Cách mạng về nông nghiệp: Mơ ước của nông dân

Tấn Thành 04/05/2017 10:30

Với miền Trung, liên tiếp nhiều năm qua nông dân luôn đối diện với những khó khăn: thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, bão lũ càn quét cho đến dịch bệnh hoành hành, càng đắng lòng khi những sản phẩm của họ làm ra luôn đối diện điệp khúc được mùa rớt giá, được giá mất mùa. Do đó, cần phải có một cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp để người nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Gặt lúa chạy lũ ở Quảng Nam.

Thực tế khắc nghiệt

Tại tỉnh Quảng Ngãi, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, sản lượng lương thực ước cả năm 2016 đạt 472.243 tấn và chỉ đạt 97,1% kế hoạch. Còn tại Quảng Nam, năm 2016 gieo trồng được 153.200 ha, trong đó cây lương thực có hạt 100.220 ha, giảm 1.279 ha so với năm 2015; cây lúa diện tích sản xuất 86.674 ha giảm 1.750 ha so với năm 2015; năng suất bình quân ước đạt 51,6 tạ/ha, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 0,6 tạ/ha; sản lượng 447.140 tấn, giảm 14.057 tấn so cùng kỳ năm 2015. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt cả năm 2016 ước đạt 510.187 tấn chỉ bằng 98,4% so cùng kỳ năm trước.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến diện tích và sản lượng nông nghiệp giảm, trong đó có việc đất nông nghiệp tại nhiều địa phương bị lấy đi phục vụ cho những công trình, dự án. Tình trạng thủy điện chặn dòng, khiến cho những dòng sông khô kiệt về mùa nắng. Vụ hè thu thường hay thiếu nước tưới, trong khi đó hạ lưu lại bị thủy triều tấn công khiến ruộng đồng nhiều nơi bị nhiễm mặn...

Chỉ tính riêng vụ Đông Xuân 2016-2017, ngay từ đầu mùa, bà con nông dân miền Trung đã phải đối diện với nhiều khó khăn: lũ dữ cuốn trôi làm hư hại nhiều diện tích lúa, hoa màu, làm sạt lở kênh mương nội đồng, ao, hồ... Đầu năm, mưa tầm tã, cùng với đó là sâu bọ, chuột, ốc bươu vàng… liên tục tấn công ruộng đồng. Điều đó cho thấy thực trạng ngành nông nghiệp đã và đang đối diện với nhiều thách thức khắc nghiệt.

Để nông dân thoát nghèo

Vẫn tại Quảng Ngãi, mấy năm liên tiếp, dưa hấu người dân làm ra bán không ai mua, cho dù từ 10.000 đồng/1kg dưa nay chỉ còn 1.000 đồng/1kg mà không có người đến hỏi mua, nhiều bà con đành bỏ dưa hấu ngoài đồng hay hái về cho trâu bò ăn.

Không chỉ dưa hấu mà ớt cũng vậy. Tại Quảng Nam, giá ớt xuất khẩu đã giảm một cách chóng mặt từ 50 ngàn đồng/kg xuống 5 ngàn đồng/kg vào tháng 4 vừa qua khiến nhiều hộ dân trồng ớt đứng ngồi không yên. Chưa dừng lại ở đó, mới đây người nông dân phải lao đao với bí đao cũng do đại hạ giá và bí đầu ra. Thường thì với giá từ 12-15 ngàn đồng/kg có thể thu lãi từ 15- 20 triệu đồng/sào.

Còn năm nay ngay mới đầu vụ bí đao đã rớt giá thấp còn dưới 2.000 đồng/kg khiến nhiều người dân đầu tư trồng bí đao trên địa bàn điêu đứng. Mới đây nhất, bí đỏ chín đầy đồng chẳng có ai mua…

Phải nói rằng chính quyền và ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực đồng hành cùng nông dân. Thế nhưng có một sự thật nghiệt ngã, đó là sản phẩm nông dân làm ra luôn bí đầu ra.

Ông Nguyễn Đại Nam, ở xã Tam Đại, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) nói: “Làm nông bây giờ quá khổ, mùa lũ thì cánh đồng tả tơi bị cuốn trôi tất cả, mùa nắng thì nứt nẻ, đồng khô, cỏ cháy. Đó là chưa nói đến sâu bọ, chuột, rầy tấn công. Nhưng đau đớn nhất vẫn là tình trạng nông sản bán không được hay bị tư thương chèn ép”. Đó cũng lã suy nghĩ chung của nông dân ở khu vực này.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai những nhiệm vụ trọng tâm của năm nông nghiệp 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một mũi nhọn trong tái cơ cấu nông nghiệp, vì vậy các ngành, các cấp phải quyết liệt vào cuộc. Nhưng để công tác này mang lại hiệu quả cao và phát triển bền vững, ngoài việc thực hiện bài bản khâu quy hoạch, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, chuyển giao rộng rãi các gói kỹ thuật tiên tiến, tính toán kỹ lưỡng những loại cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng thì những cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm giúp đỡ nông dân trong vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chứ nếu cứ để họ tự bơi giữa cơ chế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì sẽ rất khó thành công.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1895/QĐ-TTg để thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Trong đó có các nhiệm vụ chủ yếu gồm: Tạo và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó có đề xuất nhiều hỗ trợ đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường... Cụ thể, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ cơ sở hạ tầng gồm: giao thông, điện, nước, xử lý môi trường trong hàng rào dự án; mức hỗ trợ 500 triệu đồng/ha nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án...

Nhưng thiết nghĩ, cùng với công nghệ cao thì là các địa phương cần quy hoạch đất đai bài bản, tránh tình trạng sản xuất manh mún hay tự bùng phát sản xuất dẫn đến cung quá cầu; cần nghiên cứu giống cây trồng phù hợp cho vùng miền, thổ nhưỡng, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng từ kênh mương nội đồng cho đến các đập thủy lợi để chủ động nước tưới phục vụ sản xuất.

Buộc các nhà máy thủy điện phải xả nước vào mùa hạn hán để phục vụ sản xuất và đẩy mặn. Tập trung cơ cấu lại tổ chức sản xuất, liên kết tìm đầu ra vững bền, hạn chế tối đa tình trạng tư thương ép giá và có nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân.

Có thể nói, cần phải có một cuộc cách mạng về nông nghiệp thì sản xuất của người nông dân mới mang tính chuyên nghiệp, sản phẩm mới có chất lượng cao, đầu ra mới vững bền. Người nông dân lúc đó mới có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Đó cũng là mơ ước của những người nông dân, không chỉ ở miền Trung mà cả nước.

Tấn Thành