Rồng Komodo
Rồng Komodo là loài bò sát máu lạnh. Những ngày nắng nóng, chúng trở nên lười nhác, tìm kiếm bóng râm để trú ẩn. Đây được coi là một loài tiền sử còn sót lại đến ngày nay và chúng cũng đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng.
Rồng Komodo được bảo tồn trong vườn thú Cincinnati.
Người ta vẫn cho rằng rồng Komodo là động vật dữ tợn, bởi lẽ con non vừa ra khỏi trứng đã tự đi kiếm ăn mà không cần sự bảo vệ của bố mẹ.
Những con Komodo non phải trải qua cuộc vật lộn vô cùng khốc liệt để tồn tại trong khoảng thời gian chừng 4 năm trước khi trưởng thành, đủ sức mạnh để tự vệ cũng như tấn công các loài khác. Không thật chính xác, nhưng trong môi trường tự nhiên rồng Komodo có thể sống khỏe mạnh từ 30 đến 50 năm.
Tới nay, người ta chỉ thấy loài rồng đất này xuất hiện ở Indonesia, nhất là trong Trung tâm Bảo tồn tài nguyên quốc gia Indonesia tại tỉnh East Nusa Tenggara. Còn vườn thú Surabaya, phía đông Java đã từng ấp 21 quả trứng rồng Komodo để có được 7 chú Komodo con.
“Có thể chỉ còn 5.000 con rồng Komodo. Như vậy, chúng đã thực sự đứng bên bờ của sự diệt vong”- Tiến sĩ Park Hy-oun, nhà nghiên cứu chuyên ngành gốc Hàn về rồng Komodo nói.
Theo bà, nếu không có sự bảo vệ tốt thì chỉ trong vòng 20 năm tới rồng Komodo sẽ biến mất.
Rồng Komodo là một loài thằn lằn lớn nhất hiện còn tồn tại trên trái đất. Khi trưởng thành, một con Komodo có thể dài tới 3 mét, nặng từ 70 đến 100kg. Giới nghiên cứu cho rằng rồng Komodo có thể là “hậu duệ” sót lại của một loài kỳ đà lớn từng sống tại Indonesia và Úc. Như vậy, tổ tiên của chúng có thể có tuổi đời tới 3,8 triệu năm.
Một con Komodo non đang tìm cách chui ra khỏi vỏ.
Với hai tuyến nọc độc ở hàm dưới, rồng Komodo là nỗi kinh hoàng cho rất nhiều động vật, kẻ cả một số loài chim. Khi đớp con mồi, nọc độc tiết ra rất nhanh và gần như ngay lập tức con mồi bị tê dại. Tuy có thân hình kềnh càng và người ta thấy chúng thường đi đơn lẻ, nhưng thực ra rồng Komodo lại có tập tính săn mồi theo bầy.
Chính vì vậy, mỗi khi chúng “bao vây” thì hầu như không một con mồi nào chạy thoát, kể cả hươu, nai. “Rồng Komodo cũng lại thích ăn xác động vật, cho nên nguồn thức ăn của chúng khá dồi dào. Có lẽ vì thế mà chúng tồn tại qua cả triệu năm, bất chấp sự biến động của trái đất, không giống như đa số các loài ăn thịt khác đã biến mất”- TS Park Hy-oun nói.
Vẫn theo bà Park, tuy rằng mùa giao phối của chúng bắt đầu từ giữa tháng 5 và tháng 8 hàng năm và đẻ trứng vào tháng 9; nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy một con rồng Komodo cái trưởng thành cứ 3 tháng lại giao phối một lần, cho đến khi thụ thai thì ngừng. Mỗi lần đẻ có thể tối đa 20 trứng.
Thời gian ấp rất lâu: có thể kéo dài từ 7 đến 9 tháng. Sau khi con nở, rồng Komodo mẹ thường tha con lên cây cao để tránh bị các loài khác, kể cả chính “đồng loại” ăn thịt. Sau chừng 1 năm, rồng con có thể xuống dưới đất đi kiếm ăn cùng rồng Komodo mẹ.
