Tái diễn cảnh dân ‘vây’ trạm BOT cầu Rác bằng tiền lẻ
Hàng trăm người dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đi ô tô mang theo băng rôn, khẩu hiệu cùng tiền lẻ đến trạm BOT cầu Rác để phản đối việc họ không được giảm phí. Để đảm bảo lưu thông trên QL1A, chủ đầu tư buộc phải mở barie cho các phương tiện qua lại tự do.
Hàng trăm xe ô tô của người dân thị xã Kỳ Anh tập trung tại trạm BOT cầu Rác vào sáng 4/5.
Khoảng 8h sáng 4/5, hàng trăm người dân từ thị xã Kỳ Anh đi ô tô treo băng rôn với nội dung “Nhân dân thị xã Kỳ Anh không đi đường BOT tại sao phải trả phí?” ở đầu xe và tập trung tại trạm thu phí BOT cầu Rác (huyện Cẩm Xuyên) để phản đối việc giảm phí không hợp lý.
Để tỏ rõ sự bất bình, người dân điều khiển xe đi chậm khi gần đến trạm thu phí và dùng tiền lẻ mệnh giá từ 500 đồng đến 2.000 đồng để mua vé qua trạm. Việc này khiến giao thông trên QL1A ùn tắc kéo dài.
Dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm.
Để đối phó với tình trạng ách tắc giao thông, nhân viên tại trạm thu phí BOT cầu Rác phải mở barie, không thu phí và để các phương tiện lưu thông tự do.
Mặt khác, lực lượng Công an huyện Cẩm Xuyên, Công an thị xã Kỳ Anh cùng Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã được huy động đến để phân luồng, điều tiết giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.
Theo người dân, sau khi có quyết định của Bộ GTVT về việc giảm 100% phí qua trạm BOT cầu Rác đối với phương tiện có địa chỉ tại huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh mà không “đả động” gì đến việc giảm cho người dân thị xã Kỳ Anh nên họ tập trung tại trạm để phản đối.
Giao thông ách tắc nhiều giờ liền.
Người dân thị xã Kỳ Anh đề nghị trạm BOT cầu Rác một là phải di chuyển đi nơi khác, hai là phải miễn phí hoàn toàn cho họ. Vì họ không hề đi 1 mét đường BOT nào nhưng vẫn phải nộp phí.
Trước đó, ngày 28/4, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh đã ký công văn số 521/UBND-QLDT&KT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và TCty Sông Đà. Công văn nêu rõ: Thị xã Kỳ Anh là đơn vị hành chính được chia tách trên cơ sở huyện Kỳ Anh cũ theo nghị quyết 903/NQ-UBTVQH13, như vậy các phương tiện trên địa bàn thị xã Kỳ Anh khi lưu thông qua Cầu Rác cũng không tham gia tuyến đường BOT cũng giống như phương tiện của huyện Kỳ Anh nhưng lại không nằm trong diện được miễn giảm.
Lực lượng CSGT được huy động đến điều tiết phân luồng đường.
Sau khi nắm bắt được tình hình người dân và các doanh nghiệp hoạt động vận tải trên địa bàn rất bức xúc, phản đối việc giải quyết như vậy chưa thuyết phục và đã đề xuất kiến nghị lên UBND thị xã Kỳ Anh.
Để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, UBND thị xã Kỳ Anh đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và TCty Sông Đà kịp thời có văn bản đề xuất gửi các bộ, ngành liên quan sớm miễn giảm giá dịch vụ tham gia đường bộ đối với tất cả các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn thị xã Kỳ Anh giống như huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh.
Văn bản của UBND thị xã Kỳ Anh kiến nghị đến UBND tỉnh và TCty Sông Đà.