Không để kinh tế tư nhân lép vế
Kinh tế tư nhân mặc dù chiếm số lượng đông đảo nhưng thực tế lại đang lép vế so với khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI từ tiếp cận tín dụng, đất đai, hay những ưu đãi khác. Đây đang là một lực cản cần được tháo gỡ.
Trao đổi với ĐĐK, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Cần thay đổi tư duy, cách quản lý, và chấp nhận sự thiệt hại của Chính phủ qua việc tư nhân hóa, cổ phần hóa để thực sự đưa nền kinh tế trở thành nền kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Trí Hiếu.
PV:Thưa ông, kinh tế tư nhân mặc dù chiếm lượng đông đảo của nền kinh tế nhưng thực tế lại đang lép vế so với khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN FDI. Tuy chiếm số lượng ít hơn nhưng khối này lại có nhiều lợi thế trong tiếp cận tín dụng, đất đai và những ưu đãi khác. Ông nghĩ sao về điều này, nguyên nhân là do đâu?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Nếu chia thành phần kinh tế ra làm 2 loại để tiếp cận vốn thì có DN và các loại kinh doanh cá thể. Kinh doanh cá thể so với DN chiếm 80% về số lượng, còn lại 20% là DN lớn, trung, và nhỏ theo hình thức tổ chức DN của Luật Doanh nghiệp.
Hình thức kinh doanh cá thể từ buôn bán nhỏ lẻ, hành nghề tự do, hay công ty theo hình thức các DN nhỏ thì chiếm tỷ lệ lớn nhưng lệch pha với 20% theo loại hình DN bởi số này chiếm 80% vốn đi vay cũng như vốn huy động được trên thị trường tài chính và chứng khoán.
Tức là số 20% chiếm dụng 80% vốn của toàn hệ thống, trong khi 80% kinh doanh cá thể chỉ chiếm 20% vốn vay, và vốn đầu tư của toàn nền kinh tế. Làm sao để các loại hình kinh doanh cá thể, tức là 80% đó tiếp cận được với nguồn vốn là vấn đề rất khó khăn.
Vì kinh doanh cá thể rủi ro về tín dụng rất lớn, thành ra các ngân hàng đòi hỏi thế chấp này, thế chấp kia, ngay cả nhiều khi thế chấp cả sổ tiết kiệm người ta mới cho vay, nếu không phải có nhà cửa, có bất động sản thế chấp. Vì vậy số kinh doanh cá thể khó có thể tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, nếu tiếp cận được cũng phải chịu lãi suất cao, điều kiện vay vốn rất khắt khe.
Vậy chúng ta cần tháo gỡ vấn đề vốn bằng cách nào, thưa ông?
- Theo tôi, Chính phủ làm sao có chính sách giúp kinh doanh cá thể, nếu để kinh doanh cá thể tự huy động vốn thì chắc là khó,vì họ chỉ có thể tiết kiệm riêng, hay hùn vốn của anh em, bà con, hay cộng sự làm ăn với họ.
Cho nên Chính phủ cần sử dụng hiệu quả quỹ bảo lãnh tín dụng, hiện chúng ta đã có quỹ ở các thành phố lớn. Nhưng hiện quỹ đó không hoạt động được bởi vốn chủ sở hữu vốn điều lệ rất thấp nên chỉ cho vay được vài món là hết tiền, thành ra vốn được bổ sung, rồi cần quy chế riêng cho quỹ bảo lãnh tín dụng.
Vì nếu áp dụng những mực thước, những điều kiện như là các ngân hàng thì kinh doanh cá thể đến ngân hàng thì đóng cửa, đến quỹ bảo lãnh thì cũng đặt ra những điều kiện như thế coi như cũng đóng cửa luôn.
Thành ra phải có những điều kiện riêng cho các quỹ bảo lãnh tín dụng. Ngoài ra không thể đặt điều kiện các quỹ bảo lãnh tín dụng đó phải bảo toàn vốn mà Chính phủ cung cấp cho họ, điều kiện phải giữ vốn không được làm thất thoát thì họ không dám làm.
Tại Mỹ mỗi năm Quốc hội phê chuẩn 1 ngân sách cho các quỹ bảo lãnh tín dụng và họ coi đó là chi phí mà Chính phủ giúp cho các DN vừa và nhỏ. Còn nếu ta mà yêu cầu bảo tồn vốn thì không ai dám bảo lãnh cho vay cả. Cho nên cần có quy chế riêng để làm ăn cho hiệu quả và bảo lãnh cho kinh doanh nhỏ lẻ có thể vay vốn.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như lĩnh vực kinh tế tư nhân cần được đầu tư đúng mức để tăng trưởng.
