Cử tri Pháp bỏ phiếu bầu tân Tổng thống
Cử tri Pháp trong hôm 7/5 đã tham dự cuộc bỏ phiếu cuối cùng để lựa chọn một vị tân Tổng thống giữa ứng viên trung dung Emmanuel Macron và ứng viên cực hữu Marine Le Pen trong một kỳ bầu cử mang ý nghĩa hết sức quan trọng với nước Pháp nói riêng và toàn châu Âu nói chung.
Cử tri Pháp đi bỏ phiếu trong vòng bầu cử cuối cùng tổ chức hôm 7.5. (Nguồn: AFP).
Ngày bầu cử tiếp nối sau một chiến dịch tranh cử chưa từng có tiền lệ với một vụ bê bối, nhiều tình tiết bất ngờ và một vụ tấn công mạng vào phút chót nhằm vào ông Macron, 39 tuổi, người được cho là một chính trị gia thiếu kinh nghiệm.
Vòng bỏ phiếu cuối cùng là cuộc đối đầu giữa một ứng viên thân châu Âu, có quan điểm thúc đẩy kinh tế và chính trị gia sừng sỏ có quan điểm chống EU và người nhập cư - hai phiên bản khác biệt cho thấy rõ sự chia rẽ trong nền dân chủ của châu Âu.
Bà Le Pen, 48 tuổi, đã mô tả cuộc bầu cử này như một cuộc đối đầu giữa những người theo tư tưởng toàn cầu hóa mà đại diện là đối thủ của bà, ông Macron - phe ủng hộ mở cửa thương mại tự do, cởi mở với vấn đề nhập cư - với những người theo tư tưởng chủ nghĩa dân tộc - những người bảo vệ đường biên giới và sự đặc trưng của quốc gia.
Vòng bỏ phiếu cuối cùng đã bắt đầu từ lúc 8h00 ngày 7/5 (13h00 ngày 7/5 giờ Việt Nam) và phần lớn các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 18h00 cùng ngày (24h00 giờ Việt Nam) trong khi các điểm bỏ phiếu ở các thành phố lớn sẽ mở cửa lâu hơn khoảng 1 giờ đồng hồ. Kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử sẽ được công bố vào lúc 19h00 (1h00 sáng 8/5 giờ Việt Nam).
“Ngày hôm nay rất quan trọng với nước Pháp” - một cử tri 73 tuổi nói khi bà bỏ lá phiếu của mình ở thành phố cảng miền Nam, Marseille - “Nó đặc biệt quan trọng với các con của tôi và với tương lai của 3 đứa cháu tôi”.
Vị Tổng thống thuộc đảng Xã hội, ông Francois Holland, người trong tháng 12 năm ngoái đã ra quyết định không tái tranh cử, cũng bỏ lá phiếu của mình tại Tulle, miền Trung nước Pháp.
Ông Hollande, người đã giúp cho ông Macron trở nên nổi tiếng sau khi chỉ định ông làm Bộ trưởng Kinh tế năm 2014, nói rằng ông hy vọng ông Macron sẽ “giành được số điểm lớn nhất có thể” trong kỳ bầu cử này.
Các cuộc thăm dò mới nhất trong tuần trước cho thấy ông Macron - người chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên - giành được tỷ lệ ủng hộ cách biệt so với đối thủ của mình - 62% và 38% - trước khi vụ tấn công mạng xảy ra vào tối thứ Sáu tuần trước.
Hàng trăm nghìn bức email và tài liệu rò rỉ từ chiến dịch của ông Macron đã bị tung lên Internet và sau đó bị website chuyên “thổi còi” WikiLeaks phát tán rộng rãi, khiến cho ứng viên này gọi đó là một âm mưu nhằm “gây bất ổn cho nền dân chủ”.
Giới chức bầu cử Pháp cho hay vụ rò rỉ tài liệu này có thể cấu thành một tội phạm, một lời cảnh báo cũng được các hàng truyền thông chính thống nước này đưa ra.
“Chúng tôi đã biết trước về những rủi ro sẽ xảy ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống bởi nó đã từng xảy ra ở nơi khác rồi. Nhưng không có gì sẽ xảy ra mà không vấp phải phản ứng đáp trả” - ông Holland nói với hãng tin AFP.
Vòng bỏ phiếu cuối cùng là cuộc đối đầu trực diện giữa hai ứng viên Macron và Le Pen. (nguồn: AFP).
