Miễn phí qua Cầu Rác: Vẫn còn nhiều bức xúc
Sau khi có quyết định của Bộ GTVT về việc miễn 100% phí qua Cầu Rác cho người dân hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đã có gần 500 thẻ miễn phí được cấp cho các phương tiện. Tuy nhiên, người dân tại TP Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh vẫn bức xúc vì họ cũng không đi qua 1 mét đường BOT nào nhưng vẫn phải nộp phí.
Ngày 26/4, ông Lê Đình Thọ- Thứ trưởng Bộ GTVT ký văn bản số 4508/ BGTVT-ĐTCT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và TCty Sông Đà về việc miễn giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện của người dân sống hai bên trạm thu phí Cầu Rác. Cụ thể sẽ giảm 100% giá dịch vụ các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn hai huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh và TCty Sông Đà.
Khi văn bản của Bộ GTVT về đến địa phương đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân vì việc thực hiện miễn giảm phí qua Cầu Rác chưa thuyết phục. Thực tế, nhiều địa phương cũng không tham gia tuyến đường BOT nhưng không nằm trong diện được miễn giảm. Chị Nguyễn Thị Nga- một người dân tại TP Hà Tĩnh làm việc tại thị xã Kỳ Anh bức xúc: “Tôi thường xuyên lưu thông trên tuyến đường từ TP Hà Tĩnh vào thị xã Kỳ Anh, mỗi lần đi xe ô tô 4 chỗ qua trạm Cầu Rác phải đóng 35.000 đồng/lượt. Tính ra một tháng tôi phải nộp gần 2 triệu tiền phí để được đi qua trạm này, trong khi bản thân không hề sử dụng một mét đường BOT nào. Rất vô lý và không thực tế nếu tiếp tục bắt người dân TP Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh phải đóng phí”.
Không chỉ người dân mà doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Tĩnh cũng mất tiền “oan”. Trung bình mỗi năm, Cty vận tải ô tô Hà Tĩnh phải nộp hơn 430 triệu đồng phí qua trạm Cầu Rác dù 40 chiếc xe buýt của Cty này không tham gia giao thông trên tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh. Ông Trần Văn Sỹ- Giám đốc Cty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh bất bình: “Tuyến xe buýt của Cty chúng tôi có lộ trình từ TP Hà Tĩnh đến thị xã Kỳ Anh dọc theo QL1A, không hề đi trên tuyến BOT đường tránh TP Hà Tĩnh. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Cty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà thuộc TCty Sông Đà đề nghị xem xét, tạo điều kiện nhưng chỉ nhận được câu trả lời lạnh lùng: “Cảm ơn Cty đã mua vé tháng, vé quý đầy đủ… Mong quý Cty tiếp tục mua vé tháng, vé quý khi qua trạm thu phí Cầu Rác theo quy định như đã thực hiện thời gian qua”.
Gần đây nhất, Cty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh tiếp tục kiến nghị lên Sở GTVT và UBND tỉnh Hà Tĩnh về sự vô lý nói trên. “Tôi nghĩ đây có lẽ là thiếu sót của tỉnh vì đúng ra doanh nghiệp của chúng tôi phải được miễn đầu tiên. Ngay cả khi phí BOT tăng vào đầu năm 2016, Cty cũng không thay đổi giá vé xe buýt đối với hành khách mà vẫn duy trì giá cũ. Nếu lần này không được miễn phí qua Cầu Rác, buộc chúng tôi phải tính toán lại và nâng giá vé đối với hành khách đi xe buýt để cân bằng nguồn thu”- ông Sỹ nói.
Tại thị xã Kỳ Anh, người dân cũng không đồng tình. Thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh trước đây được tách từ huyện Kỳ Anh (cũ), phương tiện khi tham gia giao thông cũng như nhau nhưng chỉ mỗi huyện Kỳ Anh được miễn phí. Nói về sự vô lý này, ông Nguyễn Quốc Hà- Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: “Có lẽ khi làm văn bản đề xuất với Bộ GTVT, TCty Sông Đà vẫn nghĩ địa giới hành chính huyện Kỳ Anh đang từ Đèo Ngang ra đến trạm thu phí! Nếu trong trường hợp thị xã Kỳ Anh không được miễn giảm, chúng tôi sẽ có công văn gửi UBND tỉnh và TCty Sông Đà. Chúng tôi sẽ chỉ đạo phòng kinh tế hạ tầng gửi công văn đề nghị giải quyết kịp thời, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân”.