Sống chung với ô nhiễm

Nguyễn Chung 08/05/2017 07:45

Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định phê duyệt quy hoạch làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu tại xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hoá, một mặt nhằm bảo tồn làng nghề truyền thống, mặt khác giải quyết những bất cập về môi trường.

Tuy nhiên, sau gần 3 năm kể từ khi quyết định ra đời, dự án vẫn ở trong tình trạng dở dang. Hệ luỵ này khiến hàng trăm hộ dân các thôn 7,8,9,10, xã Thiệu Đô phải chung sống với tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc xả thải của làng nghề.

Khu làng nghề quy mô, hứa hẹn trong tình trạng “đắp chiếu”.

Khốn đốn vì ô nhiễm

Hiện làng nghề Hồng Đô có 26 cơ sở và 1 Cty chuyên ươm tơ, dệt nhiễu. Song hầu hết các cơ sở đều không có hệ thống xử lý nước thải, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, các cơ sở này đã trực tiếp xả thải ra môi trường khiến đời sống dân sinh tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại thôn 7, xã Thiệu Đô có một hồ lớn chứa nước thải của làng nghề. Trong cái nắng như thiêu đầu mùa hạ, không khí ở đây như sánh lại bởi mùi hôi thối bốc lên từ các kênh mương nồng nặc đến khó thở.

Bà Lê Thị Minh cư trú tại thôn 7, xã Thiệu Đô bức xúc: “Nước đen kịt, đặc quánh bốc mùi hôi thối như thế này thì làm sao mà chịu được. Chúng tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến trong các cuộc hội họp thôn nhưng không ăn thua…”.

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là do các cơ sở sản xuất tại Thiệu Đô không đủ khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải một cách quy mô. Trong khi đó, dự án quy hoạch làng nghề vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Thêm vào đó là toàn bộ nước thải trong sinh hoạt đến chăn nuôi của người dân cũng tuồn thẳng ra hồ lớn rồi đổ ra kênh nông giang ngay trước làng, khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên trầm trọng.

Thiếu kinh phí?

Được biết, đã nhiều đời nay, nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô được xem là nguồn thu nhập chính cũng như giải quyết việc làm đáng kể cho hàng trăm lao động trong xã.

Đặc biệt, kể từ khi có chủ trương khôi phục làng nghề thì số hộ cũng như số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang trồng dâu nuôi tằm càng tăng lên, làng nghề dần hồi sinh. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào để khắc phục vấn đề môi trường làng nghề.

Động thái tích cực nhất, vào tháng 8 năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án Cụm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô tập trung trên diện tích hơn 25.000m2, với tổng kinh phí sau khi bổ sung là 21,9 tỉ đồng.

Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là 7,5 tỉ đồng, huyện 5,7 tỉ đồng và kinh phí của xã là 8,7 tỉ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, sau những tháng ngày chờ đợi thì dự án làng nghề cũng chỉ mới hoàn thành khoảng 50% khối lượng.

Chủ tịch xã Thiệu Đô, ông Lê Thế Ký cho biết: Cái chính vẫn là do thiếu kinh phí khiến nhà thầu thi công chưa thể bàn giao công trình. Tính đến đầu tháng 5/2017, số vốn tỉnh cấp cho dự án theo phê duyệt mới chỉ đạt 4,7/7,5 tỉ đồng, huyện mới chỉ cấp được 3,7/5,7 tỉ đồng và xã Thiệu Đô dù đã rất cố gắng nhưng cũng mới “rót” cho dự án trọng điểm được 5 tỉ đồng.

“Chúng tôi mới làm tờ trình xin tỉnh, huyện cấp đủ kinh phí. Phấn đấu đến 30-6-2017 sẽ bàn giao một phần dự án cho các cơ sở thuộc làng nghề”, ông Ký nói.

Trái với những gì ông Ký khẳng định, ông Hoàng Viết Chọn, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: Dự án Cụm làng nghề Hồng Đô là do xã Thiệu Đô làm chủ đầu tư.

“Lãnh đạo xã Thiệu Đô nói như vậy là không chính xác... Số vốn của tỉnh đã cấp đủ, vốn của huyện chúng tôi cũng đã giải ngân cơ bản, chỉ còn thiếu vài trăm triệu nữa thôi. Trước mắt huyện đang đôn đốc xã đẩy nhanh tiến độ để chuyển các cơ sở ra khu mới và đậy nắp cống rãnh để hạn chế mùi hôi thối phát tán”.

Xem ra, với tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” như ở trên thì chưa biết đến bao giờ dự án cụm làng nghề Hồng Đô mới có thể bàn giao cho các cơ sở sản xuất kinh doanh!

Nguyễn Chung