Thị trường chứng khoán chờ cổ phiếu ngân hàng
Nhiều ngân hàng khi đưa ra kế hoạch với cổ đông sẽ lên sàn chứng khoán trong năm nay hoặc trong thời gian ngắn nhất. Thế nhưng, nói là vậy nhưng chưa chắc đã vậy…
Ngân hàng sẽ phải lên sàn
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các ngân hàng đều phải lên sàn chứng khoán, không phân biệt sàn chính thức hay UPCoM, nhằm nâng cao tính thanh khoản, nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu, cũng như minh bạch về các báo cáo tài chính.
Việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung nhằm mục tiêu chia sẻ, minh bạch các thông tin về hoạt động của ngân hàng, giá cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường, thanh khoản của cổ phiếu, giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc ra quyết định đầu tư.
Nhiều ngân hàng trình cổ đông kế hoạch lên sàn UPCoM ngay trong năm như VietAbank, TPbank, HDbank, ABbank, KienLongbank. Thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại duy chỉ có VIB chính thức trình làng đại chúng, còn lại thị trường chứng khoán vẫn chỉ quen với tên cổ phiếu của các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Eximbank, Sacombank, MBbank, SHB… Nhiều ngân hàng thương mại vẫn viện dẫn ra nhiều lý do để trì hoãn. Lúc thì là do thị trường chưa thuận lợi cho việc niêm yết, khi thì lại là ngân hàng cần thời gian chuẩn bị nội lực tốt, tăng năng lực tài chính. Nhiều ngân hàng ngại lên sàn do vướng mắc về nợ xấu, nhiều thông tin chưa thực sự minh bạch, tuy nhiên có ngân hàng tình hình tăng trưởng cũng như vấn đề minh bạch rất tốt vẫn chần chừ.
Ngân hàng ít đầu tư thương hiệu
Muốn lên sàn, tất cả các báo cáo tài chính của DN phải được kiểm toán độc lập và minh bạch. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể có một số ngân hàng tình hình tài chính không khả quan nên họ ngần ngại lên sàn.
Nhưng việc không chịu lên sàn cũng khiến cho ngân hàng không khai thác được triệt để giá trị thương hiệu.
Ông Samir Dixit- Giám đốc điều hành của Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Xếp hạng sức mạnh thương hiệu của các ngân hàng Việt Nam vẫn thuộc mức thấp nhất của khu vực, khiến họ không thể cạnh tranh ngay cả trong ASEAN, chưa tính đến phần còn lại của thế giới.
Để nâng cao giá trị thương hiệu, cạnh tranh được với các thương hiệu khác trong khu vực, các ngân hàng Việt Nam hiện có nhiều nhiệm vụ khó khăn phía trước. Ngoài ra, nếu muốn duy trì và nâng cao vị trí của mình trong bảng xếp hạng “Top 500 Ngân hàng Toàn cầu”, các ngân hàng Việt Nam cũng có rất nhiều việc phải làm.
Đại diện Brand Finance phân tích, có 3 yếu tố chính tác động đến giá trị thương hiệu, đó là Sức mạnh thương hiệu, Hiệu quả kinh doanh và các khía cạnh bên ngoài. Trong đó, sức mạnh thương hiệu là yếu tố quan trọng nhất. Tỷ lệ vốn hóa thị trường cho thấy rõ thương hiệu đang thúc đẩy kinh doanh và tỷ lệ thấp hơn đồng nghĩa với thương hiệu không hỗ trợ sự thành công hay tăng trưởng kinh doanh của các ngân hàng.
Cũng theo các chuyên gia, do yêu cầu về minh bạch theo các chuẩn mới, trong đó có việc thực hiện các cam kết theo Basel II, các ngân hàng sẽ phải đẩy nhanh quá trình niêm yết. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… hiện đang triển khai nhiều quy định “thúc” các DN lên sàn. Hi vọng thời gian tới, trên thị trường chứng khoán sẽ xuất hiện thêm nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng.