Ca sĩ Tuấn Hiệp: Gạt bỏ để làm chính mình
Gặp ca sĩ Tuấn Hiệp trong quán cà phê đầy sắc màu Hà Nội tại Sài Gòn, trong thời gian nghỉ ngơi ngắn ngày dịp Tết, để chuẩn bị cho chuyến biểu diễn tới ở Canada. Vẫn bộ quần áo bò bụi phủi, cái xe máy Mobylet bé tẹo, có vẻ không vừa vặn với anh chàng cao mét tám, nhưng thêm tóc mái dài buộc túm phía sau và bộ râu lờm xờm chưa kịp cạo thành ra lại rất hợp. Tuấn Hiệp chưa quen với đường phố nơi ở mới, nhưng cũng kịp chạy xe vòng vòng quận 8 để ôn lại kỷ niệm cũ một thời tuổi trẻ trốn nhà đi bụi. A
Hẹn gặp nhiều lần, nhưng rất ít khi gặp được Tuấn Hiệp. Năm 2016 vừa qua là một năm đầy hương sắc của những chuyến lưu diễn xa nhà, chủ yếu là các nước châu Âu của anh. Đôi lần ở trong trạng thái tột cùng cô đơn, thì Tuấn Hiệp quay điện thoại phát trực tiếp hình ảnh của anh trên facebook. Có khi là hát, nhưng nhiều khi chẳng để làm gì cả ngoài đọc những comment ngay lập tức của bạn bè, rồi lại ừ hữ tắt đi, chìm vào chốn yên lặng nào đó. Thế nên, khi có ý định đưa gia đình vào định cư tại Sài Gòn, bạn bè không mấy ngạc nhiên, chỉ chúc anh những lời bình yên.
Tuấn Hiệp nói, vì ở châu Âu một mình nhiều rồi, nên chỉ cần về Việt Nam là đã thấy thân quen, trong đó có Sài Gòn. Anh cũng từng có thời gian ở đây dài ngày, vào mùa hè năm 1994, theo chân mấy ông anh giang hồ nhảy tàu xe trốn bố mẹ. Khi đi, không quên mang theo sách vở tranh thủ ôn bài. Vào, để sống, anh quăng quật làm đủ thứ bụi bờ, có khi, cũng tham gia hội nhóm đánh nhau phân chia lãnh thổ. Rồi cũng bị người nhà thấy được, gọi bố mẹ đưa về. Kỉ niệm là thế, mà từ đó, đủ thấy khát khao phá vỡ những ràng buộc, để được sống tự do với ý thích cá nhân trong anh.
Tuấn Hiệp trước đây từng là sinh viên khoa Kinh tế trường Đại học Nông nghiệp I. Giọng hát của anh dần trưởng thành theo phòng trào ca hát sinh viên. Năm 1998, Tuấn Hiệp học tiếp Học viện Âm nhạc. Trong thời gian này, anh làm đủ nghề để đảm bảo được cuộc sống của hai anh em. May mắn đầu tiên liên quan đến âm nhạc, là năm 2002, anh đạt giải nhì Tiếng hát truyền hình Hà Nội, nên đời sống nhờ thế cũng được cải thiện khi nhận nhiều lời mời biểu diễn, đồng thời, Đoàn Tổng cục Chính trị nhận về làm diễn viên hát. Đến năm 2010,Tuấn Hiệp chuyển về Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương và sau gần một năm, Hiệp xin ra khỏi biên chế. Sau đó, có thời gian mở quán, làm nhà hàng, rồi quản lý… nhưng rốt cuộc, thế nào cũng có “dan díu” với âm nhạc: “Nghề nào thì con người đấy.
Gần 10 năm trong quân ngũ tôi được rèn luyện và tiếp xúc với những kỷ cương và quy định. Điều đó giúp tôi có ý chí hơn, bản lĩnh hơn... Những năm làm giám đốc điều hành trong nhà hàng và phòng trà ca nhạc của mình thì con người tôi luôn phải căng lên để ngoại giao và tiếp xúc với khách hàng, gần như không được là chính mình - một tâm hồn nghệ sỹ khát khao tự do cháy bỏng... Rồi cũng đến một ngày tự mình quyết định gạt bỏ hết tất cả để được là chính mình, để được lang thang với niềm đam mê ca hát của mình”, Tuấn Hiệp chia sẻ về con đường đi không hề dễ dàng của mình.
Hai năm sau đó anh thấy mình đã quyết định đúng và không ân hận điều gì... Thậm chí, Tuấn Hiệp còn thấy anh chọn tự do hát theo đam mê và sở thích còn hơi muộn. “Nhưng âm nhạc thì có khi nào già và cũ đâu”, Tuấn Hiệp mỉm cười.
Nhưng rồi, lại chọn đường đi khó, Tuấn Hiệp theo dòng tân nhạc của những năm 30: “Âm nhạc thời kỳ này ảnh hưởng âm nhạc phương Tây rất nhiều và đặc biệt là ảnh hưởng âm nhạc của Pháp nên giai điệu cũng như ca từ rất hay và lãng mạn, không chỉ riêng tôi mà bất kỳ nghệ sỹ cũng như khán giả nào quan tâm tới đều mê và say sưa với chất Thơ cũng như giai điệu trong bài hát. Những nhạc sỹ như: Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Hoàng Quý,Tô Vũ... đã để lại cho thế hệ sau một kho tàng âm nhạc quý giá, luôn luôn được các thế hệ ca sĩ khai thác và người nghe đón nhận...”.