Ông nghĩ sao khi hiện có nhiều việc kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể làm được, nhưng chúng ta lại đang giao quá nhiều việc cho DNNN? Chính việc đó cũng cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân, hay nói cách khác chính cơ chế xin-cho đang làm hạn chế sự cạnh tranh...?
- Đúng vậy. Nhưng có một điều rằng, đối với những dự án lớn thì dĩ nhiên những DN có vốn lớn mới có thể đảm đang được, chứ không thể giao cho kinh doanh cá thể đảm đang những dự án lớn.
Nhưng ngay cả những dự án lớn đó, qua những việc cho các nhà thầu, đấu thầu làm sao có thể khuyến khích các nhà thầu sử dụng những nhà thầu phụ, người kinh doanh nhỏ lẻ có thể tham gia vào những chương trình lớn.
Việc giúp đó thông qua các nhà thầu lớn, hoặc nhà thầu phụ. Do đó Chính phủ cần có kế hoạch khuyến khích các nhà thầu phụ hỗ trợ kinh doanh cá thể tham gia vào các gói thầu.
Hiện ngay trong tư duy chúng ta luôn ưu tiên cho DNNN còn khối kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển thì những biện pháp hỗ trợ dường như lại chưa đủ mạnh, thưa ông?
- Đây là một nghịch lý, bắt nguồn từ lịch sử của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta đi từ một nền kinh tế chỉ huy, nền kinh tế quy hoạch, nền kinh tế bao cấp cho nên trong nền kinh tế quy hoạch đó không có các DN kinh doanh cá thể.
Tất cả nền kinh tế là do DN có vốn nhà nước quản trị, quản lý. Từ một nền kinh tế như vậy giờ chúng ta đi sang nền kinh tế thị trường thì phải quan tâm hỗ trợ tất cả các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường.
Thế nhưng ở đâu đó vì đi từ quá khứ là nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường nhưng quá khứ của nền kinh tế chỉ huy vẫn còn nằm ở trong tư duy và thực tế. 60% tổng tài sản quốc gia vẫn nằm trong tay DN có vốn Nhà nước, đáng lý ra bây giờ chỉ còn khoảng 20% tổng tài sản và các công cụ sản xuất trong tay Nhà nước và DN có vốn nhà nước, còn 80% phải trao lại cho kinh tế tư nhân.
Chính việc 60% tổng tài sản quốc gia vẫn nằm trong tay DNNN nên ta đi vào nền kinh tế rất khập khiễng, danh nghĩa là nền kinh tế thị trường nhưng thực tế vẫn là nền kinh tế quản lý của Nhà nước với các công cụ sản xuất từ: đất đai, vốn, cho đến con người.
Cho nên phải thay đổi tư duy, Nhà nước phải trao trả những hoạt động kinh tế không nằm ở trong lĩnh vực quốc phòng hay an sinh xã hội cho khối tư nhân. Nhà nước chỉ nên giữ tỷ lệ 20% để nắm giữ các vai trò trọng yếu của quốc gia, còn 80% tài sản quốc gia và công cụ sản xuất thì đưa cho tư nhân thông qua việc cổ phần hóa, đồng thời khuyến khích hỗ trợ các DN tư nhân, kinh doanh bán lẻ. Hiện Nhà nước vẫn nắm giữ vốn trong các DNNN...
Tuy nhiên theo các mô hình phát triển trên thế giới, Nhà nước phải rút lại vốn, Nhà nước chỉ đóng góp vai trò quản lý nền kinh tế chứ không phải vai trò cạnh tranh với các nền kinh tế khác, hay DNNN được Nhà nước lập ra rồi cho hưởng ưu đãi, trong khi các nền kinh tế khác lại khó tiếp cận chính sách. Như vậy là cạnh tranh không lành mạnh với các thành phần kinh tế khác.
Cho nên phải thay đổi tư duy, cách quản lý, và chấp nhận sự thiệt hại của Chính phủ qua việc tư nhân hóa, cổ phần hóa để thực sự đưa nền kinh tế trở thành nền kinh tế thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!