Hạn chế lao động xuất khẩu bỏ trốn bất hợp pháp: Loay hoay tìm giải pháp

Khanh Lê 07/05/2017 09:00

Tập trung giảm thiểu lao động bỏ trốn là nhiệm vụ được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đặt ra trong năm 2017 tuy nhiên nhiệm vụ này một lần nữa không đạt được khi mà chỉ 4 tháng đầu năm số lao động xuất khẩu tiếp tục ở lại nước sở tại sau khi hết hợp đồng lao động vẫn chưa giảm.

Chuẩn bị kỹ năng cho lao động xuất khẩu.

Lỗi do đâu?

Theo Bộ LĐTB&XH mặc dù tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp có giảm so với những năm trước đây nhưng vẫn ở mức cao.

Điển hình tại Hàn Quốc, mỗi năm có từ 8.000- 11.600 người lao động mới của VN sang làm việc, tuy nhiên, trước tình trạng người lao động VN sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp có thời điểm lên đến 75%, nên từ tháng 8/2012, Hàn Quốc tạm dừng ký lại Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về Chương trình EPS.

Hai bên chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn một năm lần lượt vào ngày 31/12/2013 và ngày 10/4/2015 dành cho những lao động đã kiểm tra tiếng Hàn và những lao động thuộc diện tái nhập cảnh.

Trước tình hình này, Bộ LĐTB&XH đã triển khai nhiều giải pháp để giảm số lượng lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Sau những nỗ lực của hai nước, ngày 17/5/2016, hai bên đã ký lại MOU bình thường. Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước đã phối hợp với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc triển khai các hoạt động để tổ chức hai kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn lần thứ 11 vào tháng 10 và tháng 11/2016.

Tuy nhiên đến thời điểm này tỷ lệ bỏ trốn lại tiếp tục tăng lên. Tính đến quý IV-2016 cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 16.100 lao động, chiếm tỷ lệ 39%. Trước tình trạng này Bộ LĐTB&XH quyết định tạm dừng 58 quận, huyện không tuyển lao động tuy nhiên giải pháp này dường như không đủ sức răn đe bởi trước đó trong năm 2016, 44 quận, huyện cũng đã bị tạm dừng tuyển lao động song vẫn không thể hạn chế được tình trạng bỏ trốn bất hợp pháp.

“Tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng vẫn ở lại Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp là việc khiến cơ quan quản lý đau đầu. Nếu không có quan hệ tốt đẹp lẫn sự cảm thông giữa hai bên mà cứ thẳng thừng như bản ghi nhớ về phái cử lao động đi làm việc (MOU), thì với tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao và yêu cầu phía Hàn Quốc đặt ra, lao động Việt Nam khó có cơ hội sang Hàn Quốc” - ông Đặng Sỹ Dũng, Phó cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết.

Không riêng thị trường Hàn Quốc, tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay cũng có khoảng 26.500 lao động VN bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp, chiếm gần 50% tổng số lao động nước ngoài bỏ hợp đồng và chiếm gần 15% số lao động VN đang làm việc tại Đài Loan. Không chỉ bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp, số lao động VN vi phạm pháp luật sở tại cũng có xu hướng tăng lên.

Nguyên nhân của tình trạng trên đến từ nhiều phía. Không phủ nhận ý thức của người lao động VN còn kém, nhưng phản ánh từ nhiều địa phương cho biết, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết với người lao động, thu phí của người lao động quá cao, thậm chí có cả “phí môi giới”...

Đó là chưa kể một số doanh nghiệp tuyển chọn lao động thông qua các khâu trung gian nên không kiểm soát được chất lượng lao động và không quản lý được việc thu tiền của người lao động. Chính vì phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn trước khi sang nước ngoài làm việc nên nhiều lao động VN luôn luôn có tâm lý là phải kiếm thật nhiều tiền để “thu hồi vốn”, bất chấp việc vi phạm pháp luật nước sở tại.

Bên cạnh đó, một trong các hình thức “cưỡng chế” đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài là bắt họ phải ký quỹ, đặt cọc..., vô hình trung lại tạo ra cái vòng luẩn quẩn và “kích thích” người lao động bỏ trốn nhiều hơn.

