Tổng thống đắc cử Pháp và làn gió hy vọng mới

Khánh Duy 08/05/2017 18:15

Ứng viên trung dung có tư tưởng ủng hộ EU Emmanuel Macron đã giành phần thắng trong kỳ bầu cử Tổng thống Pháp, một chiến thắng quyết định đối với lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen, và tuyên bố sẽ đoàn kết một nước Pháp đang xuất hiện nhiều chia rẽ và rạn nứt.

Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron
trong đêm ăn mừng chiến thắng. (Nguồn: AFP).

Hàn gắn một nước Pháp chia rẽ

Ông Macron, 39 tuổi, cựu Bộ trưởng Kinh tế tuyên bố không theo cánh hữu hay cánh tả từng được xem là nhân vật gây chấn động hệ thống chính trị Pháp, đã giành được 66% số phiếu bầu so với 34% của bà Le Pen. Chiến thắng của ông được những người ủng hộ coi là một diễn biến kiềm chế được làn sóng dân túy đang trỗi dậy sau cuộc trưng cầu Brexit và Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại khuôn viên của Bảo tàng Louvre trong hôm 8/5, ông Macron nói rằng ông sẽ bảo vệ nước Pháp và châu Âu. Ông nói rằng châu Âu và thế giới đang “theo dõi chúng ta” và “chờ đợi chúng ta bảo vệ tinh thần của sự khai sáng, vốn đang bị đe dọa ở rất nhiều nơi”.

Ông cũng cam kết sẽ đoàn kết một nước Pháp đang rạn nứt và chia rẽ, nói rằng: “Tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo rằng các bạn sẽ không bao giờ có lý do để bỏ phiếu cho những nhân tố cực đoan”. Nói về sự trỗi dậy mạnh mẽ cùng chiến thắng của ông, ông Macron nói: “Mọi người từng cho rằng điều đó là không thể. Nhưng họ chưa biết nước Pháp!”.

Về phần mình, dù để thua ông Macron trong vòng bỏ phiếu quyết định, nhưng tỷ lệ ủng hộ của bà Le Pen đã đánh dấu mức cao kỷ lục đối với đảng cực hữu của Pháp. Dù kết thúc chiến dịch tranh cử bằng một bài tranh luận trực tiếp được coi là “thảm họa” nhưng bà vẫn kiếm được 11 triệu lá phiếu, tức gấp đôi cha của mình, ông Jean-Marie Le Pen, khi ông tranh cử hồi năm 2002.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong hôm Chủ nhật vừa qua cũng ở mức thấp nhất trong suốt 40 năm qua. Gần 1/3 số cử tri Pháp không bỏ phiếu cho cả ông Macron lẫn bà Le Pen, với khoảng 12 triệu người không đi bỏ phiếu và 4,2 triệu người làm hỏng lá phiếu.

Ông Macron, người chưa từng được bầu cử chức danh nào và ít được biết đến cho tới mãi cách đây 3 năm, sẽ trở thành vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp. Vào Chủ nhật tuần này, ông sẽ chính thức tiếp quản một đất nước đang đặt trong tình trạng khẩn cấp do phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố lớn và loay hoay vực dậy một nền kinh tế chững lại suốt nhiều thập kỷ.

Francois Bayrou, một vị cựu bộ trưởng và là đồng minh của ông Macron, cho hay: “Ông ấy là lãnh đạo trẻ tuổi nhất trên hành tinh, người đã gửi đi thông điệp về hy vọng. Ông Macron đang giúp những người không có hy vọng được hy vọng một lần nữa. Có thể chúng ta sẽ làm được gì đó, vượt trên cả chia rẽ giữa cánh tả-cánh hữu”.

Bà Le Pen nhanh chóng thừa nhận thất bại, nói rằng bà đã giành được điểm số “lớn lao và lịch sử” khiến cho bà trở thành “lực lượng đối lập lớn nhất” ở nước Pháp. Bà cam kết sẽ “biến đổi” phong trào cực hữu, hé lộ khả năng đảng này sẽ đổi tên và mở rộng để tăng cường cơ hội trong các kỳ bầu cử.

Đương kim Tổng thống Pháp, Francois Hollande, người từng bổ nhiệm ông Macron làm Bộ trưởng Kinh tế, nói rằng: “Chiến thắng cách biệt của ông ấy đã xác nhận một điều rằng đại đa số người dân mong muốn đoàn kết, gắn với Liên minh châu Âu và cho thấy nước Pháp luôn cởi mở với toàn thế giới”.

Chiến thắng của ông Macron có được không chỉ bởi các cử tri ủng hộ chính sách mà ông đưa ra, trong đó ủng hộ thị trường tự do, cải cách điều luật lao động, ủng hộ EU… mà còn nhờ các cử tri đến từ các đảng phái khác, dù không ủng hộ chính sách của ông, nhưng lại muốn ngăn chặn bước tiến của đảng Mặt trận Dân tộc của bà Le Pen.

Sau khi đắc cử, trong bối cảnh các đảng cánh tả và cánh hữu còn đang mạnh mẽ, ông Macron sẽ phải đối mặt với thách thức lớn khi cần tạo nên một nhóm đa số trong Quốc hội trong các kỳ bầu cử cơ quan lập pháp tổ chức vào tháng tới. Nếu không có nhóm đa số này, ông sẽ không có khả năng để thực hiện những lời cam kết chính sách nói trên.

