Mạng xã hội giúp quảng bá bảo tàng
Số hóa bảo tàng, gắn kết các bảo tàng để phát triển du lịch… đang là hướng đi của các bảo tàng trong nước. Nhưng quảng bá bảo tàng thông qua mạng xã hội giờ đây đang là xu thế tất yếu. Đây cũng là một cách làm để bảo tàng chủ động tìm đến công chúng của tương lai.
Du khách tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Minh Quang.
Những “cú hích” chưa đủ mạnh
Trước khi có những cái bắt tay giữa các đơn vị bảo tàng, lâu nay nhiều bảo tàng tại Hà Nội vẫn trong trạng thái hoạt động “tĩnh”. Vì thế việc đón tiếp đều đặn vài trăm lượt khách mỗi ngày vẫn là mong mỏi, khát khao của không ít bảo tàng. Nghịch lý này đã được nhắc đến nhiều, bởi hầu hết các bảo tàng đều tọa lạc ở vị trí đắc địa giữa Thủ đô.
Nếu có ai đó nói là Bảo tàng Hà Nội ở xa trung tâm quá mà ít khách, cũng không phải, vì Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… đều nằm ngay giữa trung tâm thành phố mà khách ít vẫn hoàn ít. Nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động bảo tàng cũng đã được đưa ra, như quảng bá hoạt động trên trang web, kết nối tour tuyến trong hành trình của du khách, số hóa trưng bày bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của bảo tàng… nhưng xem ra vẫn chưa có cú hích nào đủ mạnh.
PGS. TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: Để công chúng tò mò tìm đến thì dễ, nhưng làm thế nào cho người ta quay trở lại nhiều lần mới khó. Yêu cầu đó buộc các bảo tàng phải chuyển động, thay đổi tư duy. Dẫn kinh nghiệm từ hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học, ông phân tích: sau gần 20 năm mở cửa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều “phép thử” để tìm được giải pháp hữu hiệu, xóa bỏ cách nhìn nhận buồn tẻ lâu nay về hoạt động bảo tàng.
Theo đó, ngoài việc trưng bày hiện vật, bảo tàng tìm cách tương tác với khách đến tham quan như tổ chức các hoạt động trình diễn rối nước, văn nghệ, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống... Cho đến nay, Bảo tàng Dân tộc học đã trở thành điểm đến của người dân Thủ đô. Đây cũng là hành trình không thể thiếu của những du khách nước ngoài muốn khám phá văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam ngay giữa lòng Hà Nội. Nhưng trường hợp của Bảo tàng Dân tộc học vẫn là rất hiếm.
Hay như việc ứng dụng công nghệ 3D ở một số bảo tàng Việt Nam hiện vẫn dừng ở ý tưởng. Đơn cử như hơn 1 năm trước đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Viện Goethe tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “Thiết kế chuyển động 3D cho các bảo tàng và trưng bày”.
Đây không phải là lần đầu tiên Viện Goethe chủ động mời các chuyên gia quốc tế hàng đầu về công nghệ sang Việt Nam giới thiệu việc áp dụng công nghệ 3D trong công tác trưng bày ở Bảo tàng. Mặc dù ở hầu hết các cuộc hội thảo đều có sự tham gia của đại diện của các Bảo tàng hàng đầu Việt Nam như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội… song những bài học từ cách làm bảo tàng 3D ở các nước chia sẻ với Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở những bài học lý thuyết.
Nhận định về điều này, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng hiện nay việc áp dụng công nghệ chưa thực được các bảo tàng trong nước chú trọng. Không phải cho đến bây giờ, mà dự báo về xu thế phát triển của Bảo tàng từ hơn mười năm trước, ông Đặng Văn Bài đã cho rằng để bảo tàng không khô cứng và trở thành điểm đến thì đó phải là bảo tàng của tương lai. Hơn thế, bảo tàng phải là nơi gắn kết giữa quá khứ và hiện tại chứ không đơn thuần chỉ là nơi lưu giữ hiện vật.
Không bỏ phí tiềm năng mạng xã hội
Theo thạc sĩ Quản trị văn hóa Nguyễn Đình Thành, giờ đây ứng dụng mô hình marketing thông qua mạng xã hội để quảng bá cho bảo tàng đã và đang là xu hướng trên thế giới. Ở Việt Nam, các mạng xã hội nổi bật như Facebook, Instagram, Pinterest (thiên về hình ảnh), You tube, Zalo… có nhiều lợi điểm khó thể bỏ qua như: đơn vị có quyền tự chủ hoàn toàn về nội dung, hình thức, thời điểm, tần suất đăng tin, tính tương tác cao, thời gian tương tác liên tục (thậm chí 24/7), hình ảnh đẹp, sinh động, có thể sử dụng các video để thu hút chú ý hay minh họa, có thể kiểm soát các thông tin, bình luận xấu, thông tin được đưa trực tiếp đến đối tượng công chúng mục tiêu. Chi phí quảng cáo thông qua mạng xã hội lại vô cùng nhỏ so với chi phí trên các kênh truyền thống.
Mạng xã hội cũng cho phép phân loại công chúng một cách hiệu quả. Bảo tàng có thể tạo các cộng đồng quan tâm tới chủ đề trưng bày của bảo tàng mình. Đơn cử như cộng đồng Đình làng Việt quy tụ những người quan tâm đến di sản đình chùa tại Việt Nam đang quy tụ hơn 9000 người. Thông tin về một triển lãm liên quan tới chủ đề này sẽ được hàng nghìn thành viên của nhóm biết đến chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ.
Hiện người dùng internet và mạng xã hội ở Việt Nam đang tăng nhanh. Hiệp hội Internet Việt Nam dự báo số người dùng internet ở Việt Nam vào năm 2017 là khoảng 35 triệu người.
Bên cạnh đó, nhiều mạng xã hội khác cũng được hàng triệu giới trẻ ở Việt Nam ưa thích, như: Zing Me, Google Plus, Twitter, Wordpress.com, Yume.vn, Go.vn… Hơn nữa, giờ đây những ứng dụng internet có kết nối không dây vô cùng thuận tiện và không hạn chế tốc độ truy cập đã giúp mạng xã hội phát triển các ứng dụng phụ trợ, hỗ trợ sự tương tác không hạn chế đối với người dùng trong tương lai gần.
Thực tế trên cho thấy, quảng bá hoạt động của bảo tàng thông qua mạng xã hội là việc hướng tới một lượng không nhỏ khách tham quan tiềm năng. Vì thế đây là cơ hội để các bảo tàng áp dụng thế mạnh của truyền thông mạng xã hội trong việc tự giới thiệu về bảo tàng đến với công chúng của tương lai.