Gỡ nút thắt nguồn nhân lực
Muốn kinh tế tư nhân phát triển, cần phải có một nguồn nhân lực có chất lượng, đủ lớn từ công nhân - người lao động; cho đến cán bộ lãnh đạo quản lý. Do đó phải tập trung chú trọng đào tạo phát triển đồng đều ở cả hai bộ phận này. Vì thế rất cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước với những chính sách đủ mạnh, đúng trọng tâm, trọng điểm theo nhu cầu đặt ra. PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội và TS Lê Xuân Sang- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra 2
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng: Trong kinh tế tư nhân, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực của ta đã kém rồi nhưng chất lượng kinh tế tư nhân còn kém hơn, trong đó đặc biệt là phần đào tạo nghề. Hiện nay tất cả phân luồng của ta mỗi năm đều 70-80% vào đại học. Thực ra phần về cung chúng ta cũng không đáp ứng, vì nhiều người cũng ngại đi học đào tạo nghề. Nhưng kinh tế tư nhân lại cần vì nhóm đấy chính là lực lượng công nhân kỹ thuật bậc trung.
Theo bà Hương, bây giờ chúng ta phải khớp nối lại với nhau. Nhà nước cũng đang khuyến khích phần đào tạo nghề nhưng chưa đủ độ. Nhiều người đã khuyến nghị hệ thống về đào tạo nghề thậm chí phải hỗ trợ 100% tiền học phí, bây giờ đang theo hướng đào tạo nghề là xã hội hóa, nhưng xã hội hóa chỉ với trường đào tạo nghề mạnh. Bởi xã hội hóa nó có khả năng chạy theo nhu cầu của xã hội trước mắt, còn toàn bộ hệ thống phải đi bằng hai chân. Tức là một mặt xã hội hóa những nghề nào mà xã hội quan tâm nhiều, còn một mặt những nhóm nghề rất cần cho nền kinh tế mà xã hội họ không quan tâm thì anh phải có hỗ trợ, trong đó bao gồm kể cả hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
“Bởi hiện nay đối tượng đào tạo nghề mới chỉ được hỗ trợ 30% mức đóng. Tức là chúng ta phải tạo ra những khớp nối giữa cung và cầu về công nhân kỹ thuật bậc trung cho khu vực kinh tế tư nhân, cần phải có bàn tay của Nhà nước nhiều hơn nữa. Kinh tế tư nhân phải được coi là đầu tàu về sử dụng nguồn nhân lực, hiện khu vực nhà nước chiếm 10%, còn kinh tế tư nhân chiếm đến 20% tổng lực lượng lao động. Cho nên khu vực kinh tế tư nhân phải được coi là khu vực đầu tàu về kinh tế, công nghệ mới nhưng hiện nay đào tạo nguồn nhân lực lại chưa kết nối được” - bà Hương nhấn mạnh.
Muốn phát triển kinh tế tư nhân, theo bà Hương, trước tiên phải đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh, có chất lượng. Thực hiện chính sách liên thông nhưng không phải theo kiểu bắt buộc mà liên thông để có động cơ tốt hơn, rồi hình thành hỗ trợ các ngành đào tạo nghề tốt hơn. Tức là đi bằng hai chân, những ngành nghề xã hội cần cũng như nền kinh tế cần. Ví dụ như cơ khí bậc trung rất cần nhưng người ta không muốn tham gia thì anh phải có giải pháp hỗ trợ giống như kiểu “lực hút” để họ tham gia, tạo ra liên thông để cho họ sẵn sàng học sơ cấp, trung cấp rồi chuyển lên đại học.
“Chúng ta đã liên thông nhưng vấn đề là hướng nghiệp, kết nối, và phân luồng phải giải quyết được tốt thì nó sẽ hỗ trợ được đào tạo. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo có phân luồng nhưng một mặt lại mở ra quá nhiều trường đại học. Như thế người ta sẽ đi học đại học chứ tội gì đi học nghề vì cũng từng ấy tiền như đại học”-bà Hương nói.
Liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Đề cập đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là lãnh đạo quản lý, TS Lê Xuân Sang cho rằng, đầu tiên là khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vì hiện Nhà nước vẫn có một số vốn sở hữu nằm tại các DN này. Lãnh đạo DNNN là công chức, thì ngoài học lý luận chính trị còn cần đào tạo theo nhu cầu của thị trường, vấn đề cơ bản là đổi mới cách đào tạo vì lãnh đạo DNNN là công chức nhưng cũng phải đào tạo họ học quản trị kinh doanh.
TS Lê Xuân Sang.
Vấn đề thứ hai theo ông Sang, kinh tế tư nhân cần có những chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thiết kế sao cho chọn đúng người cần, đúng lịch trình, mức độ đào tạo, đủ liều và đúng với kiến thức cần. Ông Sang cho rằng, vấn đề ở đây là làm sao để có được sự liên kết với các tổ chức đào tạo để đào tạo theo nhu cầu của xã hội, nền kinh tế. Rồi thông qua các hệ thống ươm tạo, đào tạo được các DN có tinh thần khởi nghiệp, hiểu biết về thị trường, nhưng cơ bản DN kết nối được với các đối tượng liên quan để xây dựng cho mình được chiến lược cạnh tranh thông qua hệ thống ươm tạo dành cho DN nhỏ và vừa. Do đó cần Nhà nước đứng ra.
“Hỗ trợ trực tiếp là cần có chương trình hỗ trợ DN thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu thị trường, đào tạo có tính hiệu quả cao chứ không phải chương trình nọ, chương trình kia tiêu tiền của Nhà nước mà không có kết quả gì cả. Còn hỗ trợ gián tiếp là qua hệ thống vườn ươm nhưng nó lại rất hiệu quả vì giúp DN đi vào mạng lưới, các quan hệ kinh doanh với các đối tượng liên quan từ DN với DN, với ngân hàng, rồi trao đổi về công nghệ để chuyển giao công nghệ, những ý tưởng kinh doanh”- theo ông Sang.
Ông Sang cũng cho rằng cần khuyến khích các DN có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia để họ hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước để liên kết với họ, để hỗ trợ cho họ. Đây là dạng hỗ trợ rất là mới nhưng kỳ vọng có hiệu quả trong bối cảnh bây giờ vì hiện sự liên kết giữa các DN còn nhiều yếu kém. Thế giới họ đang làm theo cách này và rất thành công.
“Ông vào nước tôi sản xuất kinh doanh thì ông cũng phải giúp tôi chứ, chẳng lẽ không giúp tôi cái gì à? Như Samsung chẳng hạn, họ xuất khẩu 30 tỷ USD nhưng đóng góp vào giá trị trong nước là quá nhỏ. Khi chúng ta yêu cầu, họ đã phải làm ngay và hiện đang làm theo cách đó”- ông Sang dẫn chứng.