Dân khổ vì ô nhiễm

Đức Sơn- Thanh Huyền 05/05/2017 09:30

Nhiều năm qua, người dân phố An Thượng (phường An Tảo, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) chịu đựng cuộc sống khốn khổ do ảnh hưởng của khói bụi phát ra từ Công ty CP Nhựa Hưng Yên, đã kêu cứu khắp nơi nhưng chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết triệt để.

Người dân tố Công ty cổ phần nhựa Hưng Yên gây ô nhiễm môi trường.

Cuộc sống đảo lộn

Hàng chục năm nay, kể từ khi Công ty CP Nhựa Hưng Yên bước vào hoạt động sản xuất đã khiến cuộc sống của người dân khu phố An Thượng, phường An Tảo bị đảo lộn. Theo ông Tạ Quang Cảnh - Trưởng khu phố An Thượng, do Công ty Nhựa Hưng Yên phát ra mùi khó chịu nên người dân ở đây bức xúc lắm. Hiện khu phố có gần 30 người bị ung thư, trong đó, nhiều nhất vẫn là ung thư phổi.

“Ban ngày thì mùi khét lẹt, hôi thối bao trùm khu dân cư khiến chúng tôi ho sặc sụa. Nhiều lúc mùi nặng quá phải di tản đi nơi khác để thở. Ban đêm thì máy móc chạy ầm ầm khiến nhân dân mất ăn, mất ngủ. Người dân ở đây khổ lắm rồi, đơn gửi đi nhiều mà không được chính quyền quan tâm, giờ chẳng biết kêu ai nữa”-một người dân sống sát Công ty CP Nhựa Hưng Yên than thở.

Nói về vấn đề nêu trên, ông Lê Thanh Tùng - Chủ tịch UBND phường An Tảo khẳng định, Công ty CP Nhựa Hưng Yên hoạt động ngay tại địa bàn khu dân cư thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến môi trường. Người dân cũng có ý kiến như vậy ra phường từ lâu, nhưng giờ phường không có thẩm quyền giải quyết nên đã báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên.

Vòng vo trách nhiệm

Được biết, ngày 9/2/2015, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã có Quyết định số 133 xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Nhựa Hưng Yên với số tiền phạt là 200 triệu đồng.

Theo đó, Công ty này bị phạt vì hành vi không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với Dự án sản xuất túi nhựa tại trụ sở 91 Nguyễn Văn Linh, phường An Tảo, TP Hưng Yên.

“Trước kia là Công ty liên doanh sản xuất mút xốp, khoảng 7 năm nay chuyển sang sản xuất túi nhựa nhưng không được UBND tỉnh Hưng Yên đồng ý cho thực hiện dự án nên không có giấy phép đầu tư. Do đó, không đủ điều kiện nên Bộ TN&MT không phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường” - một lãnh đạo Công ty CP nhựa Hưng Yên thừa nhận.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện thanh tra Sở TN&MT Hưng Yên lại cho rằng: “Trước đây, Công ty này được Bộ TN&MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường cho Dự án sản xuất mút xốp, do đó, khi chuyển đổi sang sản xuất túi nhựa thì công ty phải có trách nhiệm báo cáo Bộ để được phê duyệt dự án mới. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT là cơ quan phê duyệt thì Bộ phải thanh tra và giám sát, chứ Sở TN&MT Hưng Yên chỉ giám sát những đơn vị mà Sở phê duyệt”.

Ngoài ra, theo tìm hiểu được biết, khi Công ty này hết hạn thuê đất, ngành chức năng tỉnh Hưng Yên cũng xử lý một cách rất lạ. Cụ thể, công ty CP Nhựa Hưng Yên được UBND tỉnh Hưng Yên cho thuê 22.345,8 m2 đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp có thời hạn 20 năm kể từ ngày 2/11/1996 đến 2/11/2016 để làm trụ sở sản xuất.

Hết thời hạn cho thuê, 20/1/2017, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Văn bản số 135 thông báo về việc hết thời hạn thuê đất của Công ty này. Đồng thời, yêu cầu Công ty dừng ngay việc sản xuất, di chuyển tài sản trên đất, trả lại mặt bằng cho tỉnh quản lý trước ngày 30/6/2017.

Đến 23/1/2017 (3 ngày sau), UBND tỉnh Hưng Yên lại có Quyết định số 20/QĐ–UBND chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Nhựa Hưng Yên thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ chất dẻo trong thời hạn 50 năm ngay trên diện tích đất 22.345,8 m2 tại phường An Tảo mà chính UBND tỉnh Hưng Yên đã có Văn bản 135 thông báo không gia hạn cho Công ty này thuê tiếp trước đó.

2 ngày sau, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục có Văn bản số yêu cầu tạm dừng thực hiện Quyết định số 20/QĐ–UBND nêu trên. Vậy là chỉ vẻn vẹn có 5 ngày, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành 3 văn bản có nội dung trái ngược nhau khiến người dân địa phương không biết nên tin vào đâu.

Mong mỏi lớn nhất của người dân là ngành chức năng vào cuộc giải quyết triệt để, trả lại môi trường sống trong lành cho bà con.

Đức Sơn- Thanh Huyền