Sống khổ trong vùng lõi vườn quốc gia
Trong vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Bến En (Thanh Hóa) có 9 thôn với hàng trăm hộ dân thuộc 3 xã của huyện Như Xuân sinh sống ở đây từ nhiều đời nay. Khi VQG được thành lập, mặc nhiên cư dân của 9 thôn này phải chấp hành những quy định nghiêm ngặt đối với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, hệ luỵ lớn nhất là bà con không được cấp quyền sử dụng đất lâu dài dẫn tới việc phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn...
Căn lều trông coi hoa màu của gia đình anh Luận bị phá dỡ.
Khổ vì rừng vàng
Lúa, ngô, sắn có giá trị kinh tế thấp, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên thì được trồng còn những loại cây lâu năm có giá trị như cao su, keo… thì bị cấm hoặc nếu trồng sẽ không cho khai thác. Đó là thực trạng đang diễn ra tại khu vực vùng lõi của VQG Bến En, đẩy người dân vào vòng luẩn quẩn chưa tìm ra lối thoát. Ông Hà Văn Tiệp - Trưởng thôn Xuân Đàm, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) kể: Gia đình anh Nguyễn Văn Luận, muốn dựng cái lều lợp phibro ximăng kiên cố để trông nương rẫy bị kiểm lâm phá bỏ, không cho làm. Anh Vi Văn Hải thuê máy ủi san đất làm nền nhà cho con trai lấy vợ ra ở riêng đã bị kiểm lâm phạt 3 triệu đồng. Ông Ngân Văn Tròn dùng tấm pro-xi-măng lợp mái lều trông coi ao cá cũng bị kiểm lâm yêu cầu dỡ bỏ…
Già làng Lô Văn Thiệu nói: “Chúng tôi đến đây khai khẩn mở rộng đất hoang để lập làng từ năm 1987. Năm 1992 VQG Bến En mới được thành lập, thôn chúng tôi và một số thôn khác bị quy hoạch nằm trong vùng lõi của rừng. Hàng trăm hộ dân trong vùng lõi VQG Bến En đến nay vẫn đang mòn mỏi đợi chờ được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài”. Ngoài ra, do sống trong rừng đặc dụng nên các hộ dân cũng không được trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như keo, cao su… Không được san lấp, ủi đất, san nền nhà, hay xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, không đào ao thả cá. Kiểm lâm chỉ cho phép trồng những loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế không cao như lúa, ngô, sắn.
Ông Nguyễn Hữu Sỹ - Bí thư Chi bộ thôn Xuân Đàm, cho biết: Người dân rất chán nản khi làng nằm trong vùng lõi của VQG. “Nhiều cây keo trước kia được trồng đến thời kỳ thu hoạch nhưng bị cấm không được chặt. Nhà bị dột nát, mối mọt không có gỗ thay thế buộc dân phải vào rừng chặt cây thì bị quy thành lâm tặc rồi bị xử phạt, tịch thu tang vật. Nhiều hộ có con lớn xây dựng gia đình muốn cho ra ở riêng nên san ủi nền ngay trong vườn để làm nhà nhưng bị cấm. Cứ thấy máy xúc, máy ủi vào làng là kiểm lâm đuổi ra. Dân chúng tôi sống thế nào đây?”- ông Sỹ than thở.
Hiện tại trong lõi rừng đặc dụng VQG bến En có 9 thôn nằm trên địa bàn 3 xã đều rơi vào thực trạng kinh tế khó khăn. Số hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỉ lệ khá nhiều. Xã Hóa Quỳ có thôn Xuân Đàm với 52 hộ dân có 33 hộ nghèo chiếm tới 63,46% số dân; xã Tân Bình có thôn Rọc Nái với 29 hộ, có 15 hộ nghèo chiếm 51,1%, thôn Sơn Bình có 65 hộ có 14 hộ nghèo, thôn Đức Bình có 52 hộ có 16 hộ nghèo, thôn Thanh Bình với 46 hộ có 10 hộ nghèo, thôn Sơn Thủy có 51 hộ có 19 hộ nghèo chiếm 37,3%, Làng Lung có 56 hộ có 35 hộ nghèo chiếm tới 62,5%... Ông Phạm Văn Hùng - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG bến En xác nhận: “Họ sinh sống ở đây từ trước khi VQG được thành lập và chịu nhiều thiệt thòi”.
Luẩn quẩn xóa đói
Anh Nguyễn Văn Luận, 33 tuổi, trú thôn Xuân Đàm chia sẻ: “Nhà tôi chỉ có 3 sào lúa nhưng nuôi 7 miệng ăn. Đất không được chia, Nhà nước cũng không cho dân trồng cây lâu năm để phát triển kinh tế thì làm sao đời sống nơi thâm sơn cùng cốc này phát triển được. Ao, hồ có thể giúp ích trong việc tích nước nhưng kiểm lâm cấm không cho đào. Vì vậy việc cấy cày hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên năm được, năm mất mùa. Anh bảo như vậy, chúng tôi lấy gì để xóa đói”. Nhà anh Luận có vườn keo đã đến kỳ cho thu hoạch nhưng kiểm lâm không cho chặt, nếu mang cưa máy ra chặt sẽ tịch thu ngay và phạt tiền.
Chị Lê Thị Tranh bức xúc: “Nhà có vài sào ruộng đều phụ thuộc vào nước trời nên sản lượng thu được khá bấp bênh. Trồng ngô không có nước tưới, gặp thời tiết khô hạn, ngô chết hết. Mỗi năm thu hoạch được 5-10 tấn sắn, giá cả thị trường lại bấp bênh. Chúng tôi đang sống trong cảnh rất cơ cực”. Chính ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Xuân Quỳ cũng phải thốt lên: “Chúng tôi mong muốn được các ngành chức năng từ địa phương trở lên đề xuất để Nhà nước đồng ý cấp quyền sử dụng đất sản xuất lâu dài cho nhân dân, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế”.
Ông Phạm Văn Hùng - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Bến En, giải thích khá dài dòng về quy trình đáp ứng nguyện vọng của dân: “Chúng tôi đã gửi kế hoạch cắt đất cho dân lên Bộ TN-MT, khi Bộ TN-MT có đánh giá kết quả tác động môi trường sẽ gửi kế hoạch sang Bộ NN&PTNT phê duyệt. Tiếp đó, sẽ kế hoạch lên UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. Xong xuôi các bước nói trên, chúng tôi sẽ gửi kế hoạch cắt đất cho Chính phủ phê duyệt và trình lên Quốc hội. Khi Quốc hội phê duyệt chúng tôi sẽ tiến hành cắt đất rừng chia cho các hộ dân, giao cho họ quyền sử dụng đất lâu dài”. Cũng theo ông Hùng thì kế hoạch cắt đất rừng đã gửi đến Bộ TN-MT cách đây gần hai năm, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp.