Góp ý cho Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể: Lường trước những khó khăn khi thực hiện
Theo dự thảo, chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Để thực hiện tốt giai đoạn định hướng nghề nghiệp đòi hỏi cần có một đội ngũ giáo viên kỹ thuật đảm bảo số lượng và chất lượng.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho những cơ sở đào tạo giáo viên kỹ thuật.
PGS TS Đỗ Văn Dũng.
Đồng bộ hóa giữa phổ thông và đại học
Đánh giá về dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, chương trình phổ thông lần này không tập trung vào những môn học truyền thống như toán, lý, hoá nhiều nữa mà có thêm những môn mới như công nghệ, hướng nghiệp, công nghệ thông tin, khởi nghiệp... Đi kèm với các môn học này là việc hình thành kỹ năng và đổi mới phương pháp.
“Năm nào nhà trường cũng tổ chức nhiều đợt tư vấn tuyển sinh tại các trường phổ thông, qua những đợt tư vấn này, tôi nhận thấy rằng, học sinh phổ thông hầu như chỉ tập trung vào học 3 môn thi dẫn tới học lệch nhiều và khi lên đại học, kiến thức của những mảng khác bị thiếu hụt khá nhiều.
Chương trình phổ thông mới giúp khắc phục những hạn chế của các em hiện nay và sẽ tạo ra những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho các em trong giai đoạn mới, giai đoạn số hoá, tự động hoá và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” - Ông Dũng cho biết.
Chia sẻ về nội dung chương trình đào tạo giữa bậc phổ thông và bậc đại học hiện nay, ông Dũng cho rằng, chương trình phổ thông mới sẽ là cơ sở cho các trường đại học thiết kế lại chương trình phù hợp để hai bên phải đồng bộ với nhau.
Theo ông Dũng, ở Việt Nam hiện nay việc liên thông giữa trung học và đại học chưa được đề cập đến, trong khi, các nước khác đã làm rồi. Vì vậy, trên cơ sở chương trình phổ thông mới, các trường đại học cần có trách nhiệm thiết kế lại chương trình, đảm bảo sự liên thông nhịp nhàng từ trung học lên đại học.
Thậm chí các trường nên sẵn sàng công nhận tín chỉ cho một số trường phổ thông. Những nội dung nào các em đã được học ở phổ thông thì không phải phải học lại ở đại học nữa.
Cần sự chia sẻ từ các trường nghề
Cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tạo ra đột phá cho giáo dục, đào tạo song PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng lường trước những khó khăn khi chương trình đi vào thực hiện. Thứ nhất là đội ngũ giáo viên. Theo ông Dũng, giáo viên phổ thông lâu nay vẫn chú trọng dạy những môn truyền thống. Khi bắt đầu chuyển đổi sang dạy những môn mới sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải trải qua các lớp bồi dưỡng, đào tạo vừa giúp cho các thầy cô thay đổi phương pháp, vừa trang bị kiến thức mới để có thể đáp ứng được yêu cầu mới.
Đào tạo giáo viên công nghệ cũng đặt ra cho các trường ĐH SPKT những vấn đề lớn. Bởi vì nhu cầu giáo viên không chỉ dành cho các trường phổ thông mà khi thực hiện chương trình mới theo định hướng phân luồng từ THCS rất nhiều em sẽ không tiếp tục lên học trung học phổ thông mà sẽ qua các trường nghề. Như vậy nhu cầu giáo viên cho các trường nghề cũng rất lớn.
Thứ hai, chương trình mới không thể dạy chay như trước, vì các môn công nghệ kỹ thuật phải có thực hành, thí nghiệm để các em đam mê, làm quen. Các trường THPT sẽ gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ việc xây mới phòng ốc, đầu tư thiết bị sao cho hiệu quả, cho tới người sử dụng thiết bị, nếu không cân nhắc lường trước sẽ dẫn tới lãng phí.
“Theo tôi, không nên đầu tư dàn trải mà nên chia sẻ nguồn lực. Hiện nay, có hàng ngàn trường THPT, trường nào cũng trang bị thì làm sao đáp ứng được. Vì vậy, cần sự chia sẻ về thiết bị giữa các trường nghề. Ví dụ, học môn công nghệ, các trường THPT có thể tổ chức mượn cơ sở của các trường nghề, trường CĐ, ĐH lân cận” - Ông Dũng nêu ý kiến.
Chia sẻ về những việc Trường ĐHSPKT TP HCM đang làm để tham gia tích cực đồng hành cùng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết: “Bộ GD-ĐT đang triển khai dự án ETEP đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng lại giáo viên các trường sư phạm.
Mới đây các trường sư phạm kỹ thuật và sư phạm đặc thù như sư phạm nhạc họa, sư phạm nghệ thuật cũng đã được đưa vào thành phần tham gia dự án.
Chúng tôi sẽ tham gia tích cực vào dự án này để có một đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Đồng thời sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các trường phổ thông để đào tạo bồi dưỡng giáo viên cho các trường kịp thời đón đầu đổi mới”.