Quách Thị Lan- của để dành của điền kinh Việt Nam
15 tuổi mới bắt đầu tập điền kinh, nhưng 18 tuổi cô gái người dân tộc Mường Quách Thị Lan đã gây chấn động Á vận hội 2014, với tấm HCB lịch sử cho điền kinh Việt Nam. Từ cột mốc đáng nhớ ấy, Lan tiếp tục đoạt hàng loạt HCV ở các giải điền kinh trong nước và khu vực Đông Nam Á, gần nhất là tấm HCV ở giải điền kinh Grand Prix châu Á, diễn ra tại Trung Quốc.
Từ cú ngã SEA Games tới tấm HCB lịch sử ASIAD
Quách Thị Lan sinh ra và lớn lên tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa (dân tộc Mường). Năm 2009, khi học lớp 9 trường nội trú của huyện, Lan được chọn lên đội tuyển điền kinh năng khiếu của tỉnh.
Tại giải điền kinh VĐQG 2012, Quách Thị Lan đã khiến tất cả phải sững sờ. Không chỉ đoạt HCV, cô gái có dáng hình cao ráo còn phá kỷ lục cũ trước đó 10 năm của đàn chị Nguyễn Thanh Hoa. Xuất phát điểm muộn, nhưng thành tích đến với Lan thật nhanh khiến cô lập tức lọt vào mắt xanh của những nhà quản lý thể thao nước nhà.
Trong sự nghiệp thi đấu của mình, VĐV người dân tộc Mường có lẽ không bao giờ quên hai dấu ấn ở sân chơi SEA Games 27 và ASIAD 16. Đầu tiên là SEA Games 2013, Quách Thị Lan được đầu tư tới 5 tỷ đồng, với mục tiêu không nằm ngoài tấm HCV. Trưởng bộ môn Đương Đức Thủy cũng đánh giá, tấm HCV 400m rào nữ nằm trong tầm tay của cô gái quê Thanh Hóa. Tuy nhiên, Lan lại chỉ về nhì. Sau đó, cô quỵ ngã ngay trên vạch đích, bất tỉnh và phải đưa đi cấp cứu.
“SEA Games 27 là kỷ niệm buồn không bao giờ quên trong sự nghiệp thi đấu của tôi. Tuy nhiên, tôi đã tự nhủ với bản thân, rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đấy và đứng lên thật mạnh mẽ!”, Lan chia sẻ trong nỗi buồn vô tận sau khi hụt tấm HCV khu vực.
Đúng là “ngã ở đâu đứng lên ở đó”, Quách Thị Lan có thêm rất nhiều động lực sau cú ngã lịch sử ấy. Trên sân vận động Asiad main stadium (Incheon, Hàn Quốc) một năm sau đó, Quách Thị Lan đã tạo nên cơn địa chấn với tấm HCB lịch sử ở đường chạy 400m nữ. VĐV 18 tuổi người Việt Nam đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh của châu lục và chỉ chịu thua VĐV kỳ cựu Oluwakemi Adekoya của Bahrain.
Tấm HCB của Quách Thị Lan chính là tấm huy chương đầu tiên của đội tuyển điền kinh ở nội dung 400m tại sân chơi ASIAD. Đây cũng là kỳ Á vận hội đầu tiên cô gái xứ Thanh tham gia và gặt ngay quả ngọt. Nói như HLV Trọng Hổ khi đó, Lan thực sự là một “hiện tượng kỳ lạ”.
Quyết giành HCV SEA Games 29
Tại SEA Games 28, đội tuyển điền kinh giành 11 HCV. Kỳ đại hội khu vực năm nay, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đội tuyển điền kinh vẫn quyết tâm bảo vệ ngôi nhì toàn đoàn (sau Thái Lan), với mục tiêu giành trên 10 HCV. Trong chỉ tiêu HCV mà điền kinh Việt Nam đang nhắm tới, Quách Thị Lan đang được kỳ vọng rất lớn.
Tại giải điền kinh Grand Prix châu Á vừa kết thúc tại Trung Quốc, Quách Thị Lan “mở hàng” HCV cho đội tuyển điền kinh Việt Nam. Thời gian của Lan vẫn còn kém hơn thành tích của cô tại giải VĐQG 2016 hồi cuối năm ngoái, nhưng tấm HCV thực sự là cú hích lớn cho cô gái người dân tộc Mường.
“Đường dài mới biết ngựa hay”, tấm HCV này của Quách Thị Lan được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên những cú bứt phá ngoạn mục cho điền kinh Việt Nam trong tương lai, mà sắp tới là SEA Games 29 – giải đấu Lan chưa từng giành được tấm HCV cá nhân nào trong 2 lần tham dự trước đó.
“Năm nay, tôi quyết tâm có được một kết quả vô địch tại SEA Games 2017. Nhưng tất cả còn ở phía trước và mình phải nỗ lực tập luyện trong 4 tháng tới”, chân chạy người Thanh Hóa tự tin.
Đã hơn 2 năm kể từ khi Lan giành HCB tại Á vận hội, và cũng là 7 năm gắn bó với đường chạy. Thăng trầm với nghề cũng trải đủ, và với Lan, có lẽ chỉ đam mê là không đủ. “Qua khoảng thời gian 7 năm, thì bản thân em tự đặt cho mình phải cố gắng, người khác làm được thì mình sẽ làm được. Thế cho nên, trải qua bao nhiêu khó khăn, em vẫn cố gắng phấn đấu. Em chưa thực sự thành công và chưa thực sự giành được HCV SEA Games cá nhân nào đối với bản thân mình. Em cũng mong muốn trong năm nay, cố gắng thay đổi màu huy chương cá nhân”, Quách Thị Lan tâm sự.
Mới chỉ 22 tuổi, tương lai của cô gái họ Quách vẫn còn ở phía trước, và lãnh đạo Tổng cục TDTT đã có lý khi khẳng định “Quách Thị Lan chính là của để dành mà chúng tôi hướng tới sân chơi Olympic 2020 tại Nhật Bản cũng như Asian Games 2018 tại Indonesia”. Điều đó cũng có nghĩa, SEA Games sẽ chỉ là bước đệm, là bàn đạp để VĐV người dân tộc Mường “tấn công” những đấu trường lớn hơn.