Ý kiến nhiều chuyên gia cũng cho rằng chính khoản tiền ký quỹ này như một gánh nặng đối với lao động phải đầu tư ban đầu, càng làm cho lao động tìm cách bỏ ra ngoài làm việc nhằm trang trải nợ nần.

Cần có một giải pháp căn cơ

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH trong 3 năm 2014 - 2016, tổng số lao động xuất khẩu đạt 350.000 người. Riêng trong năm 2016 đã có 126.296 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với năm 2015. Đây là năm thứ ba liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.

Có thể thấy việc Chính phủ Việt Nam quan tâm và đã ký kết, triển khai nhiều hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động mới với một số nước tiếp nhận lao động đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận được nhiều thị trường.

Cụ thể như chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Australia; Hiệp định hợp tác lao động Việt - Lào; Thoả thuận phái cử và tiếp nhận lao động giữa Việt Nam và Thái Lan. Ký lại Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (MOU)...

Nhưng bất chấp những nỗ lực đàm phán hợp tác về lao động của Chính phủ, điều kiện thuận lợi từ thị trường tiếp nhận, XKLĐ của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn.

Trong đó, tình trạng người lao động vi phạm kỷ luật, bỏ trốn… diễn ra ở nhiều thị trường khiến các nước có những biện pháp hạn chế nhập khẩu lao động đang là nguy cơ kéo lùi hoạt động này. Không chỉ bị hạn chế, tạm dừng mà hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế ngày càng bị xấu đi.

Tại hội nghị toàn quốc về đổi mới công tác XKLĐ mới đây nhiều địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn thẳng thắn cho rằng, lao động bỏ trốn không phải do địa phương lơ đễnh không làm tốt công tác tuyên truyền mà người lao động đang phải gánh quá nhiều chi phí khi đi XKLĐ chính vì vậy ai cũng có tâm lý ở lại càng lâu càng tốt.

Cùng với đó sự thiếu đồng bộ trong hành lang pháp lý, cùng với thủ tục trình tự xét xử phức tạp, việc tìm kiếm lao động bỏ trốn ở nước ngoài để đưa ra tòa không hề đơn giản, cho nên đến nay hầu như chưa có trường hợp lao động bỏ trốn nào bị đưa ra tòa.

Về vấn đề này Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp thừa nhận: Một số hành vi vi phạm nhưng chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nên thiếu căn cứ để xử lý; còn có những quy định của pháp luật chưa đồng bộ, nên chưa điều chỉnh hết các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn; ngoài ra còn có sự xung đột pháp luật giữa nước tiếp nhận với quy định của Việt Nam.

Giải quyết bất cập trên, nhiều ý kiến đề nghị cần siết lại quy định trong tuyển chọn lao động, nâng mức chế tài không chỉ đối với doanh nghiệp có lao động bỏ trốn cũng như thu phí của người lao động cao hơn mức quy định của pháp luật mà với cả người lao động nếu có hành vi phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm ăn phi pháp.

“Giải pháp căn cơ vẫn là khắc phục những bất cập được cho là nguyên nhân khiến lao động bỏ trốn, đó là nâng thời hạn hợp đồng xuất khẩu lao động, cho người lao động đi làm việc 5 năm thay vì mức thông thường là 3 năm như hiện nay. Được như vậy, người lao động sẽ yên tâm làm việc, không có tâm lý trốn chui, trốn lủi ở nước sở tại để kiếm thêm tiền”- ông Đàm Phương Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Toàn Cầu kiến nghị.

Bộ LĐTB&XH đã tiến hành gần 400 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã có 107 DN có vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ bị phát hiện và xử lý với tổng số 306 hành vi vi phạm. Các lỗi vi phạm tập trung chủ yếu vào việc thực hiện quy định về đăng kí hợp đồng, tuyển chọn, ký kết thanh lý hợp đồng, tổ chức đưa đi và thu phí không đúng quy định...

Khanh Lê