các môn học; việc lựa chọn các môn học; điều kiện thực hiện chương trình, đặc biệt là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các trường sư phạm đẩy nhanh quá trình đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, có lộ trình bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tại từng cơ sở giáo dục; Cục Cơ sở vật chất phối hợp với các địa phươngrà soát, quy hoạch lại để phát huy tối đa cơ sở vật chất hiện có, đồng thời đẩy nhanh các dự án đầu tư cơ sở vật chất đã được phê duyệt. Chủ trương của Bộ là cần thực hiện chương trình theo hướng thiết kế tổng thể, triển khai cuốn chiếu từng bước chắc chắn và hiệu quả.

“Quan điểm chung của Ban chỉ đạo là tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương bảo đảm đồng bộ, đồng tốc, hiệu quả trên cả 3 mặt: xây dựng chương trình, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trong thực hiện lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới” - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Ngọc Anh