Với Tuấn Hiệp, hình ảnh của những trí thức và nghệ sỹ của những năm 30 khác với thực tại rất nhiều. Vì thế, muốn thể hiện được tâm hồn và chất thơ, sự lãng mạn trong tác phẩm thì sự nhận thức và cốt cách con người của nghệ sỹ phải đạt đc cái tâm và cái tầm giống nhau. Một nghệ sỹ muốn truyền tải được hết những ý trong tác phẩm, cái hồn trong tác phẩm thì đương nhiên phải là người sống sâu sắc và có tâm mới làm được, còn không thì chỉ là sự đánh đu và dạo chơi trong tác phẩm.
Chính vì thế, ở ngoài, sau vẻ ngang tàng của một anh chàng ưa nói thẳng, sống thật, và luôn muốn đào thoát ra khỏi những ràng buộc quẩn trí, Tuấn Hiệp chọn cho mình lối sống đơn giản, nhẹ nhàng, gần gũi. Khi lên sân khấu, thì hết sức cẩn trọng kỹ tính từ gót giày nếp áo, nền nã trong cách giao tiếp, chuyện trò với khán giả. Khi hát, anh thả hồn mình vào giai điệu. Phong thái khi biểu diễn của Tuấn Hiệp như của một nghệ sĩ từ những năm 30 của thế kỷ trước. Giọng ca của anh, ấm áp, dâng lên từ trong tim rất thành thật: “Tôi cứ bước lên sân khấu là quên hết trời đất và không còn quan tâm điều gì xung quanh nữa. Tập trung vào hát và khán giả nên tôi sân khấu nào thì cũng vậy thôi, tôi hát để phục vụ khán giả yêu thương mình chứ không phải hát để tìm vị trí, nên vị trí nào cũng không quan trọng bằng tình yêu của khán giả dành cho”, Tuấn Hiệp tâm sự.
Không chỉ sẵn sàng từ bỏ lợi danh để được là chính mình, Tuấn Hiệp đến lúc này, vẫn không hỏi trước tiền cát sê, chỉ miễn sao, là được hát cho khán giả nghe. Chất nghệ sĩ của Tuấn Hiệp đầy là ở chỗ ấy.
Tuấn Hiệp tâm sự: Trong chương trình Văn hoá Sự kiện & Nhân vật năm 2012, MC Mỹ Linh có hỏi: Hiệp hát dòng nhạc những năm 30 và tiền chiến trữ tình có phải là Hiệp đang đi sau các ca sĩ cùng trang lứa hát nhạc nhẹ? Anh đã trả lời rằng, tôi hát dòng nhạc này là bởi đi trước họ. Bây giờ có thể các bạn trẻ nghe nhạc còn trẻ thì họ tìm đến pop, rock, R&B... nhưng đến cái tuổi 35, 40 và nhiều hơn nữa họ sẽ tìm về những không gian âm nhạc trữ tình lãng mạn, du dương... và đương nhiên họ sẽ phải tìm đến âm nhạc tiền chiến, trữ tình của các thế hệ trước... Chính vì vậy dòng nhạc của những năm 30 hay sau này của các nhạc sĩ trước 75 luôn sống khỏe và có đời sống riêng của nó...
Đến 4 năm sau, thì câu trả lời đó của Tuấn Hiệp đã có những minh chứng đúng. Anh trở thành khách mời thường xuyên của những chuyến lưu diễn tại Mỹ và các nước châu Âu. Đồng thời, có mặt trên các sân khấu ca nhạc lớn trong nước. Giọng ca của anh ngày một đằm thắm, du dương, bay bổng hơn: “Mỗi một thành quả âm nhạc của mình, bằng sự lao động nghiêm túc, tôi mong muốn được khán giả đón nhận và yêu thương. Gần 20 năm trong con đường ca hát là bằng đó thời gian nỗ lực học hỏi và lao động không ngừng, để tìm ra được con đường đi riêng của mình. Có những lúc bế tắc nhưng cũng phải tự tìm cách vượt qua, gần như đơn độc trên con đường đã chọn nhưng như thế mới được là mình và bao giờ cũng vậy, luôn phải là chính mình để được hát bằng niềm đam mê...”
Hạnh phúc nhất sau mỗi đêm diễn của Tuấn Hiệp, là trở về nhà với cô con gái, cậu con trai nhỏ. Cả hai đều quấn quýt bên bố, chia sẻ và chơi cùng bố. Dù là người nghiêm khắc, nhưng Tuấn Hiệp vẫn dành sự đùa giỡn cùng con. Anh thường chia sẻ những hình ảnh đùa nghịch cùng con, và cô con gái cũng đang mang trong mình đam mê múa hát.
Khi tôi và Tuấn Hiệp tạm biệt, trời cũng đã ngả sang chiều. Sau đó, ngay trên facebook của anh đã thấy dòng status tìm chủ nhân của chiếc ví bị rơi tại quán café gần Nhà hát Lớn Thành phố.
Ở một nơi mới, cuộc sống của anh tiếp tục theo dòng chảy, cũng như con người như Tuấn Hiệp, thì luôn có bạn bè ở khắp mọi nơi. Thế nên, anh luôn có sự tự do mà không cô độc, trừ khi, muốn được một mình.