Chim cánh cụt
Sở dĩ gọi là chim cánh cụt là bởi chúng không có cánh, không bay được, sinh sống dưới nước. Nam bán cầu là khu vực chim cánh cụt tập trung đông nhất. Ở đây chỉ toàn băng tuyết, nơi rét nhất trái đất, ngoài chim cánh cụt thì có rất ít sinh vật nào có thể tồn tại.
Chim cánh cụt không hề sợ người, cho dù chúng đã được mang về nuôi trong công viên.
Chim cánh cụt sống theo bầy, mỗi bầy đông tới hàng ngàn con. Chúng cũng có nhiều loại khác nhau, tuy rằng hình thức bên ngoài tương đối giống nhau. Khi trưởng thành, tùy từng loài, có con chỉ nặng chừng 10kg, nhưng cũng có những con lên tới 60kg.
Giới nghiên cứu tới nay vẫn không thống nhất được chim cánh cụt có bao nhiêu loài. Người thì cho là 15 loài. Có người lại bảo 19. Sở dĩ như vậy vì do khí hậu quá khắc nghiệt nên người ta cũng khó tổ chức được những đợt nghiên cứu dài ngày, cũng như thật vô cùng gian nan nếu muốn đi hết cùng đất mênh mông băng giá đó.
Nhưng điều lạ lùng nhất đối với các nhà khoa học là trong khi đại đa số chim cánh cụt sống ở vùng băng giá thì vẫn có khoảng 3 loài sinh sống ở khu vực nhiệt đới. Thi thoảng, người ta còn bắt gặp những đàn chim cánh cụt vượt qua cả đường xích đạo để kiếm ăn và thực hiện một cuộc di cư với mục đích bí ẩn nào đó.
Trong số những loài chim cánh cụt, thì loài có tên Hoàng đế được biết đến nhiều nhất. Khi trưởng thành, chúng thường đạt chiều cao 1,1m và nặng 35kg. Còn một loài hiếm hoi rất ít khi gặp là chim cánh cụt Tiên: chúng chỉ cao khoảng 40cm và cân nặng chỉ chừng 1kg.
Một nửa thời gian chim cánh cụt sống trên mặt đất, còn lại là sống dưới nước.
Chim cánh cụt thích ứng tốt với môi trường băng giá là nhờ bộ lông rất dày, được coi là dày nhất trong tất cả các loài chim đã được ghi nhận. Bộ lông này che chắn nhiệt độ lạnh lẽo từ bên ngoài thâm nhập vào cơ thể và cũng giữ nhiệt không thoát ra ngoài.
Đáng chú ý, cũng nhờ bộ lông nhiều lớp ấy mà chim cánh cụt có thể bơi lặn thoải mái trong biển cả, không sợ bị nước ngấm vào. Chúng bơi lặn tìm thức ăn trong biển, đó là những loài nhuyễn thể, cá và các dạng sinh vật biển khác. Theo Marilien Talicood- một nhà hải dương học thì chim cánh cụt tiêu tốn khoảng một nửa thời gian trên cạn và nửa còn lại dưới lòng các đại dương.
Loài chim này có đặc điểm rất lạ lùng đối với con của mình. Khi mất con, chúng tìm cách bắt trộm con của con chim mẹ khác về nuôi dưỡng. Theo M.Talicood, điều đó chỉ có thể giải thích đây là loài chim rất yêu con, bởi hành động đó của chúng thường gặp phải sự tấn công quyết liệt của những con chim cánh cụt khác.
Theo giới khoa học, hành vi “ăn trộm” con này ngược lại với bản năng hoang dã của các loài chim, thú; vì thường là chúng tấn công con của kẻ khác chứ không bao giờ nhận đem về nuôi nấng.
Chim cánh cụt thường đi thành từng đôi trong đàn.
Phần đời đáng lo ngại nhất của một con chim cánh cụt là khi sinh ra chưa được bao lâu thì gặp một trận bão. Đó là những đợt gió quét khủng khiếp trên nền băng giá, cuốn đi những con chim non yếu ớt, chưa biết cách tự vệ. Khi bị hất ra xa khỏi đàn, rất có thể chúng không tránh được móng vuốt của kẻ thù.
Do Nam cực quá hoang sơ, quanh năm ngày tháng hoang vắng, thi thoảng lắm mới có một nhóm các nhà nghiên cứu đến. Vì vậy, chim cánh cụt cũng không hề biết sợ người. Cho dù có đến rất gần đi nữa thì chúng cũng không ngán ngại.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, loài chim này có thể giao phối quanh năm, tuy nhiên chúng chỉ thực hiện hành vi đó duy trì nòi giống theo mùa. Một con chim mái mỗi lần đẻ thường là 2 trứng, hoặc 1. Chúng ấp trứng tới 65 ngày. Sau mỗi lần ấp, con cái giảm 40-50% khối lượng. Sau khi trứng nở, con mẹ tiếp tục ủ ấm cho con non.
Chim cánh cụt là loài rất thương yêu con.
Các nhà khoa học cho rằng, rất có thể khoảng 62 triệu năm trước, ở vùng đất New Zealand, Waimaru là loài chim cánh cụt cổ nhất có cánh và biết bay.
Nhưng rồi theo thời gian, sự biến hóa một cách nào đó mà đôi cánh của chúng dần bị thoái hóa. Chúng vẫn còn cặp cánh nhưng rất ngắn, không thể vẫy để nhấc thân mình lên được. “Có chăng, hai cánh của chúng đã biến thành đôi tay chèo giúp chúng bơi lội tự do trong nước”- M.Talicood nhận xét.
Cũng do biến đổi khí hậu, nhiều loài chim cánh cụt dần bị thoái hóa, ít sinh nở và vơi hụt rất nhiều. Đến nay đã có 5 loài rơi vào danh sách nguy cơ tiệt chủng (do Hiệp hội liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế thống kê).
Nhưng, chúng cũng là loài chim có tuổi thọ khá cao, trung bình từ 15-20 năm. Sau chừng 3 năm, một con chim cánh cụt đã vào tuổi trưởng thành và chúng có thể sinh nở, nuôi con trong vòng từ 10-15 năm sau đó.
Rất đáng chú ý là loài chim này có thể uống được nước biển, chứ không uống nước ngọt như các loài chim khác. Khi ấp trứng, chim cánh cụt không hề ăn, chỉ uống nước để sống. Lúc đó, chúng dùng chất béo dự trữ trong cơ thể để duy trì sức lực.
Nhìn bên ngoài, không thể phân biệt được đâu là con mái đâu là con trống. Chỉ khi kiểm tra nhiễm sắc thể mới xác định được giới tính của chúng. Sống trong bầy đàn, chim cánh cụt giao tiếp và trao đổi thông tin với nhau qua ngôn ngữ cơ thể bằng cách sử dụng đầu và chân chèo của mình.
Người ta cũng không biết đâu là con đầu đàn, nhưng điều dó chắc chắn phải có vì chỉ như thế chúng mới duy trì được cộng đồng của mình. Nhất là khi cùng nhào xuống nước, lặn sâu, hẳn chúng phải thu phát một tín hiệu nào đó để không bao giờ lạc đàn và hoàn toàn ứng cứu được nhau khi cần thiết.
Thông thường chim cánh cụt lặn không sâu, nhưng cá biệt trong một đàn chim cánh cụt Hoàng đế, có con lặn sâu tới 550m trong vòng 20 phút.