Tìm đường đi đúng để phát triển kinh tế
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII khai mạc hôm cuối tuần trước. Trong 4 nội dung quan trọng được Trung ương đem ra bàn thảo thì có đến 3 nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Đó là, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.
Tính hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước cần được hết sức chú trọng.
3 vấn đề kinh tế được bàn trong cùng một hội nghị như vậy chính là vì Trung ương muốn có cái nhìn tổng thể nhất về các vấn đề liên quan đến kinh tế dưới những góc độ khác nhau để từ đó tìm ra con đường đi đúng đắn nhất cho phát triển kinh tế nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển chung của đất nước.
Nói về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong 30 năm của thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, trong đó cốt lõi là tập trung ưu tiên đổi mới tư duy kinh tế, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển; coi đây là công việc thường xuyên, liên tục.
Từ sự thay đổi về tư duy, chúng ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Tuy nhiên, hạn chế và yếu kém vẫn còn hiện hữu mà đặc biệt đáng lưu tâm là việc kinh tế phát triển chưa thật sự nhanh và bền vững như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể chậm đổi mới và phát triển; kinh tế tư nhân phát triển chưa thật nhanh, bền vững và lành mạnh.
Một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả. Việc tiếp cận các nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế.
Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao và việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Quyền sở hữu tài sản, nhất là quyền của người góp vốn chưa được bảo đảm thực thi đầy đủ.
Giá cả một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự theo nguyên tắc thị trường. Hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả chưa cao; việc tự do hoá thương mại, đầu tư trong một số thị trường, lĩnh vực chưa sát hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế...
Những đánh giá này đã được nêu trong các văn kiện của Đại hội XII và đã được nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 5, trong phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chính vì những vướng mắc, kém hiệu quả nêu trên và vì sự chậm đổi mới của khu vực nhà nước mà việc đổi mới hoạt động của DNNN đã trở thành mệnh lệnh cấp bách; là sự thay đổi không thể khác được.
Thời gian qua, chúng ta đã tận mắt thấy nhiều DNNN lớn thua lỗ trong làm ăn do chủ trương đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực; đã nhìn thấy nhiều dự án do các DNNN lớn khởi xướng phải chịu cảnh thua lỗ.
Những đồng tiền thuế của dân vì thế đã bị rơi vào túi của một số cá nhân hoặc bị thất thoát. “Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư.
Không ít DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng “đắp chiếu”, làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân”- Tổng Bí thư nói tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương.
Từ thực tế ấy, Đảng và Nhà nước ta đã bàn nhiều các biện pháp để sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển DNNN. Kết quả cũng đã có, từ chỗ cả nước có hơn 12.000 DN 100% vốn nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 DN 100% vốn nhà nước, và đến thời điểm tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 DN 100% vốn nhà nước.
Nhưng, đáng buồn ở chỗ, dù đã được cơ cấu lại nhưng xem ra lực lượng này vẫn chưa phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. Vì thế, việc phát huy vai trò của kinh tế nhà nước trong khi tìm cách nâng đỡ kinh tế tư nhân đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng.
Thực ra, công bằng mà nói, kể từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Chính phủ trong vai trò “bà đỡ” đã có nhiều việc làm kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho cả DNNN và DN ở khối tư nhân. Trong mỗi phiên họp Chính phủ thường kỳ việc Chính phủ bàn việc xây dựng pháp luật và bàn về tình hình kinh tế- xã hội chính là sự bổ trợ cho nhau để tìm hướng đi đúng đắn nhất, phù hợp nhất với thực tế đất nước trong giai đoạn hiện nay hay là trong một thời điểm cụ thể khi mà có những tác động của ngoại cảnh vào nền kinh tế đất nước.
Lần này, Trung ương tập trung bàn một cách tổng thể nhất và tìm lời giải cho câu hỏi: Vì sao những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn?
Mới chỉ 3 ngày họp những vấn đề ấy đã bắt đầu được đưa ra bàn thảo hết sức kỹ lưỡng nghiêm túc. Hy vọng, trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng những vấn đề nêu trên, cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu có tính đột phá trong thời gian tới.
Và, sau Hội nghị khi Trung ương ra Nghị quyết về các vấn đề liên quan đến đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN cũng như Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, các thành phần kinh tế sẽ có chỗ dựa vững chắc để từ đó tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh làm lợi cho mình và làm lợi cho đất nước.