Sau cuộc trưng cầu khiến Anh rời khỏi EU hồi năm ngoái và việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, thì cuộc chạy đua vào Điện Elysee ở Pháp là kỳ bầu cử mới nhất gây chấn động giới chính trị truyền thống khi loại bỏ các chính trị gia kỳ cựu, các đảng chính thống từng thống trị chính trường Pháp trong suốt 50 năm qua và để cho ông Macron trở thành gương mặt mới cạnh tranh với đảng cực hữu.

Chiến thắng của ông Macron cũng xuất hiện sau một chiến dịch tranh cử đầy lời lẽ chỉ trích với bà Le Pen, người đã cáo buộc ông không thấu hiểu nguyện vọng của người dân trong khi ông cáo buộc đối thủ đại diện cho “đảng của sự thù hận” với mong muốn gây một cuộc “nội chiến” ở nước Pháp. Cuộc đối đầu này cũng giống như cuộc chiến giữa hai thái cực ủng hộ và phản đối EU.

EU thở phào nhẹ nhõm

Ở Brussels và Berlin, nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm khi chứng kiến các chính sách chống EU và chống toàn cầu hóa của bà Le Pen bị thất bại trong kỳ bầu cử.

Một người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng đây là một “chiến thắng vì khối châu Âu đoàn kết và vững mạnh” trong khi Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker nói rằng cử tri Pháp đã lựa chọn một “tương lai của châu Âu”.

Văn phòng của Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng bà “nhiệt liệt chúc mừng” chiến thắng của ông Macron và “chờ đón được làm việc với vị tân Tổng thống về hàng loạt các vấn đề ưu tiên chung”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người sẽ có cuộc gặp với ông Macron trong hôm 25/5 tới nhân hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức ở Brussels, đã viết trên tài khoản Twitter rằng: “Chúc mừng ông Emmanuel Macron vì chiến thắng to lớn ngày hôm nay với tư cách tân Tổng thống Pháp. Tôi mong muốn được làm việc với ông ấy”.

Kỳ bầu cử đầy biến động

Ông Macron, một cựu nhân viên ngân hàng đầu tư và là công chức trưởng thành từ một gia đình tư sản ở Amiens, từng giữ một chức vụ trong chính phủ của Tổng thống Hollande nhưng không phải là thành viên của đảng Xã hội Pháp.

Năm 2014, Tổng thống Hollande đã bổ nhiệm ông Macron làm Bộ trưởng Kinh tế, nhưng ông rời khỏi vị trí này trong năm 2016 sau khi tuyên bố các chương trình cải cách kinh tế vẫn tiến chưa đủ xa. Trước đó một năm, ông đã thành lập “En Marche!” (Tiến bước), một phong trào chính trị mới hứa hẹn sẽ khuấy đảo giới chính trị truyền thống. Ông Macron thực hiện chiến dịch tranh cử dựa trên cam kết nới lỏng các bộ luật lao động, cải thiện giáo dục ở những vùng khó khăn và đảm bảo quyền lợi cho các hộ kinh tế gia đình.

Kỳ bầu cử Tổng thống Pháp năm nay diễn ra đầy bất ngờ và những bước ngoặt lớn. Ông Hollande trở thành vị Tổng thống đầu tiên của Pháp tuyên bố không tái tranh cử kể từ sau Thế chiến II sau khi chứng kiến tỷ lệ ủng hộ mình xuống thấp kỷ lục.

Nhiệm kỳ 5 năm của ông đã chứng kiến Pháp loay hoay trong một nền kinh tế bị chững lại và sự vỡ mộng của người dân đối với tầng lớp chính trị. Nước Pháp bị đẩy vào chỗ chia rẽ hơn bao giờ hết. Hơn 230 người đã thiệt mạng trong hàng loạt vụ tấn công khủng bố chỉ trong vòng hơn 2 năm, giới chính trị gia đặt ra câu hỏi về cộng đồng Hồi giáo trong xã hội Pháp và hơn 3 triệu người dân đang thất nghiệp…

Ứng viên cánh hữu, Francois Fillon, người từng được xem là có cơ hội lớn nhất trở thành Tổng thống Pháp, đã bất ngờ bị mất đi động lực sau khi dính vào bê bối tham nhũng, trong đó có cáo buộc ông dùng các quỹ công trả lương rất hào phóng cho vợ và con cái.

Đảng Xã hội cầm quyền, với ứng viên Benoit Hamon, cũng phải chứng kiến tỷ lệ ủng hộ suy giảm xuống chỉ còn 6% trong khi ứng viên cánh tả Jean-Luc Melenchon chỉ về vị trí thứ 4 trong vòng bỏ phiếu đầu tiên tổ chức hôm 23/4.

Vòng bỏ phiếu cuối cùng cũng mang ý nghĩa hết sức đặc biệt bởi nó không còn là cuộc đối đầu giữa hai đảng truyền thống cánh tả, cánh hữu như trước kia, mà là cuộc chiến giữa luồng tư tưởng tự do, ủng hộ toàn cầu hóa và luồng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc với chủ trường “đóng cửa biên giới”. Bà Le Pen từng mô tả kỳ bầu cử này là cuộc đối đầu giữa “những người ái quốc” của đảng bà và “những người chủ trương toàn cầu hóa” mà ông Macron đại diện.

Khánh Duy