Bệnh không lây nhiễm tăng cao
Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh phổi mạn tính và mỗi năm có khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư. Đó là thống kê mới nhất được chia sẻ tại buổi tọa đàm về bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế và Bộ Hợp tác phát triển Đan Mạch vừa tổ chức.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS.TS Lê Quang Cường- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn chuyển đổi giữa dân số và dịch tễ học với sự gia tăng tuổi thọ và tỷ lệ hiện mắc các bệnh không lây nhiễm.
Các bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất là tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và 73% các trường hợp tử vong hàng năm ở nước ta.
Ông Trần Quốc Bảo- Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Có 4 yếu tố nguy cơ phổ biến hình thành bệnh không lây nhiễm là hút thuốc, sử dụng rượu bia ở mức có hại, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, dẫn đến các thay đổi sinh chuyển hóa trong cơ thể, gây thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng lượng đường trong máu, từ đó phát triển thành bệnh.
Đặc biệt, có tới một nửa số nam giới trong độ tuổi trưởng thành thường xuyên hút thuốc, 77% nam giới trưởng thành uống rượu bia, trong đó 44% số người uống rượu bia ở mức nguy hại và 1/3 số người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực.
Bên cạnh đó, trung bình mỗi người ăn 9,4 gam muối mỗi ngày, gần gấp đôi mức khuyến cáo, cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.
Trong khi đó, do còn hạn chế về sàng lọc phát hiện bệnh sớm, có gần 2/3 người mắc phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường không được phát hiện và quản lý bệnh. 70% người bệnh ung thư ở Việt Nam cũng đến bệnh viện ở giai đoạn muộn.
Đặc biệt, các chuyên gia cho biết hút thuốc và uống rượu là nguy cơ có tính chất cộng dồn. Đã có khoảng 50 nghiên cứu cho thấy tiêu thụ rượu 50g/ngày tương quan với tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. 100 nghiên cứu khác khẳng định phụ nữ uống rượu 18g/ngày có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 1,5 lần so với phụ nữ không uống rượu.
Đồng thời, không có một ngưỡng an toàn nào đối với việc uống rượu, bia, ngay cả một lượng nhỏ cũng làm tăng nguy cơ của một số bệnh ung thư so với những người không uống.
Tại buổi tọa đàm, Đại diện Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi để có một cuộc sống khoẻ mạnh, phòng chống bệnh tật bằng những cách như: có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày; Duy trì cân nặng hợp lý và cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ; Không hút thuốc lá hoặc thuốc lào, hạn chế uống bia rượu; Tăng cường hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày; Tránh các lo âu, căng thẳng, sống tích cực, nghỉ ngơi hợp lý; Người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.
Người bị bệnh tăng huyết áp bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống, cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc.
4 yếu tố nguy cơ hình thành bệnh không lây nhiễm: hút thuốc, sử dụng rượu bia ở mức có hại, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu hoạt động thể lực |