Khán giả đã không còn thích xem diễn hài khêu gợi
Được mọi người ví như ông trùm trong sản xuất phim hài xuân, hơn 20 năm làm nghề với đạo diễn Phạm Đông Hồng là một chặng đường gắn bó máu thịt với việc đem lại tiếng cười, niềm vui cho khán giả trong và ngoài nước.
Thẳng thắn chia sẻ về những đứa con tinh thần của mình trong dịp đầu xuân Đinh Dậu, vị đạo diễn phim hài nổi tiếng cho biết: Về 3 phim Enter, Chôn nhời 4 và Bờm, đến thời điểm này cũng gần hòa vốn rồi.
PV: Thưa đạo diễn, trong hơn 20 năm sản xuất phim hài, năm nay có phải là năm thắng lớn của ông?
Đạo diễn Phạm Đông Hồng: Không có đâu. Đĩa DVD thì công ty vừa phát hành ra cái người ta lậu luôn, lậu ngay lập tức nên có thể nói là gần như mảng phát hành đĩa là không được rồi. Chúng tôi chỉ còn dựa vào kênh phát hành online.
Năm nay là năm thứ 3 chúng tôi chính thức phát hành phim trên kênh Youtube. Nói là chính thức vì trước kia là làm một cách tự phát. Đến năm 2015 chúng tôi mới ký hợp đồng chính thức là đối tác của Youtube ở Châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi được bảo vệ bản quyền, có doanh thu từ các lượt truy cập… Tuy nhiên, kinh doanh trên Youtube không lấy được tiền ngay mà phải hết quý mới tổng kết.
Ngoài ra, công ty chúng tôi có bán bản quyền các bộ phim hài cho các đài truyền hình phát sóng. Năm nay, các đài truyền hình địa phương mua rất nhiều, trên 50 kênh phát sóng các phim hài của chúng tôi. Nhưng thường người ta cũng chỉ mới trả 2/3 tiền còn lại là chưa thanh toán ngay.
Nên đến thời điểm này, nói thật là cũng gần hòa vốn!
Tên tuổi của đạo diễn Phạm Đông Hồng gắn liền với những bộ phim hài dựng theo phong cách hài dân gian với bối cảnh xã hội phong kiến xưa. Nhưng ở Enter năm nay là một phong cách hoàn toàn khác mà vẫn được khán giả rất thích thú tìm xem. Ông lý giải điều này thế nào? Phải chăng vì phim có những cảnh “hot”?
- Tôi phải khẳng định ngay, Enter không có gì nóng bỏng đâu. Chẳng có cảnh nào sexy cả. Cảnh hở hang nhất là mặc áo 2 dây. Thế thôi! Dàn diễn viên không nổi tiếng lắm. Có Công Lý, Chí Trung… nhưng cũng chỉ đóng vai phụ thôi. Vấn đề ở đây là đề tài tương đối lạ, xem xong có cái gì để người ta nghĩ không. Tôi cho rằng khán giả cần vấn đề mới chứ không phải là cần sexy. Khán giả mình hiện nay cũng không thích xem cảnh sexy lắm đâu.
Trở lại chuyện xưa một chút, tại sao những tác phẩm của ông thường lấy bối cảnh dân gian, thời xã hội phong kiến xưa?
- Mẹ tôi trước là công tác tại một thư viện tỉnh Quảng Ninh. Bà cho tôi một tài sản khổng lồ là một giá sách toàn truyện dân gian, cổ tích. Lúc rỗi mình đọc và dần ngấm vào người lúc nào không biết. Tôi có thể tự hào nói rằng có một vốn văn hóa dân gian tương đối tốt.
Trong khi đó, thời điểm những năm 90 truyền hình đưa ra chương trình Gặp nhau cuối tuần là hài hiện đại. Lúc ấy tôi bắt đầu làm phim hài, nếu cũng làm hài hiện đại thì bị trùng lặp ngay với món ăn đã có nên tôi trăn trở nghĩ phải nấu 1 món khác hẳn đi.
Ông có thể kể lại cái thuở ban đầu ấy?
- Những năm 90 tôi còn làm phòng biên tập của Hồ Gươm Audio, lúc đó đang còn là doanh nghiệp nhà nước rất khó khăn. Tôi nhận ra bà con mình cần tiếng cười lắm. Hồi ấy là Gặp nhau cuối tuần, cứ đến tối cuối tuần là nhắc nhau về nhà xem phim. Vậy là tôi đứng ra xin Sở Văn hóa thông tin thành lập công ty, anh em tự trang trải sản xuất, tự nuôi nhau.
Đầu tiên tôi nghĩ đến làm hài vì thời điểm gần tết rồi. Râu quặp ra đời năm 1994. khi đó không ngờ chương trình được đồng bào đón nhận rất ghê gớm, gần như không in kịp đĩa bán ra thị trường. Tôi hiểu hướng đi của mình đúng. Vậy là mỗi năm tôi làm 1 cái. Gần đây là 2 cái và năm 2017 là 3 bộ phim hài đưa ra dịp tết.
Có bao giờ ông cảm thấy mình cạn ý tưởng?
- Làm nghệ thuật mà phim nọ giống phim kia thì vứt đi. Mỗi khi bí đề tài, sự tự ái trong nghề lại trỗi dậy khiến tôi luôn cố gắng để thay đổi. Mặc dù vẫn là cách thể hiện dân gian ấy còn câu chuyện kể phải khác nhau.
Một bộ phim hài sẽ được đảm bảo về mặt doanh thu nếu sở hữu dàn diễn viên nổi tiếng, thưa đạo diễn?
- Ai làm thì không biết chứ tôi làm bao giờ cũng phải tìm đúng người hợp với nhân vật trong kịch bản chứ không phải kéo diễn viên vào để cho có tên. Tôi đã suy nghĩ điều này từ lúc viết kịch bản phân cảnh và sau đó làm việc rất chi tiết với các diễn viên được mời tham gia.
Trân trọng cảm ơn đạo diễn!