Làn gió mới cho nước Pháp
Các cơ quan tình báo Mỹ đến nay vẫn tin rằng các hoạt động do Nga hậu thuẫn đứng đằng sau vụ tấn công mạng nhằm vào ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, dù không đưa ra được bằng chứng nào.
Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công mạng ở Pháp, nhưng chính phủ nước này cùng đội ngũ chiến dịch của ông Macron trước đó từng cáo buộc Điện Kremlin cố gắng can thiệp bầu cử - điều mà Moscow cực lực phản đối.
Dù bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật chắc chắn cũng sẽ mang tới một sự thay đổi lớn đối với nước Pháp - nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và là một cường quốc quân sự.
Đây là lần đầu tiên mà cả hai đảng phái truyền thống của nước Pháp không có một ứng viên nào đi được đến vòng cuối của một kỳ bầu cử Tổng thống trong lịch sử hiện đại của nước này. Ông Macron sẽ trở thành vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp và cũng là vị chính trị gia ít kinh nghiệm nhất lên làm Tổng thống nếu đắc cử.
Ông đã rời khỏi chính phủ của đảng Xã hội hồi tháng 8 năm ngoái và thành lập đảng “En Marche” (Tiến bước), một phong trào chính trị mà ông cho là không thiên về cánh tả cũng như cánh hữu, và đã thu hút được tới 250.000 thành viên.
Cựu nhân viên ngân hàng đầu tư này đã thực hiện chiến dịch tranh cử dựa trên các cam kết sẽ cắt giảm chi tiêu công, nới lỏng các quy định về lao động, thúc đẩy giáo dục ở các khu vực kém phát triển và áp dụng các quy định bảo vệ những người lao động tự do.
Ông cũng lên tiếng ủng hộ châu Âu mạnh mẽ và muốn tạo ra nguồn năng lượng mới cho khối Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 thành viên, đặc biệt sau cuộc trưng cầu tổ chức ở Anh năm ngoái nhằm rời khỏi khối này.
“Pháp không phải một đất nước khép kín. Chúng ta ở châu Âu và trên thế giới” - ông Macron nói trong buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình cuối cùng tổ chức hôm thứ Tư tuần trước.
Dù vậy, đối thủ của ông, bà Le Pen, vẫn đang ấp ủ hy vọng giành được chiến thắng lội ngược dòng đầy bất ngờ, điều mà ít ai cho rằng sẽ xảy ra nhưng thực tế đã từng xảy ra như trường hợp kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, hay chiến thắng bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Người chiến thắng trong vòng đầu tiên
Thủ lĩnh đảng Mặt trận Dân tộc, bà Le Pen, tự xem bản thân mình như một phần của cộng đồng những người có quan điểm phản đối tiến trình toàn cầu hóa, làn sóng mới đã trỗi dậy mạnh mẽ trên nước Mỹ và trong những cuộc bỏ phiếu gần đây tổ chức ở một loạt nước châu Âu như Anh, Áo và Hà Lan.
Bà Le Pen từng cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để tách nước Pháp khỏi khối EU, rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), và hủy sử dụng đồng Euro, thứ mà bà mô tả là “đồng tiền của các nhân viên ngân hàng”.
Bà cũng tuyên bố sẽ giảm tiếp nhận người nhập cư xuống còn 10.000 người mỗi năm, triệt tiêu các dịch vụ ngoài luồng của các công dân đa quốc gia, hạ thấp tuổi nghỉ hưu và đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm kiềm chế những kẻ cực đoan Hồi giáo.
Nhiều cử tri Pháp hiện vẫn coi đảng của bà là một đảng có tư tưởng bài Hồi giáo và phân biệt chủng tộc, bất chấp quá trình 6 năm cải thiện hình ảnh của bà.
Ông Macron là người đã đứng đầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên tổ chức trong ngày 23-4 vừa qua với 24,01% số phiếu, tiếp đến là bà Le Pen với 21,3%, trong tổng số 11 ứng viên tham gia tranh cử.
Kết quả trên đã cho thấy ông Macron là ứng viên được ưa thích trong cộng đồng người giàu, các cử tri có học thức ở các thành phố; trong khi bà Le Pen thu hút được sử ủng hộ từ cộng đồng người dân ở khu vực nông thôn cũng như ở các khu vực nghèo khó ở miền Nam và khu vực vành đai công nghiệp ở Đông Bắc nước Pháp.
Trước đó, trong hôm 6/5, tiến trình bỏ phiếu đã bắt đầu đối với các cử tri Pháp đang sinh sống tại khu vực Bắc Mỹ và một số vùng lãnh thổ nước ngoài.