Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể: Quản cả đầu vào lẫn đầu ra

Mai Lan 08/05/2017 08:00

Đánh giá Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT) mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp hơn với xu hướng chung của các nền giáo dục trên thế giới hiện nay so với bản dự thảo được công bố vào tháng 8/2015. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu vẫn cho rằng có một số điểm còn băn khoăn cần làm sáng tỏ hơn.

Ảnh minh họa.

Xác định “chân dung” người học

Trong một văn bản góp ý gửi tới Bộ GD-ĐT, các nhà nghiên cứu Hồ Sỹ Anh và Nguyễn Thị Thu Ba thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐHSP TP HCM) cho rằng, Dự thảo đã có những đổi mới đáng ghi nhận.

Ví dụ dự thảo lần này đã phân định rõ hai giai đoạn của giáo dục: giáo dục cơ bản (cấp Tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT).

Đây là xu hướng chung của giáo dục thế giới. Giáo dục cơ bản cung cấp nền tảng kiến thức phổ thông, hình thành những phẩm chất và năng lực cần thiết cho học sinh để có thể học lên bậc học cao hơn, học nghề hoặc đi vào cuộc sống. Các nước trên thế giới rất coi trọng giáo dục cơ bản nên đã thực hiện giáo dục bắt buộc ở giai đoạn này.

Cũng theo các nhà nghiên cứu này, Dự thảo đã thể hiện rất rõ mục tiêu hướng đến phát triển toàn diện theo từng cá nhân học sinh. Đó là, phát triển cả phẩm chất và năng lực, gồm 6 phẩm chất và 10 năng lực.

6 phẩm chất: Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực và trách nhiệm. Những phẩm chất này vừa có tính kế thừa tư tưởng, triết lý giáo dục Việt Nam trước đây, đồng thời, có tính phát triển khi đặt ra: “Chăm học, chăm làm, trung thực và trách nhiệm”; phù hợp với những trụ cột của Liên Hiệp quốc về học tập ở thế kỷ XXI: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự hoàn thiện mình.

Dự thảo cũng đã thể hiện rất rõ về mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và giáo dục, cách thức kiểm tra đánh giá. Về mục tiêu, có 3 mục tiêu cơ bản, đó là: giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù và sáng tạo. Nói cách khác, Chương trình đã định ra chân dung của người học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Có thêm lựa chọn “nâng cao” có các môn cơ bản Toán, Văn, Ngoại ngữ 1

Tuy nhiên, vẫn theo các nhà nghiên cứu Hồ Sỹ Anh và Nguyễn Thị Thu Ba, trong Dự thảo, còn nhiều điều cần được bổ sung.

Ví dụ, Dự thảo lần này đề xuất 3 môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ 1. Phải khẳng định rằng, Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là 3 công cụ quan trọng giúp HS học tập các môn khác và vận dụng vào cuộc sống rất nhiều. GS Nguyễn Cảnh Toàn từng cho rằng, học toán là để sử dụng kiến thức, tư duy của toán và nhân cách hình thành từ môn toán vào học các môn khác hoặc vận dụng để giải quyết các vấn đề cuộc sống, và cũng như vậy đối với Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Tuy nhiên, nếu quy định tất cả HS phải học như nhau đối với 3 môn này là bất hợp lý và trái với quy luật phân hóa, và gây ra sự quá tải đối với HS. Bởi vì, nhu cầu học toán, học văn hay ngoại ngữ là khác nhau đối với từng người.

Một HS có năng khiếu về văn học, nghệ thuật không nhất thiết phải học hình học không gian hay toán học cao cấp; thay vào đó là học các nội dung nâng cao về văn học hay nghệ thuật. Ngược lại, một HS có năng khiếu về toán thì họ mong muốn có chương trình toán nâng cao.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kiến nghị: 3 môn bắt buộc ở THPT gọi là Toán cơ bản, Ngữ văn cơ bản và Ngoại ngữ 1 cơ bản, đồng thời có thêm 3 môn Toán nâng cao, Ngữ văn nâng cao và Ngoại ngữ 1 nâng cao vào nhóm các môn tự chọn. Để HS có năng khiếu về Toán học thêm Toán nâng cao, HS có năng khiếu về văn chương học thêm môn Ngữ văn nâng cao.

Nói cách khác, theo các nhà nghiên cứu, cần bổ sung nhiều chuyên đề học tập, hay một số môn vào nhóm môn tự chọn chứ không chỉ có 2 môn Tiếng dân tộc và Ngoại ngữ 2 như Dự thảo.

Về xét tốt nghiệp THPT như đề xuất của Dự thảo là phù hợp với xu hướng chung, tạo điều kiện cho HS nỗ lực theo quá trình để tích lũy các tín chỉ, chứ không phải tập trung học tập cao độ, căng thẳng ở mỗi kỳ thi.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đề nghị: việc xét tốt nghiệp này cần phải khắc phục tư duy là quyền của nhà trường, nên có thể yêu cầu thấp hơn trong đánh giá để mọi HS có thể vượt qua và tích lũy được chứng chỉ.

Vì như, xét tốt nghiệp THCS hiện nay gần như 100% HS đều tốt nghiệp THCS, kể cả những trường còn thiếu nhiều điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất.

Vì vậy, cần đổi mới tư duy và cách thức quản lý chất lượng, phải quản lý đầu vào, quá trình và đầu ra chứ không chỉ tập trung quản lý đầu ra (thi cử) như hiện nay.

Ngoài ra, 2 nhà nghiên cứu này có đề xuất: “Đối với yêu cầu về phẩm chất, theo chúng tôi, ngoài 6 phẩm chất mà Dự thảo đưa ra cần bổ sung thêm 2 phẩm chất nữa là, “Biết sống chung và Kỷ luật”.

Hai phẩm chất này kế thừa phẩm chất “Đoàn kết tốt, Kỷ luật tốt” trong 5 điều Bác Hồ dạy mà còn phù hợp với định hướng GD của UNESCO là “Học để chung sống”.

Bởi vì, sống chung nó mở rộng hơn đoàn kết, có nghĩa là không chỉ số hòa đồng, thích nghi với mọi người mà còn sống chung với thiên nhiên, sống chung với biến đổi khí hậu, sống chung với một thế giới luôn thay đổi.”

Mai Lan