Nhưng phải tới 8 năm chúng mới thực sự thuần thục và trưởng thành. Khi ấy, một con Komodo mang trong mình sức mạnh của sự hủy diệt. “Lúc đó, nó không sợ bất cứ loài thú nào, kể cả con người”- một nhân viên vườn thú Surabaya nói, đồng thời cho biết, anh ta đã chứng kiến những con rồng Komodo sống tới hơn 30 năm.
Một con Komodo trưởng thành trong môi trường tự nhiên nặng chừng 70kg, nhẹ hơn từ 10-20kg so với những con được nuôi nhốt. Nhưng không vì thế mà chúng kém sức mạnh, mà ngược lại chúng di chuyển nhanh hơn rất nhiều và sức mạnh tấn công của chúng rất ghê gớm- vẫn nhân viên vườn thú cho hay.
Anh này cũng cho biết, khoảng gần 10 năm trước, tận mắt anh ta chứng kiến một con rồng Komodo dài tới hơn 3 mét. “Nó không thể nào nhẹ hơn 150kg. Nhưng sau đó, dù cố công tìm kiếm nhưng không thể nào tôi còn thấy lại được nó. Nó chính là mãnh thú trong những loài động vật hoang dã”.
Một nguyên nhân nữa giúp rồng Komodo có sức sống rất bền, “bất chấp sự thay đổi của khí hậu” là nhờ vào các vảy cứng chứa xương nhỏ làm nên bộ da, giống như một bộ áo giáp sắt tự nhiên. Cách cấu tạo ấy cũng giúp chúng điều hòa nhiệt độ cơ thể rất tốt.
Một cuộc giao chiến giữa hai con Komodo đực.
Còn một nhân viên khiếm thị của Sở thú London - Joan Proctor - nhận xét rằng thính giác của rồng Komodo rất tinh, mặt khác nó có trí khôn đáng ghi nhận. Bằng chứng là anh ta có thể gọi rồng Komodo, và nó đã nghe theo.
Vẫn theo Joan Proctor, lưỡi của rồng Komodo hết sức đặc biệt, nó thường đung đưa chiếc lưỡi rất dài từ bên này sang bên kia như một động tác thăm dò. Chính vì thế, nó có thể ngửi được mùi của một xác thối cách xa từ 4-5km.
Một vài nơi trên thế giới người ta vẫn bắt gặp rồng Komodo, nhưng nơi tập trung đông nhất, được coi là “quê hương” của chúng lại chính là hòn đảo cùng tên: đảo Komodo của Indonesia. Đây là một trong 17.508 hòn đảo của quốc gia này. Đảo rộng 1.800km², nhưng chỉ có chừng 2.000 dân.
Người dân trên đảo khá thân thiện với những con thằn lằn khổng lồ này, nhưng mặt khác họ không quên mất cảnh giác với chúng, vì đã từng có trường hợp chúng tấn công người, tha đi những đứa trẻ con khi chúng tha thẩn trên bãi biển.
Komodo là loài thằn lằn cổ đại sống được cả trên cạn lẫn dưới nước. Ở dưới nước, chúng là những “kình ngư” có hạng với tốc độ bơi khá nhanh, thêm nữa chúng lại có thể lặn sâu tới 5m trong thời gian dài. Đó là lúc chúng đi săn mồi một cách miệt mài.
Nhưng tới nay, rồng Komodo cũng đang đứng trước tai họa tuyệt chủng bởi số lượng giảm sút nhanh chóng không có dấu hiệu phục hồi.
Tại Indonesia, hiện có khoảng 3.500 con Komodo, nhưng trong số đó lại chỉ có 350 con cái. Sự chênh lệch quá lớn như vậy đã gây ra những cuộc tàn sát lẫn nhau giữa các con đực để tranh giành quyền giao phối; cũng như số con non được sinh ra quá ít.
Thêm nữa, vòng đời của rồng Komodo cái chỉ bằng 1/2 con đực nên thời gian sinh sản của nó cũng rất ngắn, dẫn đến việc tăng đàn là rất khó.