Phản biện xã hội dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015
Ngày 5/5, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực; GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật; Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Cụ thể hóa nhóm các tội về xâm hại tình dục
Tại hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận để phản biện đối với một số nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 về vấn đề lồng ghép giới, các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em; trách nhiệm hình sự pháp nhân; vấn đề tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội; chính sách hình sự liên quan đến thị trường tội phạm quốc tế và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam giữ người trái pháp luật…
Góp ý về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người đủ 14 tuổi đến 16 tuổi đối với tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật bày tỏ đồng tình với việc xử lý hình sự đối với trẻ em từ 14 đến 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Mặc dù Bộ luật Hình sự 2015 đối với 3 tội có ý gây thương tích, tội hiếp dâm, tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản trẻ vị thành niên từ đủ 14 đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự cả về tội phạm ít nghiêm trọng để đáp ứng đòi hỏi đấu tranh phòng chống tội phạm với 3 loại này, tuy nhiên theo GS.TS Trần Ngọc Đường để đấu tranh phòng chống tội phạm đối với trẻ em nói chung phải sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp từ giáo dục, quản lý, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội chứ không nên tuyệt đối hóa các biện pháp hình sự. Sớm bôi đen lý lịch tư pháp của lứa tuổi 14-16, từ đó các em khó có điều kiện để phát triển.
GS.TS Trần Ngọc Đường cũng đề nghị đối với Luật hình sự - Luật có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân về các vấn đề rất thiết thân như danh dự, nhân phẩm tài sản và cả tính mạng con người cần quy định càng chi tiết, càng cụ thể minh bạch định lượng rõ ràng. Phải phấn đấu càng nhiều quy định được lượng hóa từ định tính “hậu quả nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn” sang định lượng cụ thể.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội bày tỏ, Bộ luật Hình sự 2015 phải cụ thể hóa, điều chỉnh một số quan hệ xã hội phát sinh để đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Đối với nhóm các tội về xâm hại tình dục hiện tại Bộ luật Hình sự 2015 đang mở rộng hành vi phạm tội về các nhóm tội này nhưng chế tài vẫn giữ nguyên khung hình phạt là không phù hợp.
Tội hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi thực tế hiện nay đang xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhiều mối quan hệ gia đình, xã hội. Tuy vậy, Bộ luật không nên quy định chi tiết sẽ dẫn đến bỏ sót hành vi xâm hại cần trừng trị. Bên cạnh đó hiện nay tội phạm ấu dâm, tội dâm ô, đồng tính, chưa được quy định trong luật, cần bổ sung để Luật theo kịp thực tiễn xã hội.
Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban chính sách pháp luật Trung ương Hội LHPN Việt Nam nêu thực tế các tội phạm xâm phạm tình dục phụ nữ nhất là xâm hại tình dục trẻ em gái đang có xu hướng gia tăng và đáng báo động.
Các vụ xâm hại tình dục trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên phần lớn dư luận xã hội hiện nay vẫn cho rằng xâm hại tình dục là vấn đề nhạy cảm, nhiều gia đình nạn nhân vì giữ gìn danh dự, tương lai cho con hoặc bị đe dọa nên không tố giác tội phạm hoặc tố giác rồi lại thương lượng hòa giải rút đơn kiện. Trong trường hợp đó người thực hiện hành vi phạm tội được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Đặc thù của loại tội phạm này thường diễn ra nhiều lần, với nhiều người, nếu không xử lý kịp thời hoặc không được xử lý thì đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đề nghị không áp dụng biện pháp hòa giải, thương lượng đối với các tội phạm xâm hại tình dục để tránh bỏ lọt tội phạm gây bức xúc cho xã hội”, bà Nguyễn Thanh Cầm nêu ý kiến.
Nghiêm khắc đối với tội phạm về ATTP
PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Ban cải cách tư pháp Trung ương đề nghị cần thiết phải sửa đổi Điều 137 - Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Theo bà Hà, an toàn thực phẩm là vấn đề của toàn xã hội, hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng là hành vi xâm phạm trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của toàn xã hội.
Bộ luật Hình sự đã có quy định tại Điều 317 về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát hiện tội phạm kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh.
“Loại tội phạm này phải quy định hình phạt nghiêm khắc nhất, song điều 317 lại chưa đưa ra những biện pháp xác định trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc, hình phạt cao nhất là 20 năm tù còn được cho là chưa thỏa đáng, chưa tương tương xứng với hậu quả”, bà Hà nêu ý kiến.
Cũng theo bà Hà, việc quy định về hậu quả sẽ dẫn đến khó chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án vì hậu quả của loại tội phạm này không thể phát hiện ngay được mà sau 5-10 năm mới phát sinh các loại bệnh nặng. Đây là vấn đề được đặt ra, đòi hỏi quá trình sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 phải quan tâm.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 là dự án Luật quan trọng có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân được nhân dân quan tâm và có nhiều ý kiến.
Chính vì vậy thực hiện quy định của Hiến pháp 2013 và các quy định của Luật MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 để giúp Ban Thường trực có những ý kiến xác đáng góp phần vào việc hoàn thiện dự thảo Luật.
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực trân trọng tiếp thu những ý kiến tâm huyết của các đại biểu góp ý phản biện vào dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 xung quanh quan điểm sửa đổi Bộ luật Hình sự, vấn đề lồng ghép giới, các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em; trách nhiệm hình sự pháp nhân; vấn đề tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội; chính sách hình sự liên quan đến thị trường tội phạm quốc tế và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam giữ người trái pháp luật…
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu, đại diện các tổ chức thành viên sẽ tổng hợp thành bản phản biện của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để gửi tới Ban soạn thảo qua đó hoàn thiện Bộ luật Hình sự theo hướng sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán trong các quy định của Bộ luật, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.