Tìm kịch bản cho du lịch Việt Nam
Không bỏ lỡ cơ hội thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam; quan tâm hơn nữa tới thị trường du lịch trong nước, phục vụ tốt khách du lịch nội địa, siết quản lý du lịch giá rẻ… là những mục tiêu mà ngành du lịch đang hướng tới.
Khách du lịch quốc tế tại Hà Nội.
Ưu tiên thị trường trọng điểm
Trong cuộc làm việc mới đây nhất giữa Bộ trưởng Bộ VHTTDL với Tổng cục Du lịch (TCDL) về một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng kịch bản tăng trưởng khả thi nhất cho Du lịch Việt Nam trong năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo ngành du lịch cần ưu tiên những thị trường du lịch trọng điểm. Bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, các nước Tây Âu, Thái Lan, Campuchia…
Theo đó, muốn giữ được mức tăng trưởng cao thì phải giữ được mức tăng của các thị trường trọng điểm và thúc đẩy tiếp những thị trường có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Theo TCDL, trong 4 tháng đầu năm 2017 du lịch Việt Nam đón trên 4.284.000 lượt khách quốc tế, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2016. Các thị trường khách tăng trưởng cao bao gồm Trung Quốc, đạt 949.000 lượt (tăng 63,5%); Nga đạt 175.000 lượt (tăng 61,3%); Hàn Quốc đạt 527.000 lượt (tăng 29,2%); Đài Loan đạt 150.000 lượt (tăng 22,4%)...
Trong 4 tháng liên tiếp, ngành du lịch đều đạt trên 1 triệu lượt khách/ tháng. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng TCDL, hiện nay các thị trường khách trọng điểm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga… đang tạo động lực cho đà tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến của Việt Nam.
Ngành du lịch kỳ vọng đón 4 triệu khách Trung Quốc và Hàn Quốc trong năm 2017. Trong đó, Trung Quốc là một thị trường lớn không chỉ với Việt Nam mà với du lịch toàn thế giới, thu hút sự quan tâm của tất cả các quốc gia trong khu vực để phát triển du lịch.
Vì thế không thể vì quản lý yếu kém, để xảy ra việc nọ việc kia mà bỏ lỡ cơ hội đón khách quốc tế đến Việt Nam. Theo kế hoạch dự kiến, trong tháng 5, TCDL sẽ tổ chức chương trình giới thiệu điểm đến Việt Nam tại 4 thành phố Nam Ninh, Phúc Châu, Nam Kinh và Hợp Phì của Trung Quốc để tiếp tục thu hút khách đến từ thị trường lớn nhất thế giới này.
Siết quản lý tour giá rẻ
Liên quan đến việc quản lý tour du lịch giá rẻ, mà thực chất là những “tour 0 đồng”, ông Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo TCDL sớm tổ chức một cuộc tọa đàm, làm rõ bản chất của tour giá rẻ, thực trạng và những biện pháp quản lý hiệu quả, đồng thời để xã hội có cái nhìn đúng, nhiều chiều về vấn đề này. Ông Nguyễn Ngọc Thiện cũng yêu cầu cần phải “trị tận gốc” việc bán đoàn khách đi tour giá rẻ, “tour 0 đồng”.
Theo đó, doanh nghiệp lữ hành nào của Việt Nam trực tiếp ký kết với doanh nghiệp nước ngoài về việc đón đoàn khách sẽ phải có trách nhiệm đối với khách vào Việt Nam cho đến khi khách rời Việt Nam mới hết trách nhiệm. Nếu du khách không được đảm bảo quyền lợi và xảy ra sự cố thì sẽ xử lý cả doanh nghiệp trực tiếp ký kết và doanh nghiệp nhận tiếp đón.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, có 4 giải pháp cơ bản để quản lý “tour 0 đồng”. Bao gồm: Chủ động định hướng cho các địa phương có giải pháp mềm dẻo, linh hoạt để vừa quản lý tốt vừa giữ được thị trường khách Trung Quốc; Tập trung chấn chỉnh tình trạng khoán tour, lừa đảo ép khách mua hàng không đảm bảo chất lượng; Xử lý sai phạm của các cửa hàng khép kín, chỉ bán cho khách du lịch Trung Quốc đồng thời khuyến khích phát triển đa dạng hóa dịch vụ và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để bổ trợ, tăng chi tiêu tại chỗ của khách du lịch; Giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên theo cách linh hoạt.
Cùng với đó, TCDL cũng sẽ triển khai kế hoạch chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch và kế hoạch tăng cường quản lý điểm đến; chấn chỉnh và quản lý hoạt động kinh doanh đón khách Trung Quốc theo chuyên đề.
Phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, giám sát, công khai danh sách các cơ sở thường xuyên cung ứng dịch vụ phục vụ khách du lịch Trung Quốc đường bộ.
TCDL Việt Nam cũng sẽ tăng cường hợp tác với Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc trong lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch và thúc đẩy việc trao đổi khách giữa hai bên.
Với mục tiêu lấy lợi ích du khách làm trung tâm, ngành du lịch sẽ tập trung chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trong thời gian tới, qua đó góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam là điểm đến thân thiện, an toàn và hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Trong năm 2017, ngành du lịch cũng sẽ quan tâm hơn nữa tới thị trường du lịch trong nước, phục vụ tốt khách du lịch nội địa, đây chắc chắn sẽ là thị trường rất tiềm năng của ngành du lịch trong thời gian tới.