Kỷ niệm 63 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2017): Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc
Cách đây 63 năm, ngày 7-5-1954, trận quyết chiến cuối cùng giữa những người chiến sĩ và nhân dân Việt Nam với đội quân hùng hậu bậc nhất của thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ, đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Đây là chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam, chấm dứt 100 năm đô hộ của ngoại bang. Trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kéo theo sự sụp đổ không thể cứu vãn của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới.
63 năm đã đi qua, chiến trường xưa nay không còn khói súng; lúa đã vượt lên xanh tốt phủ lấp những hố bom; thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ ánh đèn... nhưng sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước nồng nàn, khí phách của người Việt Nam và nghệ thuật quân sự tài tình của dân tộc Việt Nam vẫn ngời sáng.
Năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với lòng yêu nước vô vàn, với ý chí quyết tâm dân tộc Việt Nam đã đứng lên tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Thực dân Pháp tập trung xây dựng biến lòng chảo Điện Biên thành căn cứ điểm nhằm tiêu diệt quân đội cách mạng Việt Nam.
Năm 1954, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, nhân dân Việt Nam với tinh thần yêu nước nồng nàn đã đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến đảm bảo hậu phương vững chắc phục vụ cho chiến đấu. Trên chiến trường quân đội ta thực hiện chiến dịch “Đánh chắc tiến chắc”. Tháng 3, bộ đội ta mở đợt tấn công đầu tiên vào khu vực Bắc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tiêu diệt cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, phá bỏ tuyến phòng thủ phân khu Bắc. Tháng 4 làm tê liệt sân bay Mường Thanh, đánh phá các đồi A1, C1, D1... Đến sáng ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954, quân ta tổng tiến công giành chiến thắng trên khắp mặt trận, buộc Pháp phải ký hiệp định Geneve, kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.
Kể từ đó, chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành nguồn sức mạnh thức tỉnh, cổ vũ ý thức đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
63 năm đã trôi qua, ngọn gió mát lành từ trận chiến lịch sử đó vẫn lồng lộng trên khắp non sông.
Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.
Nhân kỷ niệm 63 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2017), ngày 5-5, Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Điện Biên đã đến dâng hương, đặt vòng hoa viếng các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ A1. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ”. Mọi người đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sỹ- những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Những nén hương thơm được thắp lên trên phần mộ các liệt sỹ, bày tỏ lòng tri ân với những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cũng trong ngày 5-5 vừa qua, tại di tích lịch sử Đồi A1, 100 gốc hồng, 3.000 khóm lan, sim Thái, tam giác mạch đã được trồng mới.
63 năm trôi qua, Điện Biên bây giờ đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Riêng năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,83%; các ngành sản xuất chủ yếu được duy trì và tiếp tục phát triển. Tiềm năng đất đai được quy hoạch thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh như: lúa gạo Điện Biên, Tuần Giáo; chè Tủa Chùa; cà phê Mường Ảng, cao su Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé... Một trong những thành tựu không thể không nhắc tới đó là việc khai thác và phát huy tiềm năng sản xuất lúa gạo của cánh đồng Mường Thanh- bãi chiến trường xưa. Với diện tích hơn 4.000ha tập trung sản xuất các loại gạo đặc sản có giá trị kinh tế cao gạo từ cánh đồng Mường Thanh không chỉ cung cấp tại địa bàn mà còn xuất đi các tỉnh thành trong cả nước, đã và đang từng bước tạo dựng thương hiệu gạo Điện Biên trên thị trường.
Là một tỉnh miền núi cao, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, nhưng đến nay100% các xã trong tỉnh đã có đường ôtô đến trung tâm; 100% số xã được phủ sóng điện thoại di động, được sử dụng internet, và có điểm bưu điện văn hóa xã; 90% dân số được sử dụng điện, 90% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 85% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã có trạm y tế...
Những chuyển biến, đổi thay và thành tích nổi bật của Điện Biên sau 63 năm đã khẳng định sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc, khẳng định sức bật mạnh mẽ của một vùng đất từng là nơi chiến địa khi mang trong mình tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ bất diệt.
Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ là nhắc tới lực lượng dân công Thanh Hoá: Từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954, nhân dân Thanh Hóa đã huy động cao nhất nguồn lương thực và lực lượng dân công phục vụ chiến trường. Những tấn lương thực, thực phẩm được dân công Thanh Hóa vận chuyển qua hai chặng: Thanh Hóa - Suối Rút; Suối Rút - Điện Biên Phủ dài 600km, cung cấp cho chiến trường. Riêng trong đợt vận chuyển lần thứ 3, số lượng dân công Thanh Hóa chiếm 80% tổng số dân công trên toàn tuyến cung cấp với con số kỷ lục là 120.000 người, trong đó có 25.000 dân công nữ. Tính chung trong cả 3 đợt, Thanh Hóa đã huy động tổng số dân công lên đến 178.924 người, huy động 3.530 xe đạp thồ với 16.000 lượt chiếc, 1.126 thuyền, 31 ôtô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Đánh giá về công lao của nhân dân Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó...”. Anh Tuấn |