Festival Mỹ thuật trẻ 2017: Kỳ vọng sân chơi nhiều công chúng

Minh Quang 06/05/2017 09:35

Được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, với tiêu chí khuyến khích nội dung sáng tác mang tính phát hiện và có sự tiếp cận của thế hệ trẻ, đặc biệt là khuyến khích các ý tưởng mới lạ, độc đáo- Festival Mỹ thuật trẻ 2017 diễn ra vào tháng 10 tới đây đang được kỳ vọng sẽ mang đến một luồng gió mới cho đời sống mỹ thuật hiện nay.

Festival Mỹ thuật trẻ là sân chơi của các nghệ sĩ từ 18-35 tuổi, nơi họ được khích lệ sáng tạo và thể nghiệm những khuynh hướng sáng tác mới. Ông Vi Kiếm Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNA&TL) kỳ vọng: Giờ đây cùng với sự phát triển của nghệ thuật hội họa, điêu khắc, đồ họa…, các hình thức nghệ thuật đương đại như: sắp đặt, trình diễn, video art... cũng đang phát triển ngày càng đa dạng, Festival Mỹ thuật trẻ 2017 sẽ là hoạt động để các nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật, trưng bày, giới thiệu những tác phẩm, các sáng tạo mới.

Nếu đánh giá tổng thể Festival Mỹ thuật trẻ bắt đầu được tổ chức từ năm 2007 đến nay, có một thực tế dễ nhận thấy là những sáng tạo nghệ thuật có chất lượng hơn, song vẫn thiếu vắng công chúng đến với Festival Mỹ thuật trẻ nói riêng và hoạt động mỹ thuật nói chung. Những hoạt động sôi động đúng như tên gọi của chữ “Festival” đã thu hút được đông đảo công chúng lại chỉ diễn ra trong ngày khai mạc. Sau Lễ khai mạc, không khí ảm đạm, vắng khách.

Nhiều phân tích về thực trạng này đã được đưa ra. Đó là lâu nay họa sỹ vẫn “độc hành” trên đường đi của mình, từ đầu tư mua vật liệu sáng tác, quảng bá tác phẩm, tìm kiếm địa điểm triển lãm rồi lưu kho tác phẩm của mình. Khó khăn là như vậy, nhưng khi triển lãm được mở ra thì khách tham quan chủ yếu là khách mời, bạn bè, vẫn là những người làm nghề đến với nhau trong dịp khai mạc còn sau đó là sự vắng vẻ triền miên.

Các triển lãm định kỳ toàn quốc, hay triển lãm khu vực của Hội Mỹ thuật cũng chung tình trạng chợ chiều như vậy. Những hoạt động tương tác để thu hút công chúng xung quanh hoạt động triển lãm vẫn là những khoảng trống. Vì vậy, có thể nói rằng các hoạt động triển lãm mỹ thuật diễn ra chưa mang lại được những hiệu quả như mong muốn…

Điều này có khiến người làm nghề thấy băn khoăn, chạnh lòng không? Hẳn là có. Nhưng theo phân tích của họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Thật sự để có công chúng nghệ thuật đông đảo thì cần ở nhiều khâu. Trong đó, quan trọng là người Việt Nam chưa có nhu cầu đến với các bảo tàng mỹ thuật bởi ở các nhà trường, chúng ta mới chỉ dạy các em nhỏ kỹ năng tô màu, vẽ chứ chưa dạy cách thưởng thức nghệ thuật và khơi dậy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Còn họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng để những hoạt động Festival Mỹ thuật trẻ hấp dẫn công chúng, cần làm cho festival sôi động hơn nữa chứ không nên chỉ tổ chức những triển lãm thông thường.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, nhiều người trong giới lại cho rằng, ngoại trừ nghệ thuật trình diễn sắp đặt đã ngày càng khẳng định chỗ đứng chắc chắn, cùng tồn tại với các loại hình hội họa truyền thống của Việt Nam thì trình diễn, body art, body painting… dù có xuất hiện nhiều hay không tại các sân chơi trẻ cũng không hẳn là điều cần quá bận tâm. Điều quan trọng là chất lượng và những đột phá từ các ý tưởng mới mẻ. Do đó, sức sáng tạo và nhiệt huyết từ các nghệ sĩ trẻ ở Festival sắp tới đang được kỳ vọng là sẽ thổi vào đời sống mỹ thuật một luồng gió mới, đủ sức hấp dẫn cả các tài năng mỹ thuật tham gia, cũng như công chúng yêu thích và đam mê nghệ thuật.

Minh Quang