Trí nhớ đặc biệt của người đẹp Rebecca
Khó ai có thể tưởng tượng rằng có người có thể nhớ được mọi chi tiết trong cuộc sống, mọi cuộc hội thoại mà họ từng có, mọi món ăn mà họ từng ăn, từng chữ trong cuốn sách mà họ đọc và thậm chí cảm giác của bộ quần áo mới trong ngày sinh nhật đầu tiên…Nhưng đó chính là trường hợp đáng kinh ngạc của cô Rebecca Sharrock.
Rebecca Sharrock. (Nguồn: OddCentral).
Cách đây 3 năm, Rebecca Sharrock, 27 tuổi và hiện sinh sống ở Brisbane (Australia), đang đọc một bài báo có nhắc tới việc nhớ mọi thứ trong 4 năm đầu đời là điều không thể đối với con người. Lúc đó, cô đã nghĩ rằng điều đó “thật vớ vẩn” bởi cô có thể nhớ từng chi tiết khi mới chỉ 12 ngày tuổi. Điều này có nghĩa, Rebecca là một trong số 80 người mà thế giới từng được biết đến chịu ảnh hưởng của một hội chứng bí ẩn có tên Hội chứng Trí nhớ Siêu phàm (HSAM).
Giống như trường hợp của Jill Price trước đây, người được mệnh danh là người phụ nữ không bao giờ quên điều gì, Rebecca nhớ mọi chi tiết trong cuộc sống nhưng điều khiến cô đặc biệt chính là trí nhớ của cô lưu lại được khoảng thời gian xa hơn. Jill và những người mắc HSAM khác thường chỉ nhớ được chi tiết cuộc sống thường nhật khi 10-14 tuổi trong khi Rebecca nhớ từng khoảnh khắc từ lúc mới sinh.
Trường hợp đặc biệt của Rebecca mới đây đã được lên kênh truyền hình Channel 9 của Australia, khi mà người dẫn chương trình Allison Langdon thử nghiệm khả năng của cô bằng cách đặt ra những câu hỏi về các tình tiết trong loạt truyện nổi tiếng Harry Potter.
“Tôi thử hỏi cô ta về các tập Harry Potter bởi cô ấy nói có thể nhớ từng chữ một trong từng tập”-Langdon nói. “Nên tôi lấy một tập, mở ra một trang và đọc cho cô ấy một đoạn và ngay lập tức cô ấy nêu tên tập đó, số chương, tên chương và thậm chí nhắc lại từng chữ trong chương đó cho đến khi tôi bảo cô ta ngừng lại”.
Có thể nhớ được mọi chi tiết về phần lớn cuộc sống là một khả năng đáng ngưỡng mộ, nhưng đối với những người mắc HSAM thì đó lại là điều rất khó khăn. Việc phải lãng quên một số thứ là một trong những cơ chế mà con người sử dụng để vượt qua những ký ức tồi tệ trong cuộc sống, nhưng những người như Rebecca hay Jill Price lại không thể làm được.
“Một trong những khả năng vĩ đại của loài người chính là lãng quên. Tuy nhiên, những người như Rebecca lại nhớ mọi thứ. Đó là lý do vì sao những người mắc HSAM lại cảm thấy đó là một gánh nặng”- Langdon nói. Thậm chí khi đi bộ trên phố hay gặp gỡ ai đó cũng khiến Rebecca kích hoạt bộ nhớ từ thời trẻ thơ. Khi một cậu bé không may va vào cô trên phố, Rebecca lập tức nhớ lại khoảng thời gian còn là một cô bé của mình, và ký ức đó liên tục được tua lại. Cô cũng thừa nhận, việc phải nhớ những ký ức tồi tệ trong đời là một gánh nặng. Bên cạnh đó, những người mắc HSAM thường có khả năng học tập khá tệ bởi họ có nhiều vấn đề về chọn lọc thông tin. Đối với họ, việc học chính là một hoạt động gây quá tải thông tin.
Não bộ hết sức đặc biệt của Rebecca được cho là có thể giúp giới khoa học tìm ra một phương thuốc hữu hiệu để chữa trị bệnh Alzheimer – mất trí nhớ. Giới chuyên gia nhận định, tình trạng đặc biệt của cô “là một mặt khác của quang phổ” và có thể ẩn chứa bí mật về cách chữa trị, thậm chí ngăn chặn bệnh Alzheimer.