Phức tạp sốt xuất huyết
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước có trên 21.000 ca mắc sốt xuất huyết, với 8 ca tử vong. Riêng tháng 4 có đến 6.895 trường hợp mắc mới, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.
Phun thuốc diệt muỗi.
Hà Nội tăng 45% số ca
Mặc dù số ca mắc và tử vong sốt xuất huyết (SXH) chủ yếu tập trung ở các tỉnh thành phía Nam nhưng tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn thành phố cũng đã ghi nhận gần 500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo, thời gian tới dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, các trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn phân bố rải rác ở 25 quận, huyện và 164 xã, phường. Ông Nguyễn Nhật Cảmcho biết, hiện nay bệnh dịch có tính chất tản phát, chưa xuất hiện ổ dịch tập trung, phức tạp.
Tuy nhiên, do diễn biến thất thường của thời tiết, nắng mưa, di biến động dân cư lớn, thành phố có nhiều công trường xây dựng, vệ sinh môi trường kém, nhiều phế liệu phế thải đọng nước, việc tích trữ nước tại các hộ dân không đảm bảo là những yếu tố thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH sinh sản phát triển; làm dịch bệnh lây lan và diễn biến phức tạp hơn.
Đáng lo ngại là virus SXH đã lưu hành ở nhiều tuýp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn bị nặng hơn lần trước. Hơn nữa, bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, tình hình thời tiết có nhiều biến động, do đó dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh nói chung và dịch SXH có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Công tác phòng, chống dịch bệnh SXH được xác định là khó khăn, bởi đây mới là thời điểm đầu mùa.
Còn nhớ cuối năm 2015, khi dịch SXH bùng phát mạnh trên địa bàn Hà Nội, phun hóa chất diệt bọ gậy được coi là cách để ngăn chặn dịch nhưng nhiều hộ gia đình đã không mở cửa cho cán bộ y tế vào nhà kiểm tra vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy hoặc phun hoá chất. Nhiều trường hợp không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi bị bệnh.
Năm nay, để không tái diễn tình hình này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, kêu gọi người dân chủ động vệ sinh môi trường sống xung quanh, lật úp các dụng cụ chứa nước. Ngoài ra, ông Hạnh cũng cho biết, công tác giám sát là hết sức quan trọng, trong đó có giám sát bệnh nhân, giám sát véc tơ, chỉ số bọ gậy, mật độ muỗi để kịp thời phát hiện, khoanh vùng chính xác ổ dịch.
Chuẩn bị vào mùa
Theo ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện dịch sốt xuất huyết sắp vào mùa, trong thời gian tới sẽ còn diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam do đang là mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh và truyền bệnh. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có thể gây tử vong, tạo thành dịch lớn. Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là ngăn chặn muỗi đốt như diệt muỗi, bọ gậy…
Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu cũng cho biết, nhiều người dân chưa hiểu hết sự nguy hiểm của căn bệnh này dẫn đến thờ ơ phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Thậm chí, khi cơ quan chức năng đến phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết, nhiều gia đình đã không hợp tác vì cho rằng thuốc phun diệt muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe.
Giải đáp những băn khoăn này, ông Phu khẳng định, phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết là rất quan trọng và cần thiết. Trong đó, hóa chất sử dụng đã được các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur thử nghiệm, bảo đảm an toàn với sức khỏe con người.
Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên hợp tác cùng ngành y tế diệt muỗi, bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Người dân cũng nên chủ động đến các cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, đau hốc mắt, đau cơ kèm theo đau họng, buồn nôn và tiêu chảy… để được khám, điều trị kịp thời, nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch, điều trị tại nhà.
Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, nên được gọi tên chính xác là sốt xuất huyết Dengue nhằm phân biệt với các bệnh sốt xuất huyết khác, vì có rất nhiều bệnh có triệu chứng khởi phát và diễn tiến giống với bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường bắt đầu bằng sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục từ 2-7 ngày, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết dưới da, chảy diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng do gan to, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc, hoặc xuất huyết nặng, hoặc suy tạng, có thể tử vong.