Báo động tình trạng hành hung nhân viên y tế

PV 05/05/2017 08:05

Vấn đề an ninh bệnh viện nói chung và hành hung nhân viên y tế nói riêng đã trở thành vấn đề nóng mà Bộ Y tế và các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều trong thời gian qua.

Các vụ hành hung vẫn đang tiếp tục diễn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện; ảnh hưởng đến tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế.

Ảnh minh họa.

Vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế diễn ra mới đây nhất vào tối 29/4 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Nạn nhân là Phạm Lê Tùng, là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đang thực tập tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện.

Tối hôm đó, như thường lệ, Tùng trực và giúp đỡ bệnh nhân theo lịch phân công. Lúc đó, bệnh nhân Bùi Thế Sơn (26 tuổi, xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) bị tai nạn và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cấp cứu.

Theo chỉ định, bệnh nhân được đưa đi chụp chiếu để xác định thương tích. Trong lúc chờ người đi lấy cáng, Tùng túc trực bên cạnh để đưa bệnh nhân lên cáng. Lúc này, một nam thanh niên là người nhà bệnh nhân vẫy Tùng lại bảo: “Mày vào bế thằng bạn tao đi chụp”. Tùng nói, người nhà bệnh nhân chờ một chút để cáng tới sẽ bế bệnh nhân lên. Vừa nghe xong, người thanh niên trên trợn mắt rồi liên tiếp tát, chửi và dọa dẫm Tùng...

Ngày 16/4/2017, một bác sĩ của bệnh viện đa khoa Thạch Thất bị người nhà bệnh nhân hành hung ngay tại phòng hành chính khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa Thạch Thất (Hà Nội).

Bác sĩ D, Phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện, trưởng kíp trực của ngày 16/4, khi vừa giải thích tình trạng bệnh của bệnh nhi nhập viện vì viêm họng và tiêu chảy do virus cho gia đình xong, đang cúi xuống viết bệnh án thì bị bố của bệnh nhi dùng cốc đánh vào đầu.

Cú đánh quá mạnh khiến bác sĩ D ngất tại chỗ, đầu có 2 vết thương, phải khâu 7 mũi và đang theo dõi chấn thương sọ não. Bác sĩ D. là một bác sĩ trẻ, hiền lành, chuyên môn hồi sức cấp cứu tốt và đã tình nguyện về công tác tại bệnh viện được 3 năm.

Trước đó, khoảng 21h ngày 15/2/2017, Khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận bệnh nhân Lý Văn Quang (25 tuổi) bị tai nạn giao thông.

Khi đang làm các thủ tục cấp cứu, chị Nguyễn Thị Lan (38 tuổi), điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu bất ngờ bị một thanh niên đi chung với Quang tấn công. Ban đầu, thanh niên này đánh vào đầu, mặt chị Lan, sau đó tiếp tục lấy một chiếc ghế inox loại lớn phang vào người chị...

Đây chi là ba trong số hàng loạt các vụ tấn công nhân viên y tế trong thời gian qua. Tình trạng nhân viên y tế bị bạo hành ngày đang ngày càng có xu hướng gia tăng làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên y tế cũng như chất lượng khám, chữa bệnh.

Tại Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, tham luận của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) đã nhận diện rõ 2 nguyên nhân để xảy ra tình trạng mất trật tự, an ninh bệnh viện, đe dọa sự an toàn của cán bộ y tế. Đó là, về phía cán bộ y tế, phía bệnh viện, do tình trạng quá tải, người bệnh đông, phải xếp hàng, chờ đợi lâu.

Trong khi đó, cũng có những cán bộ y tế tinh thần thái độ, lời ăn tiếng nói, phong cách, thái độ ứng xử với người bệnh chưa được hòa nhã, phù hợp, gây những bức xúc cho người bệnh, người dân; thậm chí có cả những hành vi tiêu cực trong bệnh viện.

Về phía xã hội, nhiều người bệnh, người dân nhận thức chưa đúng, chưa cảm thông với điều kiện khó khăn của bệnh viện, không có thói quen xếp hàng, chờ đợi. Một số cá nhân lợi dụng đặc thù ngành Y tế, có những đòi hỏi quá mức, có hành vi ứng xử không đúng mực với nghề thầy thuốc.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã bày tỏ bức xúc cho rằng, nhân viên y tế vì vấn đề y đức nên không thể đánh trả lại bệnh nhân hay người nhà họ, dù bị hành hung. Đó là một nghịch lý khiến nhân viên y tế khó bảo vệ mình. Còn bệnh nhân và người nhà lại sẵn sàng trút bức xúc lên nhân viên y tế - những người không được phép phản kháng…

Điều 26 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân đã quy định rõ: Mọi tổ chức và công dân có trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế khi họ làm nhiệm vụ. Luật cũng nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ… Tuy nhiên, các hình thức xử lý chưa đủ mạnh, các vụ việc hành hung cán bộ y tế vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, pháp luật của Việt Nam chưa có quy định bảo vệ trực tiếp và quyền lợi của nhân viên y tế trong khi thi hành nhiệm vụ khám chữa bệnh. Các cán bộ y tế bị chửi, bị hành hung vẫn phải cắn răng chữa trị cho người đang chửi mình, vừa hành hung mình... Vì thế, mới đây, Bộ Y tế đã đề ra hàng loạt các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh bệnh viện, ngăn chặn triệt để tình trạng hành hung cán bộ y tế.

PV